Thuận Thành là một huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, nằm ở phía Nam sông Đuống. Thuận Thành nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam và của nền văn minh lúa nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất Thuận Thành đã tích lũy những giá trị văn hóa rất riêng, giàu tính nhân văn và đậm đà bản sắc.
Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa.
Vị trí địa lý
Huyện Thuận Thành nằm ở phía Nam tỉnh Bắc Ninh, huyện lỵ là thị trấn Hồ, cách thành phố Bắc Ninh 15km về phía Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 27km, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp huyện Gia Bình và huyện Lương Tài
- Phía Tây giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội)
- Phía Nam giáp huyện Văn Lâm (Hưng Yên) và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương)
- Phía Bắc giáp huyện Tiên Du và huyện Quế Võ
Huyện có diện tích tự nhiên 117,3km2, dân số khoảng 181.047 người (số liệu năm 2019). Với diện tích như vậy, Thuận Thành là đơn vị hành chính cấp huyện rộng thứ hai ở tỉnh Bắc Ninh, chỉ sau huyện Quế Võ.
Vị trí địa lý huyện Thuận Thành.
Lịch sử hình thành
Thuận Thành là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của dân tộc Việt. Thuận Thành từng là trung tâm cư trú của người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ thời nhà nước Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, Quận trị của quận Giao Chỉ được đặt tại thành Luy Lâu (thuộc Thuận Thành ngày nay). Đến năm 966, Lý Khuê giữ Siêu Loại (thuộc Thuận Thành) làm một trong 12 sứ quân.
Đầu thế kỷ 19, thời nhà Nguyễn, huyện Thuận Thành bao gồm phần đất thuộc các tổng Mỹ Tự, Lạc Thổ, Thượng Mão, Liễu Lâm, Đình Tổ… của huyện Siêu Loại và tổng Cổ Biên (thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc).
Sau năm 1945, bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện. Thuận Thành khi đó có 22 xã. Đến ngày 20/4/1961, một số xã thuộc huyện Thuận Thành trước đó được sáp nhập về Hà Nội.
Ngày 9/2/1966, hợp nhất 2 xã Tú Hồ và Bắc Hồ thành xã Song Hồ, hợp nhất xã Gia Định và Đông Côi thành xã Gia Đông, hợp nhất xã Hoài Đức và Thượng Mão thành Hoài Thượng, hợp nhất xã Quyết Định và Thuận Đức thành Ninh Xá. Ngày 1/8/1980, chuyển xã An Bình của huyện Gia Lương về huyện Thuận Thành.
Ngày 18/2/1997, thành lập thị trấn Hồ là thị trấn huyện lỵ của Thuận Thành trên cơ sở 261,45 ha diện tích tự nhiên và dân số 4.988 người của xã Song Hồ, 233,36 ha diện tích tự nhiên và dân số 3.009 người của xã Gia Đông. Huyện Thuận Thành có 1 thị trấn và 17 xã như hiện nay.
Ngày 31/12/2020, đô thị Hồ mở rộng (gồm 1 thị trấn và 17 xã thuộc huyện Thuận Thành) được công nhận là đô thị loại IV.
Hành chính
Huyện Thuận Thành có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Hồ (huyện lỵ) và 17 xã: Xuân Lâm, Trí Quả, Trạm Lộ, Thanh Khương, Song Liễu, Song Hồ, Ninh Xá, Nguyệt Đức, Ngũ Thái, Nghĩa Đạo, Mão Điền, Hoài Thượng, Hà Mãn, Gia Đông, Đình Tổ, Đại Đồng Thành, An Bình.
Bản đồ hành chính huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Kinh tế - xã hội huyện Thuận Thành
Tiềm năng phong phú, tài nguyên đa dạng cùng truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời… mang lại cho Thuận Thành lợi thế phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp. Ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện khuyến khích dồn điền đổi thửa theo từng mô hình, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa năng suất, lúa chất lượng cao. Về công nghiệp, trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, 2 khu công nghiệp tập trung với nhiều doanh nghiệp thuê đất, đầu tư làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đến nay, huyện đã quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp: KCN Thuận Thành 3 (440 ha), KCN Thuận Thành 2 (250 ha), KCN Thuận Thành 1 (250 ha, đang quy hoạch), cụm công nghiệp Thanh Khương (11,38 ha), cụm công nghiệp Xuân Lâm (49,48 ha).
Năm 2008, chợ trung tâm huyện Thuận Thành được khởi công xây dựng trên diện tích 1,4 ha với 200 ki ốt, có hệ thống điện nước, chiếu sáng, camera giám sát.
Về văn hóa – xã hội, Thuận Thành quan tâm gìn giữ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức lễ hội theo đúng quy định, văn minh, đậm nét văn hóa truyền thống. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn huyện cũng được quan tâm.
Ở Thuận Thành có nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, có thể kể đến như làng tranh Đông Hồ, mây tre đan thôn Cả, đúc đồng Đài Viên. Hiện chỉ còn rất ít làng nghề vẫn duy trì hoạt động, chủ yếu thuộc nhóm chế biến thực phẩm như nem bì, đậu phụ, bánh cuốn…
Những năm qua, đặc biệt là năm 2018, Thuận Thành đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018, tổng sản phẩm địa phương ước đạt 5.956,089 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 10%, tăng 0,5% so với năm 2017, tăng 0,4% so với kế hoạch đề ra. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng 48,5%; nông, lâm, thủy sản 10,2%; dịch vụ 40,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,3 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 ước đạt 1.090,765 tỷ đồng, đạt 244% so với dự toán ban đầu. Thu ngân sách địa phương ước đạt 2.241,273 tỷ đồng, đạt 310% so với dự toán ban đầu.
Theo quy hoạch đã được duyệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện đạt từ 9,5%/năm.
Phát triển đô thị
Trên địa bàn huyện có nhiều dự án đô thị mới và khu dân cư như: Khu ĐTM Thuận Thành 3 (Gia Đông), Khu ĐTM Thuận Thành 2 (Thị trấn Hồ), Khu dân cư phía Bắc Thị trấn Hồ, Khu dân cư xã An Bình, Khu ĐTM Đức Việt (Gia Đông), Khu ĐTM Khai Sơn (Xuân Lâm), Khu ĐTM Hồng Hạc (Xuân Lâm)… góp phần nâng cấp hạ tầng giao thông cho toàn huyện để kết nối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị và các xã, thị trấn với nhau và với các địa phương khác, nhằm thúc đẩy thị trường cho các doanh nghiệp trong huyện.
Thuận Thành đang từng bước xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang, kết hợp với các dự án phát triển hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đã và đang được thực hiện, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho đô thị Thuận Thành trong giai đoạn phát triển. Điển hình như một số dự án đầu tư, chỉnh trang đô thị: đường giao thông đoạn từ bờ Nam kênh Bắc vào khu nghĩa trang trại xã Song Hồ, nhà làm việc liên cơ quan, trường Vũ Kiệt, đường Đại Đồng Thành – Nguyệt Đức, nắn dòng chảy tuyến sông Đông Côi – Đại Quảng Bình… Hệ thống hạ tầng giao thông cũng được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, tiêu biểu là đường Âu Cơ đi quốc lộ 38, đường từ quốc lộ 38 đi TL276, đường Siêu Loại kéo dài, đường từ xã Trí Quả đi KCN Khai Sơn… Công tác vệ sinh môi trường được cải thiện, rác thải được thu gom và xử lý nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho đô thị.
Nhằm sớm hoàn thiện mục tiêu đưa Thuận Thành trở thành thị xã trong năm 2022, Thuận Thành đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu trong bảng đánh giá đô thị loại IV như khu thể thao, cơ sở y tế cấp đô thị, nhà máy xử lý nước thải, công trình chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu số 1 thuộc phạm vi hành chính các xã Gia Đông, An Bình, Trạm Lộ và phân khu 1/2000 khu phía Tây, Tây Bắc huyện.
Đến nay, 17/17 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, theo hướng phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, giải quyết việc làm, chú trọng công tác an sinh xã hội…
Giáo dục
Trường Đại học, trung cấp:
- Trường đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân (T36) - Bộ Công an
- Trường đại học Công nghiệp - Dệt may thời trang Hà Nội Cơ sở 2
- Trường trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành [7]
- Trung cấp nghề Thuận Thành
Trường THPT:
- Trường THPT Thuận Thành số 1
- Trường THPT Thuận Thành số 2
- Trường THPT Thuận Thành số 3
- Trường THPT Kinh Bắc
- Trường THPT Thiên Đức
Trường THCS
- Trường THCS Vũ Kiệt là trường năng khiếu của huyện
- Trường THCS Nguyễn Thị Định là chi hội hữu nghị Việt Nam - Cuba
- Trường THCS Thị Trấn Hồ
- Trung tâm GDTX huyện Thuận Thành
- Trường THCS An Bình
- Trường THCS Hoài Thượng
- Trường THCS Hà Mãn
- Trường THCS Mão Điền
- Trường THCS Nghĩa Đạo
- Trường THCS Nguyễn Gia Thiều
- Trường THCS Nguyệt Đức
- Trường THCS Ninh Xá
- Trường THCS Song Hồ
- Trường THCS Song Liễu
- Trường THCS Thanh Khương
- Trường THCS Trí Quả
- Trường THCS Trạm Lộ
- Trường THCS Xuân Lâm
- Trường THCS Đình Tổ
- Trường THCS Đại Đồng Thành
Trường tiểu học:
- Trường tiểu học Gia Đông số 1
- Trường tiểu học Hoài Thượng
- Trường tiểu học Mão Điền số 1
- Trường tiểu học Nghĩa Đạo
- Trường tiểu học Nguyễn Lượng Thái
- Trường tiểu học Nguyệt Đức
- Trường tiểu học Song Hồ
- Trường tiểu học Thanh Khương
- Trường tiểu học Thị trấn Hồ số 1
- Trường tiểu học Trạm Lộ
- Trường tiểu học Đình Tổ số 1
- Trường tiểu học Đại Đồng Thành số 1
- Trường tiểu học Gia Đông số 2
- Trường tiểu học Hà Mãn
- Trường tiểu học Mão Điền số 2
- Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều
- Trường tiểu học Nguyễn Quang Bật
- Trường tiểu học Ninh Xá
- Trường tiểu học Song Liễu
- Trường tiểu học Thị trấn Hồ số 2
- Trường tiểu học Trí Quả
- Trường tiểu học Xuân Lâm
- Trường tiểu học Đình Tổ số 2
- Trường tiểu học Đại Đồng Thành số 2
Trường mầm non:
- Trường mầm non An Bình
- Trường mầm non Gia Đông số 1
- Trường mầm non Gia Đông số 2
- Trường mầm non Hoài Thượng số 1
- Trường mầm non Hoài Thượng số 2
- Trường mầm non Hà Mãn
- Trường mầm non Mão Điền
- Trường mầm non Nghĩa Đạo
- Trường mầm non Nguyệt Đức
- Trường mầm non Ngũ Thái
- Trường mầm non Ninh Xá số 1
- Trường mầm non Ninh Xá số 2
- Trường mầm non Song Hồ
- Trường mầm non Song Liễu
- Trường mầm non Thanh Khương
- Trường mầm non Thị trấn Hồ
- Trường mầm non Trí Quả
- Trường mầm non Trạm Lộ
- Trường mầm non Xuân Lâm
- Trường mầm non công ty Tam Thiên Mẫu
- Trường mầm non liên cơ
- Trường mầm non Đình Tổ số 1
- Trường mầm non Đình Tổ số 2
- Trường mầm non Đại Đồng Thành số 1
- Trường mầm non Đại Đồng Thành số 2
Hệ thống y tế
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Ninh Xá) là nơi chăm sóc các thương binh loại 1, hiện đang chăm sóc 110 thương binh nặng.
Trung tâm y tế huyện Thuận Thành (Gia Đông) thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện, từng là nơi đặt bệnh viện dã chiến số 3 của tỉnh Bắc Ninh để tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19.
Giao thông
Trên địa bàn huyện có 2 tuyến quốc lộ là QL17 và Ql38 chạy qua, các đường tỉnh 280, 281, 285B, 283 cùng gần 41km đường huyện, 85,2km đường trục xã, hơn 460km đường thôn xóm và gần 344km giao thông nội đồng được bê tông hóa, trải nhựa appan...
Các trục đường chính:
- Quốc lộ 38: Cầu Hồ (thị trấn Hồ) - ngã tư Đông Côi - ngã ba Chẹm (Trạm Lộ) - Ninh Xá - Nghĩa Đạo
- Quốc lộ 17: Ngã ba Bắc Hà (Xuân Lâm) - Công Hà (Hà Mãn) - ngã tư Cầu Dâu (Thanh Khương) - Gia Đông - ngã tư Đông Côi - An Bình
- Tỉnh lộ 280: Đình Tổ - Đại Đồng Thành - Song Hồ - Hoài Thượng - Mão Điền
- Tỉnh lộ 281: Cầu Gáy (Nguyệt Đức) - Cầu Chè - Trung tâm điều dưỡng thương binh - giao quốc lộ 38 (Ninh Xá)
- Tỉnh lộ 282B
- Tỉnh lộ 283: Cầu Liễu Khê (Song Liễu) - Ngũ Thái - Máng Đông Cốc (Hà Mãn) - ngã tư Cầu Dâu (Thanh Khương) - Dàn (Trí Quả) - ngã ba Bút Tháp (xã Đình Tổ)
- Các trục liên xã
- Các trục liên thôn
- Đường nội bộ KCN, CCN, KĐT
Các đường phố chính:
- Kinh Dương Vương
- Lạc Long Quân
- Âu Cơ
- Siêu Loại
- Hai Bà Trưng
- Tô Quyền
- Vương Văn Trà
- Nguyễn Chí Tố
- Thiên Đức
- Nguyễn Cự Đạo
- Nguyễn Quang Bật
- Dương Như Châu
Bất động sản Thuận Thành
Xét về vị trí, Thuận Thành có vị trí thuận lợi khi cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25km về phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng hơn 10km, tiếp giáp các huyện Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài và thủ đô Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Xét về kinh tế, Thuận Thành từ một địa phương thuần nông nghiệp đang vươn mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị có diện tích lớn. Nền kinh tế theo cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp. Năm 2020, đô thị Hồ mở rộng (gồm 1 thị trấn và 17 xã của Thuận Thành) được công nhận là đô thị loại IV vào năm 2020, Thuận Thành được coi là thị xã vệ tinh của thành phố Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội. Các yếu tố về vị trí, kinh tế, hệ thống đồng bộ hóa từ giao thông đến cơ sở hạ tầng.
Đô thị Hồ mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Với chính sách quy hoạch, định hướng phát triển đúng đắn, Thuận Thành đã và đang thu hút các cụm khu công nghiệp, góp phần tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Quá trình di cư cơ học kéo theo nhu cầu về nhà ở, kinh doanh bán lẻ vì thế mà tăng lên. Vài năm trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư uy tín cùng các dự án lớn đã được triển khai tạo sức nóng cho thị trường bất động sản Thuận Thành. Thị trường nhà đất Thuận Thành khá đa dạng về sản phẩm: đất thổ cư, đất nền khu công nghiệp, đất nền dự án khu đô thị, đất nền chợ trung tâm, phòng trọ gần các khu công nghiệp. So với mặt bằng chung thì giá đất ở Thuận Thành không thua kém các địa phương đang phát triển, dao động từ vài triệu đồng mỗi m2 đến vài chục triệu đồng mỗi m2 tùy loại hình sản phẩm, vị trí và các tiện ích xung quanh. Chẳng hạn, nhà đất ở thị trấn Hồ và đất nền ở các khu đô thị sẽ cao hơn các vùng khác. Do đặc thù của thị trường bất động sản tỉnh lẻ, người dân chưa được cung cấp thông tin đầy đủ và chính thống về các dự án mà việc mua bán, tiếp cận thông tin qua kênh "truyền miệng" là chủ yếu. Mặt khác, hầu hết các dự án tại huyện Thuận Thành đều có tiến độ thanh khoản chậm, ra sổ lâu.
Khánh An (tổng hợp)