Huyện Đông Anh được thành lập năm 1876 trên cơ sở các xã Yên Lãng (phủ Tam Đới) của tỉnh Sơn Tây, Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà) của tỉnh Bắc Ninh. Hiện Đông Anh là một ứng cử viên nổi bật trong số 5 huyện dự kiến lên quận vào năm 2025. Diện mạo mảnh đất trù phú, giàu truyền thống văn hóa lịch sử bên dòng sông Hồng đã biến đổi không ngừng trong những năm qua nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng những chuyển biến ngoạn mục của hệ thống hạ tầng.
Địa lý
Huyện Đông Anh nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố 15km, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp huyện Yên Phong và thành phố Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh
- Phía Tây giáp huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh
- Phía Nam giáp quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm
- Phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn
Vị trí huyện Đông Anh, Hà Nội
Đông Anh có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông Đuống, sông Hồng. Ngoài ra còn có các dải tường thành khu di tích Cổ Loa và một số gò đống còn sót lại, cùng với Núi Sái là cao hơn hẳn.
Hành chính
Huyện Đông Anh có diện tích 185,62km2, dân số là 405.749 người (số liệu năm 2019), mật độ dân số đạt 2.186 người/km2. Huyện có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Đông Anh (huyện lỵ) và 23 xã: Xuân Nộn, Xuân Canh, Võng La, Vĩnh Ngọc, Việt Hùng, Vân Nội, Vân Hà, Uy Nỗ, Tiên Dương, Thụy Lâm, Tàm Xá, Nguyên Khuê, Nam Hồng, Mai Lâm, Liên Hà, Kim Nỗ, Kim Chung, Hải Bối, Dục Tú, Đông Hội, Đông Hội, Đại Mạch, Cổ Loa, Bắc Hồng.
Kinh tế huyện Đông Anh
Kinh tế Đông Anh liên tục khởi sắc. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế giai đoạn 2015-2020 ước đạt 156.075 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của Hà Nội. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 111.920 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10% năm, vượt mức chỉ tiêu đã đề ra. Giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ bình quân đạt 9.705 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 15,2%.
Đông Anh có 2 khu công nghiệp lớn là khu công nghiệp Đông Anh và khu công nghiệp Thăng Long, ngoài ra còn có khu công nghiệp nhỏ ở Nguyên Khê. Trên địa bàn huyện có một số làng nghề truyền thống như làng nghề mộc ở xã Vân Hà, làng nghề sản xuất thép, sản phẩm cơ khí ở xã Dục Tú hay nghề mộc dân dụng ở Thụy Lâm, Liên Hà, Việt Hà đang được đầu tư, phát triển mạnh. Toàn huyện có 355 công ty cổ phần, trên 700 công ty TNHH, 105 doanh nghiệp tư nhân, khoảng 30 công ty nhà nước, 11 công ty TNHH nhà nước một thành viên và trên 13.000 hộ kinh doanh cá thể.
Giao thông
Đông Anh là huyện được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông. Huyện hiện đang sở hữu nhiều tuyến giao thông huyết mạch như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3, quốc lộ 3 mới (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), quốc lộ 23A, đường 23B mở rộng, đường quy hoạch 41m, tuyến đường vành đai 3…
Đông Anh còn có 3 cây cầu nối huyết mạch, đóng vai trò kết nối sang trung tâm thành phố là cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và cầu Đông Trù. Cùng với đó là các cây cầu nối huyện với các địa phương xung quanh khác như cầu Phù Lỗ, cầu Lò So, cầu Lớn, cầu Đôi, cầu Ngũ Huyện Khê, cầu Cô Loa, cầu Phương Trạch, cầu E, cầu Đài Bi, cầu Lộc Hà, cầu Vân Trì, cầu sông Thiếp… Trong thời gian tới, huyện sẽ đón thêm một cây cầu mới là cầu Tứ Liên với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ.
Các tuyến xe buýt đi qua địa bàn huyện gồm: 07, 15, 17, 25, 35B, 43, 46, 53B, 56A, 58, 59, 61, 63, 64, 65, 86, 90, 93, 96, 109, 112, 122, 212, CNG03, CNG04.
Về đường sắt, các tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Bắc Hồng – Văn Điển (vận chuyển hàng hóa) chạy qua địa bàn huyện. Trong tương lai, Đông Anh sẽ có thêm các tuyến đường sắt đô thị chạy qua là tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đỉnh), tuyến số 4 (Liên Hà – Bắc Thăng Long), tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh – Ngọc Hồi). Có thể nói, hệ thống giao thông đang được thúc đẩy toàn diện, tạo động lực cho Đông Anh phát triển mạnh hơn, nhanh hơn.
Giáo dục
Huyện Đông Anh có một số cơ sở giáo dục như: Trường cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc, Trường trung cấp kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh, Trường cho trẻ em khuyết tật huyện Bình Minh, Trung tâm dạy nghề số 6.
Các trường THPT công lập:
- Trường THPT Vân Nội
- Trường THPT Liên Hà
- Trường THPT Đông Anh
- Trường THPT Cổ Loa
- Trường THPT Bắc Thăng Long
Các trường THPT dân lập:
- Trường THPT Ngô Tất Tố
- Trường THPT An Dương Vương
- Trường THPT Hồng Bàng
- Trường THPT Phạm Ngũ Lão
- Trường THPT Ngô Quyền
Một số trường THCS:
- Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng
- Trường THCS Việt Hùng
- Trường THCS Cổ Loa
- Trường THCS Vĩnh Ngọc
- Trường THCS Thị Trấn Đông Anh
- Trường THCS Mai Lâm
- Trường THCS Nam Hồng
- Trường THCS Ngô Quyền
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đông Anh còn nhiều trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non ở các xã.
Y tế
Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện:
- Bệnh viện Đa khoa Đông Anh
- Bệnh viện Bắc Thăng Long
- Phòng khám bệnh đa khoa Miền Đông (trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh)
- Phòng khám đa khoa Khu vực I (trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh)
- Cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone)
- Trung tâm y tế huyện Đông Anh
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Kim Chung
Phát triển đô thị và siêu dự án thành phố thông minh Đông Anh
Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhờ những bứt phá về hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch chung của Hà Nội định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng vẫn là trung tâm của thủ đô và phần lớn đất của Đông Anh nằm trong khu vực phát triển đô thị. Đặc biệt, Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp và hướng dẫn Đông Anh đẩy mạnh các đề án đầu tư, xây dựng phát triển nhằm sớm đưa địa phương trở thành quận trước năm 2025. Hiện huyện đã tập trung thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận. Cụ thể, Đông Anh đã ban hành và thực hiện 15 đề án thành phần như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, chiếu sáng, cây xanh, cải tạo ao hồ… Trong tổng số 27 tiêu chí xây dựng huyện lên quận, Đông Anh còn 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó, đa phần là do vướng về cơ chế như xử lý nước thải, chi tiêu cân đối ngân sách, mật độ giao thông đô thị…
Hiện nay trên địa bàn huyện Đông Anh đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như:
- Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa
- Khu đô thị Eurowindow River Park Đông Hội
- Khu đô thị Nam Hồng...
- Khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì
- Khu đô thị Liên Hà
- Các khu đô thị, khu nhà ở (đã quy hoạch)
- Khu thương mại dịch vụ 1/5 Đông Anh
Dự án đô thị thành phố thông minh Đông Anh là một trong những dự án lớn nhất và được kỳ vọng nhất của thủ đô. Dự án tọa lạc ngay chân cầu Nhật Tân, thuộc địa bàn 3 xã Hải Bối, Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc của huyện Đông Anh. Với quy mô 272ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD cùng hạ tầng đồng bộ giữa trung tâm tài chính, văn hóa, giải trí, căn hộ hạng sang, biệt thự, nhà liền kề, đi kèm các tiện ích bổ sung như trường học, khu nhà hàng, khu mua sắm, spa, yoga, gym, khu giải trí, thể dục thể thao ngoài trời, vườn hoa, đài phun nước, bể bơi trong nhà, công viên…
Phối cảnh tổng thể thành phố thông minh Đông Anh.
Dự án hưởng lợi thế từ quy hoạch trục Nhật Tân – Nội Bài với quy mô 2.000 ha, tổng chiều dài khoảng 11,7km, chạy từ đầu cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, có trục xương sống là đường kết nối từ Nội Bài đi qua cầu Nhật Tân vào Thủ đô Hà Nội. Ở vị trí giao điểm của trục đường với cầu Nhật Tân, thành phố thông minh Đông Anh chính là cửa ngõ giao thương quốc tế vào thủ đô Hà Nội.
Thành phố thông minh Đông Anh sẽ được chia làm nhiều giai đoạn để phù hợp với quy mô về quỹ đất và linh hoạt về dòng vốn. Trong đó, giai đoạn 1 được phát triển từ sân bay Nội Bài đến vành đai 3, giai đoạn 2 kéo dài từ đường vành đai 3 đến đầm Vân Trì, giai đoạn 3 từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng, giai đoạn 4 là phần còn lại bên ngoài khu vực đê sông Hồng.
Các tiện ích công nghệ đáng chú ý tại thành phố thông minh: Năng lượng tái tạo, giao thông dễ dàng, chất lượng sống khác biệt, tài chính thông minh, vận hành thông minh, giảng dạy thông minh.
Đồ án thành phố thông minh mở ra cơ hội để Đông Anh thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực phát triển huyện theo đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện các bước điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị, điều chỉnh quy hoạch cục bộ chi tiết quy hoạch hai bên đường Võ Nguyên Giáp.
Địa điểm du lịch nổi tiếng
Trên địa bàn huyện có các địa điểm du lịch:
- Khu di tích Quốc gia đặc biệt thành cổ Cổ Loa cùng đình Cổ Loa, đền An Dương Vương, Am Mị Châu, đền thờ Cao Lỗ, đền thờ Quan Trấn Nam, nhà triển lãm Cổ Loa...
- Sân vận động Đông Anh
- Bảo tàng Đông Anh
- Địa đạo Nam Hồng
- Đền Sái thờ Huyền thiên Trấn Vũ
- Đình Ba Voi
- Sân golf Vân Trì
- Công viên Cầu Đôi
- Xưởng phim Cổ Loa
- Chùa Tó, đình Tó, chùa Linh Thông, đình Gia Lộc, định Dục Nội
Bất động sản huyện Đông Anh
Bất động sản huyện Đông Anh hưởng lợi và liên tục tăng giá nhờ hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thuận tiện với khu vực nội đô thông qua cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù. Sự xuất hiện của các ông lớn địa ốc như Vingroup, BRG, Becamex ITC, Vimefulland, Sungroup với hàng loạt dự án nghìn tỷ cộng hưởng vào quá trình hoàn thiện hạ tầng khu vực đã biến Đông Anh trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua. Từ năm 2019, giá bất động sản khu vực này đã tăng mạnh nhờ ăn theo thông tin các dự án quy mô lớn đổ bộ, quốc lộ 5 mở rộng và sự gia tăng nhu cầu nhà ở của công nhân. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, sau khoảng thời gian tăng nóng, giá đất Đông Anh chững lại bởi thông tin dự án lớn chỉ “truyền tai” mà thực tế chưa thấy đâu, mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao quá khả năng tài chính của công nhân. Đến tháng 3/2021, “Đông Anh” lại trở thành từ khóa nóng trên mọi phương tiện truyền thông ngay sau khi thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố. Ở thời điểm đó, giá rao bán đất Đông Anh đã tăng gần gấp đôi chỉ sau ít ngày, dao động từ 34-37 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo nhận định của dân trong nghề, thông tin sốt đất đợt này chủ yếu do môi giới thổi lên, tạo sóng ảo, chứ thực tế không có khách đến mua. Hiện tượng tăng giá đất chỉ diễn ra ở một số lô nhất định, không phải tất cả các xã trong huyện đều tăng và không dùng để đại diện cho tất cả các khu vực toàn huyện. Trên thực tế, giá đất dự án tại Đông Anh chưa tăng nhiều, nhưng đất thổ cư trong dân đang bị thổi giá tăng mạnh với mức tăng từ 10-20%. Từ khi xuất hiện dịch, bất động sản Đông Anh gần như đóng băng, mặt bằng giá chung không có sự dịch chuyển đáng kể.
Khánh An (tổng hợp)