Cao Tốc Dầu Giây-Tân Phú Bao Giờ Khởi Công? Thông Tin Quy Hoạch Cao Tốc Dầu Giây-Tân Phú [Cập Nhật 2024]

Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ được khởi công trong năm 2024. Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có chiều dài toàn tuyến hơn 60km, với tổng mức đầu tư gần 8.700 tỷ đồng. Đây là đoạn cao tốc quan trọng thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Chuẩn Bị Khởi Công Cao Tốc Dầu Giây-Tân Phú

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Dầu Giây-Tân Phú nằm trong danh sách các dự án cao tốc sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay. Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 9/2022, đến tháng 10/2023 đã có Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và hiện đang chuẩn bị những thủ tục cần thiết để khởi công.
Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú là một trong ba dự án thành phần của dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 60km, chạy qua 4 huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú của tỉnh Đồng Nai. Điểm đầu của cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giao cắt với Quốc lộ 1 tại vị trí Km1829 500 thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, kết nối với cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Dự án có điểm cuối tại vị trí Km60 243.83, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 khoảng 200m.
Bản đồ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú nằm trong dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Đồ họa: VnExpress
Liên quan đến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận vừa tham mưu UBND tỉnh này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo ban quản lý dự án bổ sung đường kết nối huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Khảo sát thực địa cho thấy vị trí nút giao cuối Tân Phú cách ranh giới huyện Đức Linh chỉ khoảng 1km. Do đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đề xuất bổ sung một tuyến đường 4 làn, đấu vào đường hiện hữu Rô Mô – Đa Kai, tương tự như đoạn nhánh nối vào Quốc lộ 20 phía Đồng Nai. Nếu được chấp thuận, tuyến đường mới sẽ tạo trục kết nối thông suốt Bình Thuận-Đồng Nai-Lâm Đồng, tạo động lực và không gian phát triển mới.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú gồm 2 phân kỳ đầu tư:
  • Ở giai đoạn 1, cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có 4 làn xe, vận tốc tối đa 80km/h, bố trí điểm dừng xe khẩn cấp mỗi 4-5km.
  • Ở giai đoạn hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường sẽ mở rộng lên 24,75m, vận tốc tối đa 100km/h, có làn dừng khẩn cấp, theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng vốn đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1 vào khoảng 8.700 tỷ đồng. Trong đó, Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiến nghị ngân sách nhà nước chi 1.300 tỷ đồng hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
Chiều dài toàn tuyếnHơn 60km
Chiều rộng17m (giai đoạn 1) – 24,75m (giai đoạn hoàn chỉnh)
Điểm đầuKm1829 500 thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất
Điểm cuối Km60 243.83, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú
Số làn xe4
Vận tốc thiết kế80 km/h (giai đoạn 1) – 100km/h (giai đoạn hoàn chỉnh)
Tổng vốn đầu tư8.700 tỷ đồng
Năm khởi công2024
Tóm tắt thông tin quy hoạch cao tốc Dầu Giây-Tân Phú
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất cho dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú vào khoảng 311,69 ha. Cụ thể:
  • Tại huyện Thống Nhất: 78,35 ha
  • Tại huyện Định Quán:127,44 ha
  • Tại huyện Xuân Lộc: 9,9 ha
  • Tại huyện Tân Phú: 96 ha
Với phần diện tích đất có rừng (khoảng 27,339 ha), HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 15/4/2022, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú.
Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư). Thời gian thu phí cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, hoàn vốn cho nhà đầu tư dự kiến khoảng 20 năm 3 tháng. Mức phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, có thể tăng từ 200 – 400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau mỗi 2 năm. Hết thời hạn thu phí, nhà đầu tư sẽ bàn giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, khai thác.
Khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện hữu, giảm tải cho Quốc lộ 20 và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai cũng như toàn vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là nguồn động lực mới rất đáng mong chờ đối với thị trường mua bán nhà đất Đồng Nai.
Video TinNhaDatVN.Com đánh giá thị trường bất động sản tỉnh Đồng Nai

Thông Tin Quy Hoạch 2 Đoạn Còn Lại Của Cao Tốc Dầu Giây-Liên Khương

Ngoài cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, 2 dự án thành phần khác của tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương cũng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư là cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc kết nối 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, có tổng chiều dài khoảng dài 66 km, trong đó đoạn qua địa phận Đồng Nai là 11km, qua địa phận Lâm Đồng là 55km. Tổng mức đầu tư cho dự án là 17.200 tỷ đồng. Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc nằm trong danh mục trọng điểm quốc gia, trước đó được dự kiến khởi công trong quý 1/2024, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ "lỡ hẹn".
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài 74km, tiếp nối cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Tuyến cao tốc này có nền đường rộng 17m với 4 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng 19.521 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến 2 tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương chậm trễ chưa khởi công, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết việc triển khai dự án gặp khó khăn do nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thẩm quyền giải phóng mặt bằng thuộc cơ quan cấp bộ. Bên cạnh đó, do có thay đổi về phần diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng nên phải điều chỉnh hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Về phía tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên làm việc, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công 2 dự án quan trọng này.
Toàn dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được đánh giá là hạ tầng quan trọng trong việc kết nối khu vực Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên, phá vỡ thế "độc đạo" của Quốc lộ 20 hiện nay, giảm ách tắc và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển trên Quốc lộ 20.

Thông Tin Về Các Dự Án Cao Tốc Khác Sẽ Khởi Công Trong Năm 2024

Cùng với cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch khởi công 3 dự án cao tốc tại các địa phương khác trên cả nước, bao gồm:

Cao Tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, đã khởi công giai đoạn 1 dài 93,3km ngay ngày đầu tiên của năm mới 2024. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn cho giai đoạn 1 là hơn 14.300 tỷ đồng, do liên danh các công ty thuộc Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khởi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2026, hoàn vốn đầu tư sau 24 năm 10 tháng. Tuyến cao tốc sẽ giúp kết nối 2 tỉnh Lạng Sơn – Cao Bằng, tạo trục kết nối với Hà Nội và các trung tâm lớn của miền Bắc, mở cánh giao thương vùng Đông Bắc cũng nhau khu vực cửa khẩu. Hiện tại, quãng đường từ Hà Nội đi Cao Bằng dài 280km với khoảng 5-6 giờ đi ô tô. Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng hoàn thành, đấu vào cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thì từ Cao Bằng xuống thủ đô sẽ chỉ mất khoảng 2-3 giờ.

Cao Tốc Chợ Mới – Bắc Kạn

Dự án cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) có chiều dài 28,8 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, đã được phê duyệt chủ trường đầu tư và lập kế hoạch khởi công trong năm 2024. Khi hoàn thành và đi vào khai thác, cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn sẽ kết nối với 2 tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng-an cho khu vực dự án đi qua.
Cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn sẽ khởi công trong năm 2024. Ảnh minh họa: UBND tỉnh Bắc Kạn
Theo tính toán sơ bộ, dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn cần vốn đầu tư dự án khoảng 5.750 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỷ đồng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần 490 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí tư vấn và dự phòng.

Cao Tốc Cao Lãnh-Rạch Sỏi

Cao tốc Cao Lãnh-Rạch Sỏi thực tế là dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long từ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đến Rạch Sỏi, tỉnh Kiên Giang theo quy mô, tiêu chuẩn cao tốc.
Cụ thể, đoạn đường từ Cao Lãnh – Lộ Tẻ (TP. Cần Thơ) có chiều dài khoảng 28,8 km, vốn đầu tư khoảng 950 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư nâng cấp đường hiện hữu, gồm: bù vênh và thảm tăng cường mặt đường bằng bê tông nhựa; mở thêm đường gom tại một số đoạn; hoàn chỉnh các nút giao để tổ chức lại giao thông và khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Đối với đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (tỉnh Kiên Giang) dài 51,5km, tổng mức đầu tư dự án là 750 tỷ đồng. Bốn làn xe sẽ được thảm tăng cường mặt đường bằng bê tông nhựa và mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp hiện hữu, hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hiện tại đã xuống cấp dù mới đi vào khai thác vài năm. Ảnh: Báo Thanh niên
Bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi các bài viết chủ đề Quy hoạch giao thông để cập nhật những thông tin mới nhất về quy hoạch, tiến độ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú cùng loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý khác được triển khai trong năm 2024 nhé!
Lan Chi