Lối đi chung là một trong những khái niệm phổ biến thuộc lĩnh vực đất đai, và trong thực tế, đã có không ít tranh chấp liên quan tới nội dung này. Nắm được những quy định về lối đi chung sẽ giúp bạn tránh việc vi phạm pháp luật và có căn cứ để giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra.
1. Lối Đi Chung Là Gì?
Pháp luật không đề cập đến quy định về lối đi chung nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, lối đi chung là một phần diện tích đất chung được sử dụng bởi nhiều hộ gia đình hoặc cá nhân để ra đường công cộng.
Các vấn đề liên quan tới lối đi chung được quy định cụ thể trong luật
Khái niệm này còn được gọi với tên là ngõ đi chung. Xét về mặt nguồn gốc, lối đi chung có thể được hình thành từ:
– Là lối mòn có sẵn, được sử dụng trong một thời gian dài.
– Khi người sử dụng đất chia tách thửa, họ dành ra một diện tích nhất định để làm đường ra nơi công cộng, cũng có thể đây là ranh giới để ngăn cách, phân biệt các thửa đất với nhau.
– Trong quá trình phân chia hoặc chuyển nhượng đất, các bên thỏa thuận hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ra để đảm bảo cho nhu cầu chính đáng, cần thiết trong đời sống của con người.
Vì khái niệm lối đi chung chưa được chỉ rõ, dẫn tới việc quy định về kích thước lối đi chung cũng không cụ thể, nguyên nhân vì trong thực tiễn, điều này là bất khả thi, tùy nhu cầu của người dân cũng như đặc điểm của thửa đất mà kích thước có thể khác nhau.
2. Một Số Quy Định Về Lối Đi Chung
Lối đi chung tưởng như rất đơn giản nhưng xoay quanh vấn đề này có thể nảy sinh nhiều tranh chấp. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể về lối đi chung.
Lối Đi Chung Thuộc Sở Hữu Của Ai?
Lối đi chung thuộc quyền quản lý Nhà nước thì sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Nếu không thuộc trường hợp này, để xác định quyền sở hữu lối đi chung sẽ căn cứ vào các giấy tờ như sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bao gồm diện tích lối đi chung theo quy định của Luật Đất đai 2013.
– Giấy tờ chứng minh hoạt động chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho đối với diện tích đất có bao gồm phần diện tích lối đi chung hoặc đối với diện tích đất lối đi chung.
Như vậy, lối đi chung sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ thể có giấy tờ chứng minh được diện tích lối đi chung nằm trong diện tích đất họ sở hữu hợp pháp hoặc có giấy tờ pháp lý chứng minh được diện tích đất lối đi chung là do họ sở hữu.
Lối đi chung không được cấp sổ đỏ riêng
Văn Bản Thỏa Thuận Lối Đi Chung Có Cần Chứng Thực Không?
Theo quy định tại Công văn 565/HTQTCT-CT năm 2022 có hướng dẫn nghiệp vụ chứng thực như sau:
"Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhất trí với quan điểm thứ nhất của Sở Tư pháp. Theo Công văn của Sở Tư pháp thì nội dung trong văn bản thỏa thuận sử dụng lối đi chung có chứa các thỏa thuận về giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 116 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 4 Điều 25 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì văn bản này phải được chứng thực theo trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch, không thực hiện chứng thực chữ ký.".
Ngoài ra, theo Điều 37 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau:
"Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực."
Như vậy, văn bản thỏa thuận lối đi chung bắt buộc phải được chứng thực theo theo trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch và không được thực hiện chứng thực chữ ký.
Thời hạn chứng thực văn bản thỏa thuận lối đi chung là không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.
Lối Đi Chung Có Được Bán Không?
Không chỉ quan tâm lối đi chung là gì, nhiều người còn quan tâm không biết lối đi này có bán được không.
Với câu hỏi này, bạn có được bán lối đi chung hay không phụ thuộc vào việc phần đất ấy có thuộc quyền sử dụng của bạn, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận hay không. Nếu bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng, bạn được quyền bán.
3. Một Số Tranh Chấp Lối Đi Chung Thường Gặp
Trong thực tế có thể xảy ra một số tranh chấp lối đi chung thường gặp như:
Trổ Cửa Sang Lối Đi Chung
Trong trường hợp quyền sử dụng đất của bạn bao gồm cả diện tích lối đi chung mà hàng xóm vẫn trổ cửa ra vào sang phần đất này thì bạn có quyền yêu cầu người đó bít cửa lại.
Trường hợp phần đất này thuộc sở hữu của xã thì hành động trổ cửa ra vào để sử dụng lối đi không vi phạm pháp luật.
Rào, Chắn Lối Đi Chung
Một số người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lối đi chung, họ muốn rào lại, không sử dụng nữa thì cần căn cứ vào điều kiện thực tế.
Nếu việc rào, chắn không ảnh hưởng tới các cá nhân khác thì bạn có quyền thực hiện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu điều này khiến cho một hoặc một số căn nhà xung quanh không có đường ra nữa thì cần có sự thỏa thuận giữa các bên.
Căn cứ vào quy định về lối đi chung thì đối với chủ sở hữu của bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ khác khiến cho không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền được yêu cầu các chủ vây bọc cho mình một lối đi hợp lý. Lối đi này được tạo ra ở trên phần đất liền kề, đảm bảo sự thuận tiện và hợp lý nhất.
Tuy nhiên, để làm được điều này, người hưởng quyền có lối đi qua cần thỏa thuận và đền bù cho bất động sản vây bọc.
Tranh chấp liên quan tới đất đai luôn phức tạp
4. Xử Lý Hành Vi Cản Trở Lối Đi Chung
Khi phát hiện các hành vi cản trở lối đi chung, người dân có quyền tố cáo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, nếu lối đi chung thuộc quyền sử dụng đất đai của cá nhân, cá nhân đó có quyến tố cáo, khiếu nại và người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, có thể phải bồi thường tùy mức độ cho người bị thiệt hại.
Nếu lối đi đó thuộc quyền sở hữu của tập thể, người vi phạm cũng bị xem xét xử lý tùy theo tính chất cũng như mức độ vi phạm.
Khoản 2 và Khoản 3, Điều 11, Nghị định 102/2014/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền từ 2 triệu đồng tới 10 triệu đồng ở khu vực nông thôn và từ 5 triệu đồng tới 30 triệu đồng ở khu vực đô thị với hành vi đào bới, xây tường, hàng rào khiến thiệt hại hoặc cản trở việc sử dụng đất của người khác. Cùng với đó, phải không phục nguyên trạng đất trước như khi xảy ra vi phạm.
Với những vi phạm như cơi nới, lấn chiếm hoặc sử dụng không đúng mục đích,… cũng có những quy định cụ thể của pháp luật.
Rào, chắn trái phép lối đi chung sẽ bị pháp luật xử lý
Đồng thời, tại Điều 35 và 39 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì tòa án nhân dân cấp huyện nơi đang có tranh chấp liên quan tới vấn đề lối đi chung là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hy vọng với những lý giải cho quy định về lối đi chung được TinNhaDatVN.Com đề cập trên đây đã giúp cho bạn có những thông tin cơ bản, đồng thời biết cách ứng xử phù hợp khi có tranh chấp xảy ra.
Hà Linh