Sổ hộ khẩu hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Theo quy định mới, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy tại Việt Nam sẽ không còn giá trị sử dụng. Vậy có những lưu ý gì khi sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực và người dân cần chuẩn bị các giấy tờ thay thế nào để thực hiện thủ tục hành chính có sử dụng sổ hộ khẩu được nhanh chóng?
Sổ Hộ Khẩu Hết Hiệu Lực, Giao Dịch Như Thế Nào?
Sổ hộ khẩu là một loại giấy tờ quan trọng để thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch quan trọng: đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, kết hôn; làm sổ đỏ, sổ hồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà đất; xác nhận tình trạng hôn nhân; ký hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng…Trước thời điểm sổ hộ khẩu điện tử ra đời, rất nhiều người lo lắng khi giao dịch dân sự không còn sổ hộ khẩu nữa thì phải làm như thế nào?
Theo Luật Cư trú 2020, kể từ thời điểm bỏ sổ hộ khẩu giấy, mọi thông tin cư trú của công dân sẽ được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi công dân nhập hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, xóa hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú,… đều sẽ được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giống như trước đây.
6 Phương Thức Thay Thế Khi Sổ Hộ Khẩu Hết Hiệu Lực
Nhằm đảm bảo mọi người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, cần có các phương thức thông tin công dân khác thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Dưới đây là các phương thức thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà người dân có thể sử dụng.
Sử Dụng CCCD Gắn Chíp
Thẻ CCCD gắn chip tích hợp nhiều các thông tin như: thông tin về cư trú, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe… Có thể nói, thẻ CCCD gắn chip chính là giấy tờ pháp lý chứng minh về thông tin về cá nhân, nơi thường trú thay thế sổ hộ khẩu.
Thông tin trên mặt thẻ CCCD:
- Ảnh
- Số thẻ (số định danh cá nhân)
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh
- Ngày, tháng, năm sinh
- Giới tính
- Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú
- Ngày, tháng, năm hết hạn
- Đặc điểm nhân dạng
- Vân tay
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ
- Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ.
Khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu người dân xuất trình thêm giấy tờ nào khác để chứng nhận các thông tin trong thẻ CCCD.
Thiết Bị Đọc Mã QR Code, Đọc Chip Trên Thẻ CCCD
Công dân hoặc cơ quan có thẩm quyền sử dụng thiết bị đọc mã QR Code (tiêu chuẩn do Bộ Thông tin Truyền thông ban hành) tích hợp trên máy tính hoặc điện thoại để có thể đọc thông tin của công dân từ mã QR Code trên thẻ CCCD gắn chíp.
Bên cạnh đó đó, công dân hoặc cơ quan sử dụng thiết bị đọc thông tin trên thẻ CCCD để phục vụ cho các thủ tục hành chính, dân sự…
Ngày nay, các thiết bị mà TinNhaDatVN.Com vừa nêu trên đều đã được trang bị tại cơ quan công an cấp huyện nhằm phục vụ cho việc xác minh và tra cứu thông tin của người dân.
Tra Cứu Thông Tin Cá Nhân Trực Tuyến
Thay thế sổ hộ khẩu giấy, công dân có thể tra cứu thông tin trực tuyến thông qua công thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, người dân tra cứu bằng cách:
Bước 01: Truy cập https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
Bước 02: Đăng nhập tài khoản (sử dụng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia), nhập mã OTP để xác thực tài khoản.
Bước 03: Truy cập vào "Thông tin công dân" và nhập theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, sđt, mã xác nhận -gt; nhấn mục "Tìm kiếm".
Bước 04: Hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cơ bản của công dân.
Như vậy, thông tin được xác nhận sẽ hoàn toàn đầy đủ và khớp với thông tin trên thẻ CCCD, người dân có thể sử dụng phương thức này để tra cứu thông tin thay thế cho sổ hộ khẩu.
Sử Dụng Ứng Dụng VNeID
Khi người dân làm các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự đều có thể sử dụng những thông tin được tra cứu từ VNeID. Các bước thực hiện như sau:
Bước 01: Người dân đăng ký tài khoản mức 2 tại cơ quan công an. Tiếp đến, cài đặt ứng dụng VNeID – kích hoạt tài khoản khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký thành công theo từng bước trong ứng dụng VNeID.
Bước 02: Sau khi kích hoạt tài khoản thành công, tài khoản định danh điện tử của bạn có hiệu lực luôn và bạn có thể sử dụng nó để làm thủ tục hành chính hoặc tra cứu thông tin cư trú.
Sử Dụng Giấy Xác Nhận Thông Tin Cư Trú
Giấy xác nhận cư trú là một trong những loại giấy tờ có thể dùng thay thế cho sổ hộ khẩu, chứng minh nơi cư trú khi người dân giao dịch mua bán nhà đất hoặc làm các thủ tục hành chính.
Giấy xác nhận thông tin cư trú ban hành theo Thông tư số 56/TT-BCA của Bộ Công an. Giấy xác nhận này do cơ quan đăng ký cư trú cấp, được dùng để bổ sung hồ sơ khi làm các thủ tục hành chính nếu người dân chưa hoặc không có thẻ CCCD gắn chip.
Cơ quan đăng ký cư trú cấp giấy xác nhận cư trú dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Giấy xác nhận này có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày cấp và 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 19, Luật Cư trú.
Xin Giấy Xác Nhận Cư Trú CT07 Như Thế Nào?
Công dân yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin cư trú theo 02 cách sau:
(1) Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú (không phụ thuộc nơi cư trú hiện tại) để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận thông tin cư trú.
(2) Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú thông qua cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Thời gian cấp giấy xác nhận cư trú: Cơ quan có thẩm quyền xác nhận thông tin cư trú bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử trong thời gian 03 ngày làm việc.
Giấy Xác Nhận Cư Trú Thay Sổ Hộ Khẩu Có Bắt Buộc Không?
Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trước tiên phải khai thác, sử dụng các thông tin về cư trú của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nếu không thể khai thác thông tin cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo những phương thức đã quy định thì mới yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như Căn cước công dân, giấy xác nhận thông tin cư trú,…
Như vậy, giấy xác nhận cư trú có thể thay thế sổ hộ khẩu nhưng nó không phải là giấy tờ bắt buộc phải sử dụng thay.
Sử Dụng Số Định Danh Cá Nhân Và Thông Tin Trong Cơ Sở Dữ Liệu Quốc Gia Về Dân Cư
Công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân và thông tin hiển thị trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu và xác nhận khi làm thủ tục hành chính.
Trường hợp chưa được cấp CCCD, Bộ Công an đã cấp số định danh và cung cấp thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho tất cả người dân nào chưa được cấp CCCD trên toàn quốc để họ thực hiện các giao dịch dân sự và thủ tục hành chính, chứng minh về nơi cư trú.
Như vậy, người dân phải nắm được thông tin bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 và có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế cho sổ hộ khẩu trong quá trình làm thủ tục hành chính. Người chưa được cấp thẻ CCCD thì có thể tra cứu thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc app VNeID….
Trên đây là những lưu ý quan trọng khi sổ hộ khẩu hết hiệu lực, được TinNhaDatVN.Com cập nhật từ những nguồn chín thống nhất. Mong rằng bài viết trên có thể mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Thu Pham
TỪ KHÓA: Luật Cư trú