Nếu so với thu nhập của nhiều gia đình khác, tôi thấy mức lương của chúng tôi không phải thấp. Hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học, làm tốt công việc chuyên môn, lương tầm trung nhưng suốt bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn bế tắc trong việc mua nhà.
Với tổng thu nhập hơn 40 triệu, nhưng phải nuôi 2 con nhỏ, lo cho bố mẹ 2 bên và thuê nhà, mỗi tháng hai vợ chồng tôi chỉ tích lũy được khoảng 10 triệu, cộng thêm các khoản thưởng mỗi năm chúng tôi tiết kiệm được 150 triệu đồng. Đấy là 5 năm gần đây, còn mấy năm trước lương thấp hơn, con nhỏ ốm đau... nên không tích lũy được bao nhiêu. Đến năm 2019 chúng tôi tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng. Với chúng tôi đây là một số tiền rất lớn, phải cố gắng lắm mới giữ được. Nhưng nếu nhìn vào giá nhà Hà Nội, thực sự chúng tôi phải mướt mồ hôi để cán đích.
Trước đó mấy năm, khi số tiền tích lũy được khoảng 600-700 triệu, chúng tôi đã tính tới chuyện mua nhà, nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Chẳng hạn, một căn nhà 40m2, 3 tầng trong ngõ cũng phải 2-3 tỷ, vay ngân hàng là quá rủi ro, lãi suất khi đó cũng 11-12%/năm. Từng chuyển hướng sang căn hộ chung cư nhưng giá cũng không hề rẻ. Nhà ở xã hội gói hỗ trợ thì chúng tôi không được duyệt hồ sơ, nhà thương mại thì đều trên 20 triệu/m2, đấy là mấy chỗ xa xa, chứ những khu mong muốn cho gần chỗ làm như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân thì giá phải từ 25 triệu/m2 trở lên. Căn hộ 80m2 giá thấp nhất cũng 2 tỷ, căn chúng tôi thích đều gần 3 tỷ. Nhiều người sẽ thắc mắc sao không chọn căn nhỏ hơn, nhưng nhà tôi một trai một gái, các con cũng bắt đầu lớn, không thể cho chúng ở một phòng, mà căn hộ 3 ngủ loại diện tích 80m2 là nhỏ nhất rồi.
Tâm lý "an cư lạc nghiệp" khiến người Việt Nam luôn mong muốn được sở hữu nhà ở. Ảnh minh họa
Chờ đợi để tích lũy thêm, sau 2 năm chúng tôi có thêm 300 triệu, nhưng giá nhà lại tăng lên nhanh hơn. Ví dụ, ngôi nhà chúng tôi định mua mấy năm trước giá 2 tỷ thì nay phải 2,5 tỷ mới mua được căn tương đương, thành ra tôi không biết sẽ phải đuổi theo giá nhà đến khi nào mới bắt kịp. Tôi cũng từng thử kinh doanh để tăng thu nhập nhưng lần nào cũng thất bại, còn công việc thì khó thăng tiến, lương chỉ tăng đều theo thâm niên.
Tôi biết xung quanh tôi có rất nhiều người lương chỉ hơn chục triệu 1 tháng, không biết khi nào mới mua được nhà, còn những người thu nhập thấp, làm công nhân, lao động thì sao? Nhiều lúc tôi cũng tặc lưỡi cứ ở nhà thuê, tiền tích lũy lo cho con cái học hành, dành khi ốm đau và dưỡng già, nhưng giờ đã gần 40 tuổi, chưa mua được nhà thấy thấp thỏm không yên. Hơn nữa, nhà cho thuê tại Hà Nội cũng rất đắt đỏ, chúng tôi ở một căn hộ chung cư mini khoảng 50m2, giá thuê cũng đã 6 triệu/tháng, nếu thuê căn hộ chung cư dự án giá phải trên dưới chục triệu đồng, tính ra 1 năm cũng mất gần trăm triệu tiền thuê trọ. Chưa kể nhà thuê cái gì cũng bị thu phí cao, từ điện tới nước, chỗ gửi xe... Tính ra, hơn chục năm trời tiền thuê nhà cũng đã ngốn bằng một nửa số tiền tích lũy được. Do đó, vợ chồng tôi vẫn có ý định mua nhà, trước là tài sản tích lũy, sau là có chỗ cho các con trông cậy. Hơn nữa, nếu giá nhà cứ tăng nữa, tăng mãi thì càng chờ đợi càng khó mua được.
Mặc dù thu nhập của người lao động tăng đều đặn hàng năm nhưng do giá nhà tăng nhanh và đồng tiền trượt giá nên sau nhiều năm tích lũy nhiều gia đình vẫn chưa thể mua được nhà. Ảnh minh họa
Năm nay, do tác động của dịch Covid, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, giá nhà nghe nói có thể cũng giảm, là cơ hội tốt để chúng tôi nhanh chóng có nhà. Vay ngân hàng với gia đình tôi không quá khó, vì thu nhập ổn định và chủ yếu từ lương. Vấn đề tôi lo là đang dịch bệnh, kinh tế khó khăn, nếu phải gánh thêm nợ lãi mỗi tháng, không biết cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao.
Cứ loay hoay chuyện mua nhà như vậy suốt mấy năm nay, tôi thấy mình thực sự mệt mỏi. Đọc nhiều câu chuyện người trẻ mua nhà, đầu tư đất lời lãi tiền tỷ, tôi càng thấy mình kém cỏi. Lỗi có hoàn toàn ở tôi hay do giá bất động sản đã tăng quá ảo rồi?
------------------------------------------------------
Chia sẻ trên của anh Tống Viết D. với TinNhaDatVN.Com cũng là một thực trạng phổ biến hiện nay: thu nhập của người dân không theo kịp giá nhà. Nhiều người đã cố gắng làm việc để tăng lương, làm thêm tăng thu nhập nhưng do giá nhà tăng nhanh, đồng tiền trượt giá mạnh nên khoản tích lũy sau nhiều năm vẫn không đủ mua nhà.
Đối với trường hợp của anh D., các chuyên gia của TinNhaDatVN.Com khuyên anh nên xem xét phương án vay ngân hàng vì lãi suất ngân hàng hiện đang khá hấp dẫn. Tuy nhiên anh D. nên cố gắng vay thêm người thân trong gia đình để giảm khoản vay, giảm áp lực lãi. Ví dụ, anh có thể vay ngân hàng 800 triệu, lãi suất trung bình mỗi tháng tương đương với tiền thuê nhà (khoảng 6 triệu đồng), tiền gốc phải trả khoảng 7 triệu (vay 10 năm). Số tiền còn thiếu anh có thể nhờ người thân hỗ trợ, trả dần trong thời gian tích lũy. Nếu thu nhập ổn định, anh cũng có thể xem xét vay ngân hàng 1 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị tài sản (giả sử anh mua căn hộ trên dưới 2 tỷ đồng), lãi và gốc mỗi tháng chiếm khoảng 30% thu nhập nên vẫn ở vùng an toàn.
Hiện một số dự án chung cư trong KĐT Dương Nội, dọc trục đường Tố Hữu hoặc khu Triều Khúc... có thể đáp ứng nhu cầu của anh D. về diện tích, giá bán và vị trí. Nếu mua nhà đất, anh D. vẫn có thể vay ngân hàng, xem xét mua nhà 2 tầng, diện tích khoảng 40m2 trong ngõ, tại các khu vực như Triều Khúc, Trung Văn, Đại Mỗ, Phùng Khoang...
Ngọc Sương (ghi)