“Tôi chấp nhận mất phí cho môi giới để nhanh mua được nhà nhưng không nghĩ lại gặp phải ‘cò’ không có tâm muốn ăn dày. Tiền tôi cũng phải vất vả đi kiếm từng đồng chứ đâu có nhặt được dễ dàng mà họ moi trắng trợn như vậy”, anh Thành - một người mua nhà bức xúc cho hay.
Anh Thành kể, anh liên hệ môi giới để nhờ tìm mua nhà ở, nêu rõ mọi yêu cầu về mức giá cũng như vị trí, diện tích, số phòng, hướng cửa chính… Sau khoảng 2 tuần, anh Thành đi gặp gần 20 môi giới và được giới thiệu cho rất nhiều ngôi nhà.
Môi giới có vai trò quan trọng giúp kết nối người mua và người bán. Ảnh minh họa
Sau khi sàng lọc, anh Thành chọn ra khoảng 10 căn để đi xem thực tế. Trong số đó, anh khá ưng ý một căn giá 5 tỷ có thương lượng như trong thông tin rao bán. Tuy nhiên, vào sát ngày xem, môi giới thông báo chủ nhà muốn tăng giá lên 5,5 tỷ có thương lượng. Cảm thấy khó chịu, cho rằng môi giới biết mình ưng căn nhà nên cố tình đẩy giá lên để “ăn dày”, anh Thành gõ thông tin căn nhà lên google tìm kiếm thì kết quả hiện hàng loạt tin rao khác về chính căn nhà này, có tin rao chỉ 4,4 tỷ đồng. Anh hỏi lại môi giới về thông tin này thì chỉ nhận được câu trả lời vòng vo, nói rằng anh ta chỉ truyền đạt lại yêu cầu của chủ nhà. Như vậy, nếu mua với giá rao 5,5 tỷ có thương lượng, chẳng hạn giảm được còn 5,2 tỷ thì anh vẫn mất gần 1 tỷ đồng cho môi giới. “Tôi không ngại mất tiền cho môi giới chân chính. Họ là người quan trọng kết nối cung - cầu. Nếu mua được nhà, tôi sẵn sàng gửi họ thêm chút phí cảm ơn nhưng vẫn còn không ít ‘cò’ tham lam, muốn đã ăn là phải ăn thật dày”, anh Thành nói.
Gặp tình cảnh tương tự là trường hợp của anh Mạnh. Anh Mạnh được người quen giới thiệu cho một căn nhà giá 2,9 tỷ nhưng sau này anh mới biết giá chủ nhà muốn bán ra chỉ 2,3 tỷ đồng.
Vai trò của các môi giới là không thể phủ nhận. Việc mua bán nhà thông qua môi giới cũng có nhiều ưu điểm như tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, dễ dàng chọn được sản phẩm ưng ý và được hỗ trợ tối đa hồ sơ, các thủ tục mua bán... Tuy nhiên, có không ít “con sâu làm rầu nồi canh” làm xấu đi cái nhìn về các môi giới chân chính. Không chỉ làm chiêu thổi giá, nói sai, nói quá thông tin về dự án, một số môi giới còn cố tình báo giá cao để ăn kênh khiến người bán không bán được, người mua cũng khó có thể mua.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, sau khi lọc ra những căn ưng ý trong hàng loạt lựa chọn mà môi giới đưa ra, người mua cần hỏi trước môi giới về mức giá có thể chốt được so với giá chào. Bởi môi giới là người đứng giữa, sẽ hiểu rõ cả nhu cầu của người mua và người bán. Lưu ý thứ hai là cần tìm kiếm trên mạng, tham khảo tin rao của những môi giới khác để xem có sự chênh lệch quá lớn hay không. Người mua là người quyết nên nếu đi xem nhà nhiều thì phải nắm rõ thị trường mới quyết định xuống tiền.
Khánh Trang