Với gần 500km đường cao tốc hoàn thành, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia được khởi công, giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục, năm 2023 được đánh giá là năm đột phá của hạ tầng giao thông Việt Nam. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều sáng tạo, đổi mới trong phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta.
2023 – Năm Của Những Đột Phá Hạ Tầng Giao Thông
Phát triển hạ tầng giao thông được coi là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Năm 2023 vừa qua đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam.
Cùng nhìn lại năm 2023 và những dấu ấn hạ tầng giao thông nổi bật nhất dưới đây:
1. Thi Công “Thần Tốc”, Hoàn Thành Gần 500km Đường Cao Tốc
Trong những ngày cuối năm 2023, công trường thi công các dự án cao tốc gấp rút đẩy nhanh tiến độ và kịp thông xe thêm 2 dự án cao tốc là cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Như vậy, trong năm 2023, có 9 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành và đi vào khai thác, với tổng chiều dài đạt 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc của cả nước lên 1.892km.
Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài 99km, thông xe toàn tuyến từ ngày 29/4, bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Đây là công trình hạ tầng quan trọng, giúp kết nối TP.HCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ với Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, thời gian đi từ TP.HCM về Mũi Né rút ngắn chỉ còn khoảng 2-2,5 giờ, giảm một nửa so với đi đường Quốc lộ 1A. Tuyến cao tốc này cũng kết nối với sân bay Long Thành, tạo một trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM – Long Thành – Phan Thiết nên việc di chuyển từ các tỉnh phía Bắc tới Bình Thuận cũng dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Đây cũng là động lực mới cho thị trường mua bán nhà đất Phan Thiết, đặc biệt là các bất động sản phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng khi đón lượng khách lớn từ phía Nam ra.
Ở phía Bắc, cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ dài 40km, vừa thông xe ngày 24/12 được đánh giá là thành tựu nổi bật khi vượt tiến độ gần 3 năm so với kế hoạch ban đầu. Công trình vốn được quy hoạch triển khai thành 2 giai đoạn, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026 nhưng sau chuyến thị sát đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu gộp 2 giai đoạn để triển khai ngay, dồn lực đẩy nhanh tiến độ nhất có thể. Đây là tuyến cao tốc kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, trong tương lai sẽ kết nối lên Hà Giang nên có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội khu vực cửa khẩu phía Bắc.
Các dự án cao tốc hoàn thành và đi vào khai thác trong năm 2023 đã tạo thêm nhiều mạng lưới giao thông huyết mạch, cải thiện rõ nét bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương nơi cao tốc đi qua.
2. Khởi Công Hàng Loạt Dự Án Giao Thông Trọng Điểm
Năm 2023, cả nước được ví như một “đại công trường” với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm từ Bắc vào Nam được khởi công. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta. Trong vòng 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 26 dự án, bao gồm 18 dự án đường bộ, 3 dự án đường sắt, 2 dự án đường thủy, 2 dự án hàng hải và 1 dự án cải tạo trụ sở Bộ (dự án thuộc khối xây dựng). Đáng chú ý, có 6 dự án trọng điểm quốc gia đã được rút ngắn thời gian khởi công, sớm 1 năm so với quy trình, thủ tục thông thường.
Trước khối lượng công việc được giao rất lớn, ngay từ đầu năm 2023, các địa phương cũng đã đồng hành với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị các nguồn lực để khởi công liên tiếp nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Nổi bật nhất là 2 dự án vành đai – Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô, 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025), cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Gói thầu 5.10), nhà ga T3-sân bay Tân Sơn Nhất,…
Bên cạnh các dự án hoàn toàn mới, các dự án hạ tầng giao thông dang dở, chậm tiến độ nhiều năm cũng được tái khởi động và dồn lực thi công trong năm 2023. Đơn cử, tại TP.HCM, các dự án đáng chú ý gồm: cầu Long Đại (thông xe tháng 12/2023), cầu Nam Lý (dự kiến thông xe dịp Quốc khánh 2024), dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú,… Thành phố cũng đang nghiên cứu phương án triển khai đầu tư các dự án khép kín Vành đai 2 với 4 đoạn chưa hoàn thành.
3. Giải Ngân Vốn Đầu Tư Công Đạt Kỷ Lục
Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay, với khoảng 94.161 tỷ đồng. Đầu năm, Bộ này được Chính phủ giao tổng vốn đầu tư 114.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có hơn 19,9 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế để phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình cung ứng nguyên vật liệu khan hiếm, thời tiết, thiên tai diễn biến khó lường và nội lực của các doanh nghiệp chủ đầu tư, nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch được giao, dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ đạt trên 95%, vượt mức bình quân chung của cả nước.
4. Tự Hào Làm Chủ Công Nghệ
Cũng trong năm qua, hạ tầng giao thông Việt Nam chứng kiến những bước ngoặt về thiết kế, thi công và quản lý dự án, tiến tới làm chủ công nghệ, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nước ngoài. Cầu Mỹ Thuận 2 vừa thông xe và đi vào khai thác từ ngày 24/12 là một trong những dự án minh chứng cho thành tựu vượt bậc này.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, kết nối hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đây cũng là trục đường huyết mạch có lưu lượng giao thông lớn nhất tại các tỉnh miền Tây. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM về TP. Cần Thơ chỉ còn khoảng 2 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và tăng cường giao thương, phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng chú ý, cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế là cầu dây văng có khẩu độ rất lớn nên kết cấu phức tạp. Việc thiết kế, thi công các công trình tương tự tại Việt Nam trước đây cần sự hỗ trợ của các kỹ sư nước ngoài. Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, toàn bộ quá trình thiết kế, thi công hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Công trình cũng đánh dấu bước ngoặt lần đầu nhà thầu Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ căng cáp. Là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 thông xe cùng với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là những mảnh ghép cuối hoàn thiện trục cao tốc nối từ TP.HCM thẳng đến Cần Thơ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam trong năm qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như giải phóng mặt bằng còn chậm, tình trạng thiếu nguyên vật liệu – nổi cộm là thiếu cát đắp nền đường, các dự án cao tốc đã thông xe nhưng thiếu các trạm dừng nghỉ, gây bất tiện khi khai thác,…
Những Kỳ Vọng Trong Năm Mới 2024
Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có khoảng 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường cao tốc hoàn thành, đi vào khai thác, trong năm 2024 dự kiến sẽ có 4 dự án cao tốc mới được khởi công, bao gồm: cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (đã khởi công ngày 1/1), cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, cao tốc Cao Lãnh – Rạch Sỏi và cao tốc Dầu Giây – Tân Phú.
Ngoài 4 dự án cao tốc trên, 15 dự án hạ tầng giao thông khác cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng trong năm nay như: đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn (Thái Nguyên, Tuyên Quang), đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận (Kiên Giang), đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất (Kiên Giang); dự án nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn qua Lạng Sơn; dự án mở rộng Quốc lộ 46 đoạn qua TP. Vinh – thị trấn Nam Đàn (Nghệ An); dự án nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ 53, 62 và Nam Sông Hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long,…
Theo dự kiến, 2 dự án thành phần còn lại trong tổng số 11 dự án cao tốc Bắc Năm giai đoạn 1 là cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt sẽ hoàn thành trong năm nay.
Riêng với Hà Nội và TP.HCM, hạ tầng giao thông tại 2 đô thị loại đặc biệt nhận được sự ưu tiên đầu tư hàng đầu so với cả nước nên mức độ kỳ vọng cũng cao hơn. Đối với thủ đô Hà Nội, ngoài mục tiêu đưa dự án trọng điểm là Metro Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành trong năm nay thì thông tin về 10 cây cầu mới bắc qua sông Hồng cũng rất được dư luận quan tâm. Tương tự với TP.HCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên cũng đang phấn đấu "về đích" trong năm 2024. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến sẽ đề xuất trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 trong quý 1/2024. Nếu được thông qua, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được khởi công trong năm 2025.
Trong Công điện số 01/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.
Thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, giai đoạn 2021-2025 đã tập trung tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Công điện số 01/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nhấn mạnh các dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gồm cao tốc Bắc Nam (1.700km), cao tốc Đông – Tây, sân bay, cầu lớn, đường sắt, đường thủy nội địa và cảng biển. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị hữu quan cần sớm hoàn thành thủ tục để khởi công thêm các dự án, công trình hạ tầng giao thông trong năm 2024 theo đúng kế hoạch.
Để đảm bảo tiến độ cho các dự án hạ tầng giao thông năm 2024, Thủ tướng đề nghị các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", thi công xuyên lễ, Tết,… Mỗi công trình giao thông Việt Nam cần hoàn thành với chất lượng tốt, đồng thời thể hiện được dấu ấn văn hóa, lịch sử của từng vùng miền.
Sự đột phá của hạ tầng giao thông Việt Nam năm 2023 được đánh giá là mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí logistics, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy du lịch, bất động sản,… Hy vọng rằng 2024 sẽ tiếp nối đà khởi sắc, ghi dấu những thành tựu rực rỡ hơn nữa cho giao thông cả nước.
Lan Chi
TỪ KHÓA: InfogramQuy hoạch giao thông