Giới thiệu tổng quan về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với lợi thế về hạ tầng kết nối, cảnh quan thiên nhiên cũng như sự phát triển của ngành dầu khí và cảng biển giúp địa phương này nhanh chóng thu hút giới đầu tư, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là tỉnh có mọi thứ, hội tụ cả yếu tố cảng biển và du lịch. 

một phần vũng tàu
Một phần Vũng Tàu.

Vị trí địa lý

Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí địa lý như sau:

  • Phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai
  • Phía Nam giáp biển Đông
  • Phía Tây giáp TP.HCM
  • Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và biển Đông

Hành chính

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, trong đó có 2 thành phố là thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, 1 thị xã là thị xã Phú Mỹ và 5 huyện: Côn Đảo, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc.

Theo số liệu thống kê tính đến ngày 1/4/2019, dân số toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 1.148.313 người, mật độ dân số đạt 556 người/km2, tỷ lệ tăng dân số 1 ‰, 58,4% dân số sống ở đô thị và 41,6 dân số sống ở nông thôn.

bản đồ hành chính Bà Rịa - Vũng Tàu
Bản đồ hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lịch sử

Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất được khai phá và xây dựng cách đây hơn 300 năm.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng là vùng đất của thành Gia Định, được lưu dân người Việt từ miền Trung vào khai phá từ thời nhà Nguyễn năm 1698.

Năm 1895, thực dân Pháp tách phần đất của thành phố Vũng Tàu ngày nay để lập thành phố Cap Saint Jacques.

Năm 1945, chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Cáp (bao gồm Bà Rịa và Vũng Tàu ngày nay).

Năm 1967, thành lập tỉnh Bà Rịa – Long Khánh.

Năm 1980, thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.

Ngày 12/8/1991, chính thức thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi mới thành lập, Bà Rịa – Vũng Tàu gồm thành phố Vũng Tàu (tỉnh lỵ) và 4 huyện Xuyên Mộc, Long Đất, Côn Đảo, Châu Thành. Trải qua nhiều lần chia tách, chuyển đổi, Bà Rịa Vũng Tàu có 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện như hiện nay.

Tình hình phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Nói đến kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu, trước hết phải kể đến tiềm năng dầu khí. Tỉnh có 93% tổng trữ lượng dầu mỏ, 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước, được Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống cảng biển quốc gia và quốc tế hiện đại. Xuất khẩu dầu đóng góp một phần đáng kể trong GDP của Bà Rịa – Vũng Tàu.

giàn khoan dầu khí vũng tàu
Vũng Tàu được đánh giá là căn cứ địa quan trọng của ngành dầu khí.

Bên cạnh đó, Bà Rịa còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước. Nhà máy điện Bà Rịa và trung tâm điện lực Phú Mỹ chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước. Về công nghiệp nặng có sản xuất thép, sản xuất clinker, polyetylen, phân đạm. Về cảng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang là trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam Bộ. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều cảng biển nhất Việt Nam, nằm gần đường hàng hải quốc tế, là cửa ngõ giao thương của khu vực miền Nam và Việt Nam.

Về du lịch, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước với nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu du lịch lớn và khách sạn hạng sang.

Tính đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút 301 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 27 tỷ USD và 450 dự án đầu tư trong nước với hơn 244.000 tỷ đồng. Tổng giá trị GRDP của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 5.872 đô la Mỹ. Đây cũng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại Việt Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó công nghiệp – xây dựng chiếm 68,7%, dịch vụ 24,5%, nông lâm ngư nghiệp 5,8% (năm 2012).

Trên địa bàn tỉnh có các khu công nghiệp sau:

  • KCN Long Sơn
  • KCN Hòa Long
  • KCN Sonadezi Châu Đức
  • KCN Phú Mỹ III
  • KCN Đá Bạc
  • KCN Phú Mỹ I
  • KCN Đông Xuyên
  • KCN Mỹ Xuân A
  • KCN Mỹ Xuân A2
  • KCN Mỹ Xuân B1 – CONAC
  • KCN Cái Mép
  • KCN Phú Mỹ II
  • KCN Mỹ Xuân B1 – Tiến Hùng
  • KCN Mỹ Xuân B1 – Đại Dương
  • KCN Long Hương
  • KCN Đất Đỏ 1
  • Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn

Ngoài ra còn có 29 cụm công nghiệp phân bố tại các thành phố, huyện trong tỉnh.

Giao thông vận tải

Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong số ít địa phương sở hữu đủ các loại hình giao thông vận tải quan trọng như cao tốc, cảng biển, sân bay, đường sắt…

Về đường bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh kết nối các huyện với nhau. Quốc lộ 51A quy mô 8 làn xe chạy qua tỉnh dài gần 50km, kết nối với huyện Cần Giờ (TP.HCM). Trong tương lai sẽ có thêm cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu 6 làn xe chạy song song với quốc lộ 51A, quốc lộ 55A từ Hàm Tân đi Bà Rịa, quốc lộ 56 từ Long Khánh đi Bà Rịa, quốc lộ 55 đi Bình Thuận, cầu Phước An nối tỉnh với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đường 991B. Ngoài ra còn có các tuyến đường tỉnh 991C, 995A, 995B, 992A, 995C và nhiều tuyến đường huyện. Từ TP.HCM đi Vũng Tàu có nhiều tuyến xe chất lượng cao, thời gian chạy từ 2-4 giờ. Đây đều là những công trình trọng điểm giúp Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống cảng Mép Cái – Thị Vải đang thi công.


Quốc lộ 51A, đoạn qua thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Về đường sông, tỉnh có nhiều sông lớn, nhỏ thuận lợi cho giao thông thủy và hệ thống liên cảng tạo điều kiện cho thành phố xây dựng cảng cá, cảng trung chuyển hàng hóa. Hệ thống cảng biển lớn, tập trung chủ yếu trên sông Thị Vải. Từ Vũng Tàu có thể đến TP.HCM bằng tàu cánh ngầm, chạy mất 1 giờ 15 phút.

Về hàng không có sân bay Vũng Tàu, chủ yếu phục vụ cho máy bay trực thăng thăm dò khai thác dầu khí. Sân bay quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng chỉ cách Vũng Tàu 70km. Ngoài ra còn có sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo.

Về đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đang trình Bộ Giao thông vận tải kêu gọi đầu tư nước ngoài vào dự án đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song quốc lộ 51 qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Bến Đình – Sao Mai.

Về xe buýt có các tuyến 04, 08, 15, 22, 606, 611 kết nối trong tỉnh và liên tỉnh.

Giáo dục

Về giáo dục phổ thông, tính đến ngày 8/9/2015, Bà Rịa – Vũng Tàu có 505 trường học cấp phổ thông, trong đó 31 trường trung học phổ thông, 92 trường trung học cơ sở, 184 trường tiểu học. Ngoài ra còn có 198 trường mẫu giáo. Hệ thống các cơ sở giáo dục này đã góp phần nâng cao dân trí, giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh.

Về giáo dục bậc đại học, trên địa bàn tỉnh có 1 trường đại học là Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đào tạo đa ngành.

Y tế

Theo thống kê năm 2011, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 98 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 10 bệnh viện, 6 phòng khám đa khoa khu vực, 82 trạm y tế phường xã với 1.445 giường bệnh, 480 bác sĩ, 363 y sĩ, 644 y tá và khoảng 261 nữ hộ sinh.

Phát triển đô thị

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 2 quy hoạch vùng huyện, 11 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, 59 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Bà Rịa – Vũng Tàu được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, đô thị vệ tinh của TP.HCM. Trong tương lai, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm, phát triển các đô thị như Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và hình thành các đô thị chuyên ngành mới.

Định hướng đến năm 2025, toàn tình có 14 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu, 3 đô thị loại III gồm Long Điền - Long Hải, Côn Đảo và Phú Mỹ, 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Dự kiến, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 70%.

Thị trường bất động sản

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hội tụ đủ 5 yếu tố quan trọng để đầu tư bất động sản, bao gồm hạ tâng giao thông cơ bản, cảng biển nước sâu lớn nhất Đông Nam Á, lợi thế từ sân bay quốc tế Long Thành, có nhiều khu công nghiệp lớn và du lịch phát triển. Vì thế, dù là tỉnh có thị trường bất động sản đi sau so với các địa phương khác nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư kinh doanh địa ốc trong vài năm trở lại đây. Thực tế cho thấy, các thông tin về xây dựng cao tốc, sân bay cùng các công trình giao thông liên kết vùng trong khu vực phía Nam đã hâm nóng thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giao thông kết nối liên vùng, du lịch phát triển cũng là đòn bẩy giúp địa phương phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, condotel, shophouse biển, biệt thự nghỉ dưỡng, đất nền ven biển là những sản phẩm được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Ngoài yếu tố về hạ tầng và du lịch, những lợi thế về khu công nghiệp đã mở ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản của tỉnh. Minh chứng là các sản phẩm đất nền liền kề khu công nghiệp có sức hút rất lớn đối với giới đầu tư.

Với lợi thế từ hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp và du lịch, bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu có rất nhiều tiềm năng. Giá đất tại đây luôn giữ ở mức tăng trưởng ổn định. Theo dữ liệu lớn của TinNhaDatVN.Com, giá rao bán đất nền tại các khu vực Bà Rịa, Long Điền và Xuyên Mộc trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Không chỉ nhà đầu tư đến từ khu vực TP.HCM mà các nhà đầu tư ngoài Bắc, cụ thể là tại Hà Nội cũng dành nhiều sự quan tâm cho thị trường này.

Khánh An (tổng hợp)