Làm vách ngăn chia phòng là xu hướng phổ biến trong thiết kế nội thất hiện đại. Không chỉ giúp phân chia các phòng chức năng trong nhà linh hoạt, vách ngăn còn có tác dụng trang trí, tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian sống. Đặc biệt, vách ngăn phòng được xem là giải pháp lý tưởng cho những căn hộ chung cư nhỏ hẹp.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại vách ngăn chia phòng được ưa chuộng nhất hiện nay, cách chọn vách ngăn phù hợp cho từng phòng trong nhà.
Mục Lục |
1. Vách Ngăn Chia Phòng Là Gì? 2. Loại Vách Ngăn Chia Phòng Nào Phổ Biến Nhất Hiện Nay? Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Chức Năng Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Chất Liệu Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Thiết Kế 3. Làm Vách Ngăn Chia Phòng Cần Lưu Ý Gì? Làm Vách Ngăn Chia Phòng Phù Hợp Với Từng Phòng Chức Năng Chọn Màu Sắc, Chất Liệu Làm Vách Ngăn Chia Phòng Phù Hợp Xác Định Đúng Vị Trí, Kích Thước Vách Ngăn Phòng 4. Hướng Dẫn Chọn Vách Ngăn Phòng Cho Từng Không Gian Nhà Vách Ngăn Phòng Khách Vách Ngăn Phòng Khách Và Bếp Vách Ngăn Phòng Thờ Vách Ngăn Phòng Ngủ Vách Ngăn Cầu Thang Vách Ngăn Phòng Tắm 5. Mẹo Làm Vách Ngăn Chia Phòng Giá Rẻ Sử Dụng Đồ Nội Thất Làm Vách Ngăn Chia Phòng Sử Dụng Giá Treo Quần Áo Làm Vách Ngăn Chia Phòng Bằng Cây Xanh Tự Làm Rèm Vải Chia Phòng |
1. Vách Ngăn Chia Phòng Là Gì?
Vách ngăn chia phòng là những tấm ngăn có bề mặt phẳng, đứng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ công nghiệp, gỗ tự nhiên, nhôm, kính, nhựa, thạch cao… Vách ngăn được sử dụng để phân chia không gian văn phòng, nhà ở thành nhiều khu vực chức năng khác nhau, thay thế cho những bức tường truyền thống.
Xu hướng làm vách ngăn chia phòng đã và đang được nhiều gia đình yêu thích, lựa chọn bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại:
- Vách ngăn thay thế tường bê tông thô cứng, tạo sự thông thoáng cho không gian nhà ở, đặc biệt là với những căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hẹp.
- Dễ thay đổi cơ cấu không gian, các phòng chức năng.
- Vách ngăn phòng giúp phân tách linh hoạt, tạo sự riêng tư cho mỗi không gian chức năng.
- Vách ngăn đa năng tích hợp kệ trang trí có tính thẩm mỹ cao, tạo vẻ sang trọng, tinh tế cho ngôi nhà.
- Làm vách ngăn chia phòng giúp tiết kiệm chi phí đáng kể so với tường ngăn.
- Về mặt phong thủy, vách ngăn giúp ngăn chặn sát khí, điều hướng các luồng năng lượng.
Vách ngăn phòng xuất hiện cách đây khoảng hơn 2000 năm, được sử dụng lần đầu tiên tại Trung Quốc nhằm tạo rào cản phân tách giữa các khu vực chức năng trong một căn phòng lớn. Lúc bấy giờ, vách ngăn phòng được gọi là tấm chắn gập, làm bằng giấy dán vào khung lưới gỗ. Chúng thường là vách ngăn sử dụng trong các bữa tiệc trà, là phông nền cho các buổi vũ hội, ca nhạc, ngăn cách với những hoạt động bên ngoài ngôi nhà.
2. Loại Vách Ngăn Chia Phòng Nào Phổ Biến Nhất Hiện Nay?
Vách ngăn chia phòng hiện rất đa dạng về chủng loại cho bạn thỏa sức lựa chọn theo nhu cầu và khả năng tài chính, phổ biến nhất có các loại sau đây.
Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Chức Năng
- Vách ngăn phòng khách
- Vách ngăn phòng khách và bếp
- Vách ngăn phòng khách và cầu thang
- Vách ngăn phòng ngủ
- Vách ngăn phòng tắm
- Vách ngăn phòng thờ
Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Chất Liệu
- Vách ngăn nhựa
– Ưu điểm: Nhẹ, thi công nhanh; chống nước, chống cháy tốt; vệ sinh, tháo gỡ, thay mới dễ; tiết kiệm chi phí so với vách ngăn bằng gỗ, kính, kim loại.
– Nhược điểm: Vách ngăn nhựa hay vách ngăn nhựa giả gỗ chịu lực kém và giá khá cao so với vách thạch cao.
– Không gian sử dụng: Vách ngăn nhựa với những ưu điểm nêu trên được sử dụng làm vách ngăn chia phòng cho hầu hết các phòng chức năng trong nhà.
- Vách ngăn gỗ tự nhiên
– Ưu điểm: Tính thẩm mỹ cao, mang lại vẻ sang trọng cho không gian nhà. Vách ngăn gỗ dễ tạo hình trang trí, độ cứng và đàn hồi tốt theo thời gian.
– Nhược điểm: Dễ bị mối mọt, cong vênh, co ngót nếu không được xử lý tốt. Chi phí cho vách ngăn gỗ tự nhiên thường khá cao, bạn nên cân nhắc kỹ.
– Không gian sử dụng: Vách ngăn gỗ có thể làm vách ngăn chia phòng cho mọi khu vực chức năng trong nhà, ngoại trừ những khu vực ẩm ướt như phòng tắm vì dễ gây ẩm mốc, hư hỏng.
- Vách ngăn gỗ công nghiệp
– Ưu điểm: Tiết kiệm chi phí hơn so với vách ngăn gỗ tự nhiên; hiếm khi bị co ngót, cong vênh; màu sắc, họa tiết cực kỳ đa dạng; thi công khá nhanh.
– Nhược điểm: Độ bền không bằng gỗ tự nhiên, tuổi thọ ngắn, khoảng 2-3 năm trong môi trường nhiều hơi ẩm; 5-10 năm với điều kiện lý tưởng.
– Không gian sử dụng: Vách ngăn gỗ công nghiệp được sử dụng linh hoạt cho nhiều không gian chức năng trong nhà. Thường làm vách ngăn giữa phòng khách và khu vực cầu thang, giữa phòng khách và khu bếp. Hạn chế sử dụng cho những khu vực ẩm ướt như phòng tắm.
- Vách ngăn bằng kim loại
– Ưu điểm: Vách ngăn kim loại làm từ sắt, nhôm sơn tĩnh điện nhiều màu sắc. Loại vách ngăn này dễ thiết kế và thi công, cách nhiệt tốt, ít bị biến dạng bởi điều kiện thời tiết. Vách ngăn kim loại mang lại vẻ đẹp hiện đại, cá tính cho không gian sống.
– Nhược điểm: Vách ngăn kim loại thường có độ bền không cao và khả năng chịu lực kém.
– Không gian sử dụng: Vách ngăn kim loại CNC được sử dụng cho nhiều không gian khác nhau từ phòng khách, bếp, phòng làm việc tới phòng ngủ.
- Vách ngăn kính
– Ưu điểm: Vách ngăn kính mang lại sự thông thoáng, rộng rãi cho không gian, tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt, vệ sinh dễ dàng.
– Nhược điểm: Vách ngăn kính trong suốt khó đảm bảo được tính riêng tư khi không kết hợp rèm che. Nếu làm vách ngăn chia phòng giá rẻ thì chất lượng không đảm bảo, không an toàn trong quá trình sử dụng. Vách kính cũng rất dễ bị bám bụi, cần vệ sinh làm sạch thường xuyên.
– Không gian sử dụng: Vách ngăn kính chủ yếu sử dụng cho phòng tắm, phân tách khu khô – ướt. Ngoài ra, loại vách ngăn này cũng sử dụng để phân tách phòng khách với khu bếp nấu, đảm bảo sự thông thoáng cho không gian.
- Vách ngăn thạch cao
– Ưu điểm: Vách ngăn thạch cao mẫu mã đa dạng, giá thành khá rẻ, dễ thi công và tháo gỡ, độ bền tương đối cao. Khả năng chống ẩm, cách nhiệt, chống cháy, cách âm tốt.
– Nhược điểm: Hạn chế của vách ngăn thạch cao là khả năng chịu lực kém, dễ bị trầy xước, bị lõm, chống nước kém, dễ bị nấm mốc, ố vàng, ảnh hưởng tới tuổi thọ.
– Không gian sử dụng: Vách thạch cao thường được sử dụng làm vách ngăn chia phòng phòng khách với khu vực bếp, phòng ăn hoặc dùng trong phòng ngủ để tách khu vực ngủ nghỉ với góc làm việc, thay đồ.
Phân Loại Vách Ngăn Chia Phòng Theo Thiết Kế
- Vách ngăn cố định: Vách ngăn cố định luôn nằm ở một vị trí cố định, thường được làm bằng chất liệu gỗ, kính, nhôm hoặc thạch cao, gắn ốc cố định một chỗ. Ưu điểm lớn nhất của vách ngăn cố định là độ bền cao, khả năng chịu lực tốt; cấu tạo đơn giản và giá thành rẻ hơn vách ngăn di động.
- Vách ngăn di động: Là loại vách ngăn di chuyển trượt trên thanh ray, sử dụng linh hoạt. Vách ngăn di động thường dùng cho phòng sinh hoạt chung của gia đình hoặc không gian văn phòng làm việc. Ưu điểm là dễ lắp đặt, dễ tháo gỡ khi cần; tiết kiệm diện tích, không gian và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Tuy vậy, chi phí lắp đặt, bảo dưỡng vách ngăn di động khá cao, gia chủ nên cân nhắc kỹ.
3. Làm Vách Ngăn Chia Phòng Cần Lưu Ý Gì?
Làm vách ngăn chia phòng cho nhà riêng hay văn phòng rất được ưa chuộng. Bởi vậy, các mẫu vách ngăn trên thị trường hiện rất đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, hoa văn… có thể khiến bạn bối rối không biết chọn loại nào cho phù hợp với không gian nhà mình. Trong trường hợp này, người mua cần nắm rõ một số lưu ý sau đây.
Làm Vách Ngăn Chia Phòng Phù Hợp Với Từng Phòng Chức Năng
Mỗi phòng trong nhà sẽ có đặc điểm và chức năng sử dụng riêng, do đó cần chọn loại vách ngăn phòng sao cho hợp lý nhất, vừa đảm bảo công năng sử dụng, vừa có tính thẩm mỹ cao. Ví dụ, với phòng bếp, bạn nên chọn vách ngăn có khả năng cách nhiệt, chống nóng tốt. Trong khi đó, phòng tắm nên chọn vách ngăn kính cường lực để đảm bảo độ bền, đồng thời tạo sự thông thoáng cho không gian. Phòng khách nên chọn vách ngăn cách âm tốt, thiết kế đẹp, hoa văn sang trọng.
Chọn Màu Sắc, Chất Liệu Hài Hòa
Màu sắc và chất liệu vách ngăn cần hài hòa với tổng thể không gian, tức là phù hợp với phong cách thiết kế nội thất của ngôi nhà bạn. Chẳng hạn, với phong cách nội thất hiện đại, bạn nên chọn vách ngăn kính cường lực, vách ngăn kim loại CNC, vách thạch cao để tạo cảm giác thoáng đãng, sang trọng. Trong khi đó, vách ngăn bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp là lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn hướng tới phong cách ấm cúng, gần gũi, thân thiện với môi trường.
Mặt khác, chất liệu làm vách ngăn còn ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công trình cũng như tính thẩm mỹ. Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên ưu tiện chọn vật liệu vách ngăn nhẹ, độ bền cao và dễ thi công lắp đặt, tháo gỡ. Về màu sắc vách ngăn, gia chủ lựa chọn theo chức năng từng phòng. Ví dụ, phòng thờ, phòng ngủ – những không gian cần sự yên tĩnh, nên ưu tiên vách ngăn tông màu trung tính nhẹ nhàng. Với phòng khách, có thể chọn vách ngăn màu vân gỗ sang trọng.
Nếu chú trọng phong thủy nhà ở, bạn có thể lựa chọn màu sắc vách ngăn hợp mệnh gia chủ hoặc hợp mệnh chủ nhân căn phòng. Dưới đây là bảng màu sắc theo mệnh để bạn tham khảo.
Mệnh | Màu tương sinh | Màu tương hợp | Màu chế khắc | Màu bị khắc |
Kim | Vàng, nâu đất | Trắng, xám, ghi | Xanh lá cây | Đỏ, hồng, tím |
Thủy | Trắng, xám, ghi | Đen, xanh biển | Đỏ, hồng, tím | Vàng, nâu đất |
Mộc | Đen, xanh biển | Xanh lá cây | Vàng, nâu đất | Trắng, xám, ghi |
Hỏa | Xanh lá cây | Đỏ, hồng, tím | Trắng, xám, ghi | Đen, xanh biển |
Thổ | Đỏ, hồng, tím | Vàng, nâu đất | Đen, xanh biển | Xanh lá cây |
Theo bảng trên, khi chọn màu sắc vách ngăn chia phòng, gia chủ nên ưu tiên chọn màu tương sinh, kế đến là màu tương hợp, có thể sử dụng màu chế khắc nếu muốn và nên tránh màu bị khắc để mang lại phong thủy tốt.
Xác Định Đúng Vị Trí, Kích Thước Vách Ngăn Phòng
Khi làm vách ngăn chia phòng di động hay cố định, bạn cần xác định kích thước chuẩn cho vách ngăn, đảm bảo hài hòa với tổng thể không gian, không phá hỏng cấu trúc công trình hay làm mất tính thẩm mỹ. Theo đó, trước hết cần xác định đúng vị trí thiết kế vách ngăn, rồi lựa chọn chất liệu, màu sắc, kích thước phù hợp, sao cho không gian sống của bạn không bị mất cân đối.
4. Hướng Dẫn Chọn Vách Ngăn Phòng Cho Từng Không Gian Nhà
Trong phần tiếp theo của bài viết, TinNhaDatVN.Com sẽ hướng dẫn bạn cách chọn vách ngăn chia phòng phù hợp với từng không gian chức năng trong nhà, đảm bảo cả về công nẵng lẫn tính thẩm mỹ.
Vách Ngăn Phòng Khách
Khi làm vách ngăn chia phòng khách, cần ưu tiên tính thẩm mỹ lên hàng đầu. Đối với phòng khách, vách ngăn thường được sử dụng để phân chia với phòng bếp, khu vực lối vào, phòng thờ hoặc phòng làm việc tại nhà. Thực tế cho thấy, vách ngăn CNC hoa văn họa tiết đẹp được nhiều gia chủ lựa chọn cho không gian phòng khách, kế đến là vách ngăn kính cường lực, vách ngăn nhựa, vách ngăn phòng khách bằng gỗ, vách ngăn phòng khách bằng gỗ công nghiệp…
Nếu phòng khách nhỏ hẹp thì nên chọn vách kính trong suốt để tạo sự thông thoáng, tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Các kiểu vách ngăn phòng khách đẹp bằng gỗ tự nhiên khá phù hợp với phòng khách rộng rãi.
Vách Ngăn Phòng Khách Và Bếp
Hiện nay, lối thiết kế không gian mở liên thông phòng khách với khu bếp rất được ưa chuộng, nhất là với những ngôi nhà phố, căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn. Để tránh mùi thức ăn lan vào phòng khách, nhiều gia chủ chọn làm vách ngăn chia phòng bằng kính cường lực, vách nhựa PVC, vách ngăn CNC, vách gỗ nhẹ nhàng, tinh tế vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày.
Vách Ngăn Phòng Thờ
Nếu nhà rộng rãi, gia chủ thường làm phòng thờ riêng để đảm bảo tính trang nghiêm, yên tĩnh cho không gian thờ cúng. Tuy nhiên, với nhà phố và căn hộ chung cư, ban thờ thường được tích hợp trong phòng khách, do đó cần phải làm vách ngăn để phân tách các không gian chức năng.
Khi làm vách ngăn phân chia phòng khách với phòng thờ, bạn nên chọn vách ngăn có tông màu trầm, trung tính và sang trọng như màu nâu, màu vân gỗ hoặc vàng trầm. Chọn hoa văn hình hoa sen, hình chữ vạn hoặc chữ Phúc, Lộc, Thọ. Vách ngăn nên có khe hoặc lỗ nhỏ để tạo sự thông thoáng, đón được ánh sáng tự nhiên.
Bên cạnh đó, chiều dài và độ rộng của vách ngăn nên cân đối với kích thước phòng thờ, có vậy mới mang lại vẻ đẹp hài hòa cho tổng thể không gian, không bị lệch tông hay tạo cảm giác ngột ngạt, bí bức. Với phòng thờ, vách ngăn bằng gỗ tự nhiên cắt CNC hoa văn truyền thống luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Vách Ngăn Phòng Ngủ
Vách ngăn phòng ngủ thường dùng để phân tách tương đối giữa khu vực ngủ nghỉ và góc làm việc, góc giải trí hoặc phòng thay đồ. Làm vách ngăn phân chia phòng ngủ nên ưu tiên chọn vách ngăn làm bằng chất liệu có khả năng cách âm, chống ồn tốt, đảm bảo sự yên tĩnh, riêng tư thiết yếu cho không gian nghỉ ngơi, thư giãn. Theo đó, vách ngăn nhựa composite, vách thạch cao, vách panel là lựa chọn phù hợp.
Vách Ngăn Cầu Thang
Gia chủ có thể sử dụng vách ngăn cho khu vực cầu thang, tạo sự phân tách tương đối với phòng khách/bếp đồng thời tạo điểm nhấn trang trí cho không gian nhà. Những loại vách ngăn cầu thang phổ biến và được yêu thích nhất hiện nay gồm vách gỗ tự nhiên, vách gỗ công nghiệp, vách nhựa PVC, vách kim loại cắt CNC, vách kính cường lực… có tính thẩm mỹ cao, dễ kết hợp với nhiều phong cách nội thất khác nhau.
Thực tế cho thấy, khá nhiều gia đình thiết kế vách ngăn cầu thang với chức năng sử dụng như tay vịn. Với trường hợp này, bạn cần lưu ý kích thước cao rộng của vách ngăn để đảm bảo an toàn khi sử dụng, nhất là với gia đình có trẻ nhỏ. Nên cân nhắc kỹ khi chọn vách cắt CNC vì loại vách ngăn này có khá nhiều góc cạnh sắc nhọn, nếu lắp, cần chà nhám, bo góc để không gây hại khi chạm vào.
Vách Ngăn Phòng Tắm
Vách ngăn phòng tắm được sử dụng với mục đích tránh tình trạng ẩm ướt và tạo không gian riêng tư giữa hai khu vực tắm – vệ sinh. Khi làm vách ngăn phân chia phòng tắm, hầu hết mọi người đều chọn vách kính cường lực bởi chất liệu vách ngăn này sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như tạo cảm giác không gian rộng rãi, thoáng sáng và sang trọng hơn, hoàn toàn phù hợp với không gian nhiều nước, ẩm ướt thường xuyên.
Vách ngăn kính không chỉ giúp phân chia không gian mà còn tạo được sự liên kết kiến trúc của tổng thể công trình. Chọn vách kính có độ dày phù hợp với vị trí cần lắp đặt. Tùy vị trí, diện tích phòng tắm, bạn sẽ được tư vấn chọn loại vách kính phù hợp nhất.
5. Mẹo Làm Vách Ngăn Chia Phòng Giá Rẻ
Với các cách làm vách ngăn đơn giản dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự làm vách ngăn phòng ngủ, nhất là vách ngăn phòng trọ giá rẻ danh cho sinh viên.
Sử Dụng Đồ Nội Thất Làm Vách Ngăn Chia Phòng
Đây được xem là giải pháp phân chia không gian phù hợp với những căn hộ nhỏ, căn hộ Studio. Ví dụ, bạn có thể sử dụng ghế sofa đặt ở cuối chân giường, quay lưng vào chỗ ngủ để tạo sự phân tách tương đối cho các khu vực chức năng. Tủ kệ, giá sách cũng có thể trở thành vách ngăn chia phòng hữu hiệu, vừa đa năng, vừa giúp tiết kiệm diện tích.
Sử Dụng Giá Treo Quần Áo
Với giá treo quần áo, bạn có thể tự làm vách ngăn phòng ngủ độc đáo và tiết kiệm. Thay vì phải mua thêm một chiếc tủ khác, bạn hãy tạo một giá treo quần áo thể hiện phong cách thời trang của mình, phân tách giữa khu vực giường ngủ với góc làm việc/học tập. Tuy nhiên, cần đảm bảo quần áo được treo gọn gàng, ngay ngắn, có thể kết hợp màu sắc hài hòa để đảm bảo tính thẩm mỹ cho tổng thể không gian phòng. Nên chọn giá treo có bánh xe để dễ dàng di chuyển khi cần.
Làm Vách Ngăn Chia Phòng Bằng Cây Xanh
"Khu rừng mini" trong căn hộ Studio không chỉ giúp thanh lọc không khí, tạo điểm nhấn xanh mát, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà còn có thể trở thanh vách ngăn chia phòng hiệu quả. Chẳng hạn, bạn có thể nhóm một số loại cây trồng trong nhà như cây lưỡi hổ, cây cọ cảnh che đi khu vực giường ngủ hoặc làm vách ngăn tự nhiên giữa giường ngủ và bàn làm việc. Lưu ý, nên chọn cây xanh an toàn, nhả khí oxy vào ban đêm tốt cho sức khỏe. Khéo léo hơn, bạn hãy thử tạo một khu vườn treo với các loại cây mọng nước như sen đá, xương rồng để phân chia phòng linh hoạt.
Tự Làm Rèm Vải Chia Phòng
Có thể nói, đây là cách làm vách ngăn chia phòng đơn giản, tiết kiệm nhất. Bạn cần chuẩn bị một vài đoạn dây thép, vải, máy khoan, đinh ốc… để hiện thực hóa vách ngăn phòng này. Việc vệ sinh làm sạch, tháo gỡ khi cần cũng rất dễ dàng. Rèm vải tự làm là giải pháp phân chia không gian phù hợp với nhà trọ, phòng trọ, căn hộ siêu nhỏ.
Như vậy, với cảm hứng thiết kế và trí tưởng tượng phong phú, bạn hoàn toàn có thể tự làm vách ngăn chia phòng cho không gian sống của mình, vừa cá tính, vừa tiết kiệm chi phí.
Hy vọng với những thông tin mà TinNhaDatVN.Com chia sẻ trên đây, bạn đã nắm rõ các loại vách ngăn phổ biến hiện nay cũng như cách chọn, cách làm vách ngăn chia phòng cho từng không gian chức năng trong nhà. Tùy nhu cầu, sở thích và khả năng tài chính, bạn sẽ chọn được loại vách ngăn phù hợp nhất.
Lam Giang
TỪ KHÓA: Thiết kế nội thấtTư vấn thiết kế