Người đứng tên sổ đỏ được hiểu là chủ sở hữu của tài sản được ghi trên sổ. Nói cách khác, đó là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vậy người đứng tên sổ đỏ có quyền gì?
Ai Được Quyền Đứng Tên Sổ Đỏ?
Sổ đỏ hay còn được gọi cách khác là Giấy chứng nhận về quyền sở hữu đất. Luật Đất đai 2013 quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sổ đỏ được coi là chứng thư pháp lý, nhờ đó, Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Luật Đất đai 2013 quy định rõ người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay thực tế được gọi là sổ đỏ) theo quy định.
Đó là những người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 Luật Đất đai 2013; Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014;
Ngoài ra, những người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ; người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành; Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có; Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Đây là những trường hợp được quyền đứng tên sổ đỏ.
Người Đứng Tên Sổ Đỏ Có Quyền Gì?
Luật Đất đai 2013 quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay thực tế được gọi là sổ đỏ).
Theo đó, người đứng tên sổ đỏ sẽ được sẽ có các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật như sau:
Quyền sử dụng: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng theo ý chí riêng của mình, nhưng phải đảm bảo không gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Quyền định đoạt: Người có quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Ngoài ra, với trường hợp chỉ có một người đứng tên trên sổ đỏ nhưng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì khi thực hiện quyền của người sử dụng đất phải có sự thỏa thuận của tất cả những người có quyền sử dụng đất chung.
Trong trường hợp, quyền sử dụng đất chỉ thuộc của một người đứng tên sổ đỏ thì người đứng tên sẽ hưởng đầy đủ các quyền nêu trên, người này có thể toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất mà không cần thông qua ý kiến, sự đồng ý của bất kỳ ai.
Nguyễn Nam
TỪ KHÓA: Luật Đất đai