Mất tiền oan
Hai vợ chồng anh Hòa đều làm nhà nước, có một cô con gái đang học lớp 1. Nhiều năm đi làm nhưng gia đình hai bên khó khăn, trả tiền thuê nhà, nuôi con nên anh chị mới chỉ tích góp được 300 triệu đồng. Muốn thoát cảnh ở nhà trọ nhưng không đủ khả năng mua một căn hộ thông thường nên hai vợ chồng anh tính sẽ mua một căn hộ trong dự án nhà ở xã hội ở Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.
Lần đầu mua nhà, không có kinh nghiệm, anh chị thử dò hỏi trên mạng thì có rất nhiều môi giới liên hệ lại để tư vấn và hứa hẹn sẽ giúp anh chị “chắc suất”. Vì sợ số lượng căn hộ ít, không đến lượt mình nên muốn chắc ăn, anh chị bàn nhau chịu mất thêm 40 triệu đồng và ký “hợp đồng tư vấn pháp lý” với một công ty ở quận Bắc Từ Liêm.
Anh Hòa kể, khi làm hợp đồng với công ty này, anh được nhân viên môi giới nói là chủ đầu tư này làm khá gắt nên anh ta chỉ có thể đi cùng mà không thể nộp hồ sơ thay anh được. Khi vào vòng bốc thăm, công ty sẽ giúp anh bốc được phiếu mua nhà. Trong trường hợp không thành công thì họ sẽ hoàn lại số tiền, chỉ giữ lại vài triệu đồng gọi là chi phí hỗ trợ.
Tuy nhiên, chỉ đến khi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS, phải ký cam kết không thông qua môi giới thì anh Hòa mới biết việc làm thủ tục mua nhà ở xã hội không được thông qua các công ty môi giới mà chỉ cần anh trực tiếp đến nộp hồ sơ cho chủ đầu tư.
Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên nhiều người mua nhà chọn mua nhà ở xã hội nhưng vì không rõ quy trình thủ tục nên đã mất tiền oan. Ảnh minh họa |
Nhận thấy mình mất tiền oan cho công ty môi giới kia mà họ không giúp được gì nên anh Hòa yêu cầu được hoàn trả lại toàn bộ số tiền 40 triệu đồng.
Khi có quá nhiều trường hợp mất tiền tương tự như anh Hòa, Sở Xây dựng TP. Hà Nội và các chủ đầu tư đã lập tức đưa ra cảnh báo để lưu ý người mua không bị “mắc bẫy”.
Quy trình mua thế nào là đúng?
Không riêng Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng mới đây cũng đã cảnh báo về việc từ đầu năm 2020 có nhiều thông tin quảng cáo dự án nhà ở xã hội Sun Home Đà Nẵng được bán với giá từ 500 triệu đồng/căn, có sổ đỏ vĩnh viễn, mua bán tự do và có thể vào ở ngay.
Văn bản của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết trên địa bàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội duy nhất được phép tiếp nhận hồ sơ mua bán là dự án Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở này cũng thông báo rằng không có bất cứ chi phí nào khi làm thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội, không thông qua môi giới, mua bán dưới mọi hình thức. Mọi thông tin về đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và được Sở Xây dựng đăng tải chính thức trên website.
Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên nhiều người mua nhà chọn mua nhà ở xã hội nhưng vì không rõ quy trình thủ tục nên đã mất tiền oan. Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư phải báo cáo cho Sở Xây dựng về số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua, thời điểm bắt đầu. Những thông tin này được đăng tải trên website của Sở Xây dựng và chủ đầu tư trong vòng 1 tháng từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ. Những người có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư sẽ xem xét hồ sơ, lập danh sách những đối tượng được thuê, mua, thuê mua và gửi danh sách dự kiến theo thứ tự ưu tiên cho Sở Xây dựng. Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, loại trừ nhằm loại trừ việc có người được hỗ trợ nhiều lần…
Về hành vi chèo kéo người mua các gói hỗ trợ để mua được nhà ở xã hội, luật sư Trần Đức Phượng cho biết, đây có thể là hành vi lừa đảo, có thể chiếm đoạt tiền của khách hàng hoặc khi khách đòi hoàn lại tiền thì dẫn khách đến xem dự án khác.
Khánh Trang (TH)
>> Nhà ở xã hội là gì? Điều kiện, thủ tục mua nhà ở xã hội
>> Đề xuất giảm lãi suất vay nhà ở xã hội xuống 4%/năm