Hiện nay, việc người chưa đủ tuổi vị thành niên được cho, tặng, thừa kế hay sở hữu đất đai diễn ra rất nhiều. Vậy bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ? Các quyền có liên quan đến đứng tên sổ đỏ được quy định như thế nào? Những vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
Công Dân Bao Nhiêu Tuổi Được Đứng Tên Sổ Đỏ?
Theo Điều 5 và Khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013, sổ đỏ hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước… Theo đó, người sử dụng đất sẽ là cá nhân trong nước và người có quốc tịch Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài.
Pháp luật cũng quy định rõ về cách ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ theo quy định tại điểm a khoản 1 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT như sau:
Với cá nhân sử dụng đất là người trong nước thì ghi “Ông” hoặc “Bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”, nếu Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…” và trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “Giấy khai sinh số:…”.
Vậy về độ tuổi đứng tên sổ đỏ thì sao, bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ?
Pháp luật không có điều khoản nào quy định về việc bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ mà chỉ quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp sổ đỏ.
Quyền Giao Dịch Bất Động Sản Của Người Đứng Tên Sổ Đỏ Theo Các Độ Tuổi
Tuy pháp luật không quy định độ tuổi đứng tên sổ đỏ, nhưng có quy định về điều kiện tham gia giao dịch, nhất là giao dịch về bất động sản đối với mỗi độ tuổi. Cụ thể, Điều 20 và Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Người có quyền sử dụng đất | Quyền tham gia giao dịch bất động sản |
Người chưa đủ 06 tuổi | Các giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc giao dịch khác sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. |
Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi | Khi xác lập, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi thì việc thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. |
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi | Có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. |
Người từ đủ 18 tuổi trở lên | Cá nhân có quyền tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm. |
Một Số Câu Hỏi Liên Quan Về Việc Đứng Tên Sổ Đỏ
Cùng với thắc mắc “bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ”, người dân còn quan tâm đến một số nội dung cụ thể về việc đứng tên loại giấy tờ này như sau.
Người Trên 80 Tuổi Có Được Đứng Tên Sổ Đỏ Không?
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người trên 80 tuổi mua đất và có nhu cầu muốn đứng tên sổ đỏ. Vậy người trên 80 tuổi có được đứng tên sổ đỏ hay không?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người cao tuổi không thuộc những trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, nếu người trên 80 tuổi có đủ các điều kiện thì vẫn được cơ quan nhà nước cấp sổ đỏ.
15 Tuổi Có Được Đứng Tên Sổ Đỏ Không?
Bằng việc trả lời câu hỏi “bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ” ở phần 1 của bài viết, độc giả đã biết được pháp luật Việt Nam không quy định độ tuổi được đứng tên nhà đất, sổ đỏ. Như vậy, câu trả lời sẽ tương tự cho các câu hỏi như “trẻ em có được đứng tên sổ đỏ không” hay “15 tuổi có được đứng tên sổ đỏ không”.
Theo Bộ Luật Dân sự 2015 thì người dưới 18 tuổi cũng thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu tài sản được hình thành từ thừa kế, tặng, cho, chuyển nhượng,…
Vậy nên, người 15 tuổi hay trẻ em vẫn được đứng tên sổ đỏ. Tuy nhiên, đối với người đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi thì các giao dịch liên quan đến bất động sản phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Còn đối với trẻ dưới 6 tuổi thì giao dịch liên quan đến sổ đất, nhà đất hay các giao dịch bất động sản khác do người đại diện theo pháp luật thay mặt xác lập và thực hiện.
Như vậy, Nhà nước chỉ giới hạn về các giao dịch liên quan đến bất động sản chứ không có giới hạn bao nhiêu tuổi được đứng tên sổ đỏ nên người chưa thành niên và người cao tuổi có thể được đứng tên trên sổ đỏ. Tuy nhiên, với người chưa đủ 18 tuổi thì khi đứng tên sổ đỏ kèm theo đó phải có tên của người đại diện/ người giám hộ hoặc người đại diện /người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.
Việc cấp sổ đỏ cho những người chưa đủ 18 tuổi thường gặp nhiều khó khăn khiến các cơ quan có thẩm quyền lúng túng vì các giao dịch được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật nên các loại giấy tờ, thủ tục liên quan sẽ có phần phức tạp hơn. Do đó, trước khi đăng ký cấp sổ đỏ, bạn cần phải tìm hiểu kỹ các quy định liên quan để tránh các rủi ro có thể gặp sau này.
Hà Linh
TỪ KHÓA: Luật Đất đai