Kế hoạch quy hoạch Tây Ninh trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phân Tây Ninh theo 3 vùng kinh tế – 4 trục động lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực.
Giới Thiệu Về Tỉnh Tây Ninh
Tên đơn vị | Tỉnh Tây Ninh |
Khu vực | Đông Nam Bộ |
Diện tích | 4.041,65 km2 |
Dân số | 1.383.900 người (cập nhật 2022) |
Mật độ dân số | 342 người/km² |
Đơn vị hành chính | Tỉnh Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, gồm: 1 thành phố: Tây Ninh; 2 thị xã: Hoà Thành và Trảng Bàng; 6 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu. |
Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, là cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình vừa mang dáng dấp của cao nguyên vừa có sắc thái của vùng đồng bằng.
Về vị trí địa lý, tỉnh Tây Ninh có ranh giới tiếp giáp với các khu vực sau:
- Phía Đông: Giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
- Phía Nam: Giáp TP.HCM và tỉnh Long An.
- Phía Bắc và Tây Bắc: Giáp Campuchia với đường biên giới dài 240km.
Tây Ninh là một tỉnh biên giới, có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân; cùng 10 cửa khẩu phụ khác.
Tây Ninh tiếp giáp với 2 tỉnh có nền kinh tế phát triển bậc nhất tại phía Nam là TP.HCM và Bình Dương. Đồng thời, là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng kết nối Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN.
Đặc điểm địa lý này khiến Tây Ninh trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch quan trọng không chỉ tại khu vực phía Nam mà còn giữa các nước trong vùng Mê Kông mở rộng.
Vị trí tỉnh Tây Ninh trên Google Map
Mục Tiêu Quy Hoạch Tây Ninh Đến Năm 2023, Tầm Nhìn Đến Năm 2050
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển Tây Ninh theo hướng toàn diện và bền vững với tốc độ nhanh chóng dựa vào các lợi thế, tiềm năng, nguồn và con người có sẵn trên địa bàn, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước.
Trong đó:
- Công nghiệp và dịch vụ du lịch sẽ là động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng và phát triển gắn với không gian mới.
- Nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả thông qua cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường, nâng cao năng suất và tăng lợi nhuận.
- Kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội và đô thị được chú trọng đầu tư đồng bộ, hiện đại hoá.
- Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy để trở thành nhân tố chủ chốt trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong tất cả các lĩnh vực.
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội.
- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân.
- Tăng cường mở rộng hợp tác và hội nhập với nền kinh tế, xã hội thế giới.
- Xây dựng mặt trận quốc phòng, an ninh vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội
Theo dự thảo, đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ là nơi đảm bảo các điều kiện giàu – đẹp – văn minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và trở thành địa điểm hấp dẫn để sinh sống và làm việc bậc nhất khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh sẽ trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nền kinh tế phát triển và trở thành tỉnh có chất lượng cuộc sống cao toàn diện ở mọi mặt, thu hút và giữ chân người dân.
Các Giai Đoạn Của Đồ Án Quy Hoạch Tây Ninh
Kế hoạch quy hoạch Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được thực hiện trên toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh. Trong đó, quy hoạch thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành trở thành cụm đô thị cốt lõi.
Định hướng quy hoạch đô thị Tây Ninh được chia thành các giai đoạn:
Giai Đoạn 2021 – 2025
Giai đoạn này sẽ tập trung phát triển đô thị lớn nhất khu vực phía Nam chủ yếu ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, phía Nam huyện Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng, tương ứng Vùng 1 – Phân vùng kinh tế xã hội.
Nhiệm vụ chính giai đoạn 2021 – 2025:
- Đẩy mạnh phát triển các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tập trung tại các khu vực có thế mạnh về kết nối hạ tầng liên kết vùng và phát triển công nghiệp.
- Quy hoạch và định hướng phát triển các khu vực quanh đô thị hiện hữu và khu công nghiệp theo từng cụm nhằm hạn chế phát triển dàn trải, tự phát dọc theo các hành lang phát triển.
Giai Đoạn 2026 – 2030
Tập trung phát triển đô thị ở vùng tam giác Gò Dầu – Phước Đông – Trảng Bàng, đồng thời mở rộng dần lên khu vực trung tâm (ứng với Vùng 2 – Phân vùng Kinh tế Xã hội) gồm thị xã Hòa Thành, TP. Tây Ninh, phía Đông huyện Châu Thành và phía Tây huyện Dương Minh Châu. Các huyện ở phía Bắc sẽ phát triển sau khi cao tốc Gò Dầu – Xa Mát hình thành.
Nhiệm vụ chính giai đoạn 2026 – 2030:
- Tiếp tục thực hiện các dự án ở Vùng 1 và củng cố chất lượng hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ dân sinh.
- Cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường tại các thị trấn hiện hữu, các thị xã mới chuyển đổi thành đô thị gắn liền với phát triển đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, dịch vụ thương mại đầu tư mới.
- Thúc đẩy phát triển đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh.
- Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các khu vực, đầu tư một cách có chọn lọc và tập trung.
- Phát triển vùng đô thị lớn ở phía Nam bao gồm 3 đô thị là Gò Dầu – Phước Đông Bời Lời – Trảng Bàng tạo thành tam giác phát triển và là trung tâm đô thị dịch vụ công nghiệp của tỉnh Tây Ninh.
Song song với các hoạt động trên, tỉnh còn tập trung phát triển mở rộng vùng đô thị khu vực trung tâm với lõi là cụm đô thị thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành theo nhu cầu thị trường. Theo đó, chính quyền sẽ tập trung hơn vào chất lượng hệ thống hạ tầng, xem xét điều chỉnh lại quỹ đất để tăng không gian mở, không gian xanh, đồng thời chuẩn bị đất dự trữ để đón các nhà đầu tư đến từ các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đặc biệt là du lịch.
So với các khu vực khác thì vùng phía Bắc có nhu cầu phát triển đô thị không cao, chủ yếu tập trung ở hai đô thị hạt nhân là Tân Biên và Tân Châu. Do đó, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới.
Phân Vùng Đô Thị Phát Triển Tỉnh Tây Ninh
Định hướng phân vùng phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh theo 3 vùng kinh tế – 4 trục động lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực.
3 Vùng Đô Thị Phát Triển
Tỉnh Tây Ninh được chia làm 3 vùng kinh tế dựa theo cấu trúc và động lực phát triển của từng vùng:
Phân vùng và định hướng phát triển | Phạm vi |
Vùng 1: Vùng đô thị công nghiệp Tập trung phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển Gò Dầu – Phước Đông – Trảng Bàng thành tam giác phát triển. | Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu. |
Vùng 2: Vùng đô thị văn hoá, dịch vụ và du lịch Vùng này sẽ trở thành trung tâm hành chính, văn hoá, giao dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm trọng tâm, phát triển đô thị có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng. | Thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành. |
Vùng 3: Vùng đô thị sinh thái và cảnh quan Đây là vùng phát triển Nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò – Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ. | Huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây Châu Thành và phía Bắc Bến Cầu. |
4 Trục Giao Thông Hỗ Trợ Phát Triển
Các trục giao thông hỗ trợ phát triển vùng đô thị gồm:
- Trục số 1 là hành lang phát triển chính khu vực từ Bắc đến Nam của tỉnh Tây Ninh gắn với cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và quốc lộ 22, 22B.
- Trục số 2 là hành lang kết nối liên vùng giữa Bình Phước và Campuchia theo hướng Đông Tây, kết nối các tuyến quốc lộ 13, 14 và sân bay Long Thành gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22.
- Trục số 3 là tuyến vành đai trung chuyển hàng hoá giữa khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với TP.HCM, kết nối vùng phía Đông và Tây Nguyên gắn với tuyến đường Đất Sét – Bến Củi – Bến Cầu.
- Trục số 4 là hành lang kết nối liên vùng theo hướng Đông Tây khu vực trung tâm gắn với tuyến đường tỉnh lộ 781.
Các Trọng Điểm Phát Triển Đô Thị Theo Kế Hoạch Quy Hoạch Tây Ninh
Để khai thác hết tiềm năng về kinh tế, văn hoá, xã hội, cảnh quan và tạo cơ hội việc làm cho người lao động, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra phương án phát triển 3 vùng đô thị trọng điểm, bao gồm:
Cụm Đô Thị TP Tây Ninh – Thị Xã Hòa Thành Lan Toả Kết Nối Với Hồ Dầu Tiếng
Định hướng quy hoạch thành phố Tây Ninh – thị xã Hoà Thành trở thành cụm đô thị trung tâm của tỉnh. Cụ thể:
- Là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, văn hóa, tôn giáo và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh;
- Là trung tâm cấp vùng về thương mại – dịch vụ, du lịch văn hóa, lịch sử.
Theo đó, tỉnh sẽ tạo dựng các khu vực dịch vụ sôi động, hình thành các cụm thương mại dịch vụ hỗn hợp đa chức năng kết hợp không gian ở, công trình gắn với đầu mối giao thông công cộng. Đồng thời, khuyến khích, đa dạng các hoạt động thương mại dọc theo các tuyến phố; chú trọng thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nhằm mang đến hình ảnh đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đầu tư về thiết kế cảnh quan tạo không gian dành cho người đi bộ; không gian công cộng, không gian xanh đô thị nhằm đảm bảo sự tiện nghi, giúp cư dân trong khu vực tiếp cận với các không gian mở và hành lang sinh thái ven sông.
Định hướng phát triển đô thị mới tại một số khu vực tiềm năng như: rạch Tây Ninh, vùng lân cận Núi Bà Đen lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng.
Cụm Đô Thị Trảng Bàng – Gò Dầu – Phước Đông
Định hướng phát triển cụm đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu – Phước Đông:
- Là cụm đô thị động lực của vùng phía Nam của tỉnh;
- Là đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á;
- Là khu vực cửa ngõ kết nối Tây Ninh và các khu vực lân cận với TP.HCM;
- Là trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo cấp vùng.
Nhiệm vụ:
- Phát triển theo hướng lan tỏa từ các đô thị trung tâm;
- Hình thành các khu vực thương mại dịch vụ sôi động gắn với phát triển nhà ở tại các khu vực có giao thông thuận lợi;
- Xác định các trọng điểm và trục không gian chính nhằm tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng;
- Hình thành các hành lang sinh thái dựa trên điều kiện tự nhiên hiện hữu, kết nối các không gian xanh đô thị nhằm gia tăng chất lượng môi trường đô thị và sức hút dân cư;
- Phát triển nhà ở theo hướng đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng dân cư khác nhau;
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn thiện, đồng bộ, tính toán tới gia tăng dân cư, đặc biệt tại các khu vực tập trung lao động cho phát triển công nghiệp.
Phát Triển Dọc Sông Sài Gòn
Định hướng phát triển các khu vực dọc sông Sài Gòn trở thành:
- Khu vực phát triển đô thị sinh thái, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven sông;
- Khu vực chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống, hình thành sức hấp dẫn dân cư, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao của tỉnh.
Nhiệm vụ:
- Phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững, chú trọng bảo vệ hệ thống khung cảnh quan và sinh thái hiện hữu;
- Phát triển hình thái nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với mặt nước, đảm bảo mật độ xây dựng và tầng cao phù hợp;
- Hình thành các khu vực thương mại dịch vụ ven sông đảm bảo cộng đồng dân cư có thể tiếp cận với các không gian mở và hành lang sinh thái ven sông Sài Gòn;
- Kết nối các không gian xanh tạo tuyến sinh thái liên tục từ khu vực ven sông lan tỏa vào đô thị.
Quy Hoạch Và Định Hướng Phát Triển Hạ Tầng Giao Thông Tỉnh Tây Ninh
Song song với phát triển các vùng trọng điểm, bản đồ quy hoạch Tây Ninh còn chú trọng đầu tư các tuyến giao thông giúp kết nối nội vùng và các khu vực, tỉnh lỵ lân cận.
Quy Hoạch Sân Bay Tây Ninh
Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch quy hoạch và định hướng phát triển giao thông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch sân bay Tây Ninh với quỹ đất dự kiến là 500 ha, góp phần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh Tây Ninh.
Quyết định số 2239/QĐ-UBND do UBND tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 04/11/2022 có nêu định hướng quy hoạch sân bay Tây Ninh thành hãng hàng không cấp 4E, đáp ứng khai thác các loại máy bay cỡ lớn như A350, B787, A320, A321, ATR72, F70 và các dòng máy bay tư nhân. Sân bay Tây Ninh có chức năng dân dụng là thực hiện khai thác các chuyến bay nội địa và và một số tuyến quốc tế đồng thời vận tải hàng hoá kết hợp với du lịch.
Khi dự án quy hoạch sân bay Tây Ninh hoàn thành, các tiện ích đi kèm hay cơ sở hạ tầng cũng theo đó phát triển, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội tỉnh và phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.
Đồng thời, giảm bớt áp lực cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, giúp kết nối các điểm du lịch trong và ngoài nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia.
Hoàn Thiện Mạng Lưới Giao Thông Kết Nối Các Vùng
Đến năm 2030, Tây Ninh sẽ hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng, trọng điểm là:
- Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài: dài khoảng 50km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km.
- Cao tốc Gò Dầu – Xa Mát: dài 65km.
- Đường Hồ Chí Minh và các tuyến nội địa sẽ được nâng cấp thành quốc lộ.
- Các tuyến quốc lộ 22C (từ tỉnh Bình Dương đến cửa khẩu chính Kà Tum của Tây Ninh), quốc lộ 56B (từ Bình Dương đến cửa khẩu Phước Tân) và quốc lộ 14C,… được đầu tư nâng cấp và mở rộng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy hoạch.
Không chỉ nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, tỉnh Tây Ninh còn xây dựng 11 cầu vượt qua sông Vàm Cỏ Đông (8 cầu) và sông Sài Gòn (3 cầu). Điều này sẽ giúp kết nối các điểm du lịch, khu công nghiệp, các đầu mối hàng hóa và các trung tâm logistic, ICD, cảng thủy nội địa, các vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến… phá thế chia cắt tự nhiên bởi sông, rạch.
Hiện nay, kế hoạch quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ về nội dung quy hoạch theo các quy định của pháp luật để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kịch bản tăng trưởng rất cao nhằm mục đích tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế – xã hội mà UBND tỉnh Tây Ninh lựa chọn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét để đảm bảo tính khả thi.
Hà Linh
TỪ KHÓA: Quy hoạch sử dụng đất