Huyện Gia Lâm (Hà Nội) nằm ở cửa ngõ phía Đông của thủ đô, là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch và được xác định là vùng kinh tế trọng điểm. Những động lực và tiềm năng to lớn này tạo điều kiện cho Gia Lâm phát triển năng động về mọi mặt, góp phần đưa huyện trở thành quận trước năm 2025.
Cùng TinNhaDatVN.Com tìm hiểu huyện Gia Lâm (Hà Nội) với những thông tin tổng quan nhất và cập nhật gần đây của tình hình thị trường bất động sản Gia Lâm nhé!
Vị Trí Địa Lý Huyện Gia Lâm
Gia Lâm ở đâu? Huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông Hà Nội, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên)
- Phía Tây giáp quận Hoàng Mai và quận Long Biên
- Phía Nam giáp huyện Thanh Trì (qua sông Hồng) và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)
- Phía Bắc giáp huyện Đông Anh và thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh)
Bản đồ Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh chụp Google Maps.
Huyện Gia Lâm có tổng diện tích tự nhiên là 108,44km2, dân số 309.943 người (thống kê đến ngày 01/4/2019).
Sông Đuống, sông Hồng, sông Cầu Bây, sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn huyện Gia Lâm. Về mặt địa lý, Gia Lâm Hà Nội được chia thành 3 khu vực, lấy sông Đuống làm ranh giới:
- Cụm Bắc Đuống: thị trấn Yên Viên và các xã: Trung Mầu, Phù Đổng, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Yên Thường, Yên Viên.
- Cụm Nam Đuống: thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang, Phú Thị, Dương Xá, Đặng Xá, Cổ Bi.
- Cụm Sông Hồng: Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Văn Đức, Kim Lan, Bát Tràng, Đông Dư.
Hành Chính
Huyện Gia Lâm được thành lập theo Quyết định 78-CP ngày 31/5/1961 của Hội đồng Chính phủ. Đến ngày 5/1/2005, khi thị trấn Trâu Quỳ được thành lập theo Nghị định 02/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thì huyện Gia Lâm mới có địa giới và đơn vị hành chính như hiện nay.
Gia Lâm – Hà Nội hiện có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thị trấn Trâu Quỳ (huyện lỵ), Yên Viên và 20 xã: Trung Mầu, Phù Đổng, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Yên Thường, Yên Viên, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Văn Đức, Kim Lan, Bát Tràng, Đông Dư, Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang, Phú Thị, Dương Xá, Đặng Xá, Cổ Bi.
Tháng 7/2023, UBND huyện Gia Lâm gửi tờ trình lên UBND Thành phố Hà Nội về phương án lên quận, cho biết huyện này hiện đã đạt đủ các tiêu chí để trở thành một quận mới của thủ đô. Theo phương án này, quận Gia Lâm sau khi thành lập sẽ gồm 16 phường, hình thành từ 2 thị trấn và 20 xã hiện tại.
Cụ thể, 16 phường của quận Gia Lâm dự kiến gồm: Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Bát Tràng, Ninh Hiệp, Cổ Bi, Yên Thường, Đặng Xá, Dương Xá, Lệ Chi, Dương Quang, Yên Viên, Phù Đổng, Kim Đức, Thiên Đức, Phú Sơn.
Ngoài những phường lấy theo tên và địa giới cũ, có một số tên phường mới do sáp nhập các xã, thị trấn như sau:
- Sáp nhập thị trấn Yên Viên với xã Yên Viên, lấy tên phường Yên Viên
- Sáp nhập xã Kim Lan nhập với xã Văn Đức, ghép thành tên phường mới Kim Đức
- Sáp nhập xã Đình Xuyên nhập với xã Dương Hà, lấy tên phường mới Thiên Đức theo tên sông chảy qua hai xã.
- Sáp nhập xã Phù Đổng nhập với xã Trung Màu, lấy tên phường Phù Đổng vì gắn với truyền thuyết Thánh Gióng.
- Sáp nhập xã Kim Sơn nhập với xã Phú Thị, ghép thành tên phường mới Phú Sơn.
- Sáp nhập xã Đông Dư nhập với xã Bát Tràng, lấy tên phường Bát Tràng theo tên gọi lịch sử và thương hiệu gốm danh tiếng.
Theo tờ trình của UBND huyện Gia Lâm, hiện tại huyện đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận. Trong đó, 16 khu vực dự kiến thành lập phường đều đảm bảo đạt 10/13 tiêu chí đề ra.
Kinh Tế – Xã Hội
Gia Lâm là khu vực phát triển đô thị ở Đông Bắc của thành phố Hà Nội. Nơi đây tập trung các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia và của thành phố. Những năm vừa qua, kinh tế – xã hội của huyện tiếp tục được duy trì và từng bước phát triển ổn định, đạt kết quả toàn diện ở nhiều lĩnh vực.
Huyện Gia Lâm có nhiều cơ sở công nghiệp quy mô, các trung tâm dịch vụ, thương mại lớn của thành phố. Toàn huyện có hơn 1.110 doanh nghiệp công nghiệp và 2.226 hộ sản xuất công nghiệp. Về làng nghề, huyện Gia Lâm tập trung nhiều làng nghề truyền thống như: Kiêu Kỵ (dát bạc, sơn son thếp vàng, đồ gỗ), Bát Tràng (sản xuất gốm sứ), Đông Dư (trồng và muối dưa cải, trồng ổi), Ninh Hiệp (trồng và kinh doanh thuốc Bắc, buôn bán vải vóc), Phù Đổng (nuôi bò sữa),…
Làng gốm Bát Tràng ở Gia Lâm Hà Nội là địa điểm du lịch rất được yêu thích.
Đến nay, 100% xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao với 3 xã. Văn hóa – xã hội ngày càng phát triển, an sinh – xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11,03%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững, tăng tỷ trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, kinh tế huyện vẫn duy trì tăng trưởng. Giá trị các ngành kinh tế trong năm 2021 do huyện quản lý ước tăng 4,61%, trong đó dịch vụ tăng 2,82%, công nghiệp, xây dựng tăng 6,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%. Thu ngân sách ước đạt 2.117,5 tỷ đồng.
Hệ Thống Giáo Dục
Dưới đây là danh sách trường học các cấp trên địa bàn huyện Gia Lâm – Hà Nội:
Cấp học | Trường |
Tiểu học (TH) | TH Bát Tràng, TH Đa Tốn, TH Đông Dư, TH Dương Xá, TH Kim Sơn, TH Ninh Hiệp, TH Bát Tràng, Th Trâu Quỳ, TH Phú Thị, TH Yên Thường, TH Trung Thành, TH Cao Bá Quát, TH Đặng Xá, TH Dương Hà, TH Nông Nghiệp, TH Lệ Chi,… |
Trung học cơ sở (THCS) | THCS Bát Tràng, THCS Ninh Hiệp, THCS Đa Tốn, THCS Đông Dư, THCS Dương Xá, THCS Kim Sơn, THCS Phù Đổng, THCS Yên Thường, THCS Cao Bá Quát, THCS Dương Hà,… |
Trung học phổ thông (THPT) | THPT Yên Viên, THPT Dương Xá, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Cao Bá Quát – Gia Lâm, THPT Lê Ngọc Hân, THPT Lý Thánh Tông, THPT Tô Hiệu, THPT Bắc Đuống |
Đại học – Học viện – Cao đẳng | Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Tòa án Việt Nam, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng xây dựng công trình Đô thị Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề Điện, Trường Trung Cấp Nghề Cơ Khí Xây dựng, Trung cấp Giao thông vận tải miền Bắc, Trường Cao đẳng Điện lực Miền Bắc |
Hạ Tầng Giao Thông
Huyện Gia Lâm là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến đường huyết mạch, có tính kết nối vùng góp phần định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Đuống Gia Lâm có 4 tuyến đường song song với nhau gồm quốc lộ 5 cũ, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), đường đê Long Biên – Xuân Quan. Quốc lộ 17 chạy ngang giao cắt với cả 4 tuyến đường này. Ở phía tả ngạn sông Đuống có quốc lộ 1 cũ, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với các tuyến đường liên xã, liên thôn.
Quốc lộ 5 cũ đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm.
Tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá – Đông Dư đến ga Phú Thụy đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối khu vực, dễ dàng di chuyển từ trung tâm thị trần Trâu Quỳ đến các khu công nghiệp tại Dương Xá, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc cho quốc lộ 5.
Ngoài các trục đường hiện hữu, Gia Lâm đã và đang mở thêm một số đường trong tương lai như đường vành đai 3.5, đường liên xã Bát Tràng, Đông Dư, Cổ Bi, đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời – Đặng Xá đến Lệ Chi, đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thụy hay các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xã Phú Thị, Bát Tràng…
Tại khu vực trung tâm thị trấn Trâu Quỳ Gia Lâm Hà Nội, nhiều tuyến đường mới cũng được đưa vào quy hoạch mở đường như đường Đoàn Quang Dung kéo dài chạy qua Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm đến đường mới nối Lý Thánh Tông – Thành Trung, đường Nguyễn Mậu Tài song song với đường Đoàn Quang Dung, đường Cửu Việt kéo dài đến đường gom Quốc lộ 5.
Hiện tại, để vào trung tâm thành phố, người dân Gia Lâm sẽ di chuyển qua cầu Thanh Trì. Cách đó khoảng 5 km có thêm cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa phận quận Long Biên. Ngoài ra, ba cầu bắc qua sông Đuống là cầu Phù Đổng 1, 2 và cầu Đuống sẽ kết nối huyện Gia Lâm với một phần quận Long Biên.
Gia Lâm kết nối với trung tâm thành phố qua cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy. Ngoài ra, các cây cầu bắc qua sông Đuống là cầu Đuống, cầu Phù Đổng 1, 2 kết nối Gia Lâm với quận Long Biên.
Theo quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng thêm cầu Ngọc Hồi dài 4km bắc qua huyện Thanh Trì và xã Văn Đức của Gia Lâm với mức đầu tư lên tới 4.880 tỷ đồng. Trong tương lai, Gia Lâm sẽ có thêm 3 cây cầu vượt sông Đuống, tăng cường khả năng kết nối giữa Gia Lâm với quận Long Biên và tỉnh Hưng Yên. Cầu Giang Biên (nằm giữa cầu Đuống và cầu Phù Đổng) sẽ được xây dựng vào thời gian tới, giúp kết nối xã Ninh Hiệp với quận Long Biên. Như vậy, dự kiến đến năm 2030, Gia Lâm sẽ có tất cả 8 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống.
Ngoài ra, các dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, cầu Thường Tín, cầu Tứ Liên dù không nằm trên địa phận huyện Gia Lâm nhưng lại giúp giảm áp lực cho các cây cầu hiện hữu trên địa bàn huyện, đồng thời rút ngắn thời gian từ Gia Lâm đi vào trung tâm thành phố và các quận, huyện khác.
Trong giai đoạn 2020-2050, Hà Nội sẽ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 và 8 đi qua địa phận huyện Gia Lâm. Trong đó, tuyến số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh dài 38,7km, có 2 ga đặt tại Gia Lâm là ga Yên Viên và Cầu Đuống. Tuyến số 8 Sơn Động – Mai Dịch – Dương Xá dài 28km đang được quy hoạch.
Các tuyến đường sắt kết hợp với các tuyến đường huyết mạch, các cây cầu sắp xây dựng giúp quá trình di chuyển giữa Gia Lâm với khu vực nội đô và các địa phương lân cận trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Phát Triển Đô Thị
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Gia Lâm với sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị quy mô lớn như khu đô thị Đặng Xá, Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Vinhomes Ocean Park Gia Lâm Hà Nội,… làm tăng đáng kể dân số của huyện và tỷ lệ dân thành thị.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị và Gia Lâm sẽ là một phần của khu đô thị trung tâm được mở rộng về phía Đông. Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên được định hướng phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với công nghiệp công nghệ cao theo hướng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5. Ước tính, đến năm 2030, dân số khoảng 0,7 triệu người.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Theo đó, đồ án quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, trong đó đi qua địa bàn các xã Văn Đức, Kim Lan, Bát Tràng, Đông Dư của Gia Lâm.
Gia Lâm Lên Quận – Động Lực Mới Cho Thị Trường Bất Động Sản Gia Lâm
Hiện tại, khu vực phát triển của Gia Lâm chủ yếu tập trung ở thị trấn Trâu Quỳ, Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Mặt bằng giá bán đất có mức chênh lệch lớn giữa các khu vực. Với việc phát triển hạ tầng như hiện tại, kết nối của Gia Lâm với các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương,Hải Phòng,… sẽ giúp việc đi lại kết nối dễ dàng hơn bao giờ hết.
Những năm gần đây, Gia Lâm (Hà Nội) cũng thu hút nhiều dự án của các ông lớn địa ốc như Vingroup, Masterise Homes, Eurowindow Holding… đầu tư phát triển các đại đô thị theo mô hình sinh thái và thông minh. Nổi bật nhất là dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm với tổng mức đầu tư 87.385 tỷ đồng.
Với thị trường bất động sản Gia Lâm, các loại hình bất động sản ở đây khá đa dạng lựa chọn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại đất nền trầm lắng, thanh khoản chậm. Với nhà thổ cư, mặt bằng giá tại Gia Lâm hiện đang ở mức cao – khoảng 90 triệu/m2 với nhà thổ cư trong ngõ. Trong khi đó, loại hình biệt thự, liền kề thì không dành cho số đông các nhà đầu tư, nguồn cung sơ cấp cũng không còn nhiều tại Gia Lâm.
Theo dự báo, nguồn cung cao tầng khu Đông 3 năm tới từ 2023 – 2025 sẽ chào đón thêm khoảng 87.900 căn hộ mở bán mới, trở thành khu vực dẫn đầu về nguồn cung căn hộ cao tầng tại Hà Nội và Hưng Yên. Nguồn cung này chủ yếu đến từ các khu đô thị vệ tinh tích hợp nhiều tiện ích, điển hình như dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm.
Gia Lâm cũng là địa phương giáp ranh với loạt dự án lớn tại các quận Long Biên, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên như Vinhomes Riverside, AEON Mall Long Biên, khu đô thị Dream City, khu đô thị Đại An, khu đô thị Ecopark… Hiệu ứng phát triển của loạt dự án tầm cỡ này cũng mang lại ít nhiều lợi thế cho thị trường mua bán nhà đất Gia Lâm.
Việc Gia Lâm lên quận, cùng với đó là những thay đổi, nâng cấp về hạ tầng, giao thông dự kiến sẽ tạo động lực mới cho thị trường bất động sản Gia Lâm tiếp tục khai phá tiềm năng và phát triển hơn nữa trong những năm tới.
Khánh An
TỪ KHÓA: Quy hoạch Hà Nội