Mất tiền tỷ mua chung nhà, đất “ảo”
Đánh vào tâm lý chủ quan, nôn nóng của người đi mua nhà, đất, nhiều cá nhân đã có chủ đích lừa đảo bán một căn nhà, miếng đất cho nhiều người để chiếm đoạt tiền của họ. Tháng 2 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can liên quan đến vụ án một căn hộ lừa bán cho nhiều người xảy tại chung cư La Bonita (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bà Vương Thị T. cho biết, bà mua căn hộ và 1 sàn thương mại trị giá hơn 20 tỷ đồng tại La Bonita. Tuy nhiên, sau một thời gian, bà T. phát hiện số tài sản này đã bị chủ đầu tư của khu chung cư bán cho nhiều người khác bằng cách đổi số tầng và tên căn hộ.
Sau đó, bà T cùng nhiều người khác đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư chung cư La Bonita. Trong đơn tố cáo, nhiều người cho biết họ đã đóng toàn bộ tiền mua nhà. Người ít thì trên dưới 3 tỷ đồng, người nhiều thì lên tới hơn 20 tỷ đồng, hiện đều rơi vào cảnh tranh chấp quyền sở hữu.
Không ít khách hàng do nhẹ dạ cả tin nên bị "mắc bẫy" một sổ đỏ bán cho nhiều người. Ảnh minh họa: Internet
Tuy chưa bị lừa đến cả tỷ đồng như những nạn nhân trong vụ việc trên, nhưng không ít người dân cũng bị mất tiền oan khi đặt cọc mua một ngôi nhà, mảnh đất mà không hề biết rằng kẻ lừa đảo đã bán cho nhiều người cùng lúc. Tháng 3/2020, ông L.Q.N. (TP Biên Hòa) gửi đơn tố cáo ông T.T.G. (Dĩ An, Bình Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đã làm thủ tục bán 106m2 đất ở phường Phước Tân cho mình, nhưng cuối cùng lại chuyển nhượng cho người khác. Ông N. dù biết thửa đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng vẫn chấp nhận mua dưới hình thức “lập hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng, đăng ký quyền sử dụng đất”. Lợi dụng kẽ hở này, ông G. đã làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất đã bán cho ông N. cho người khác.
Vì đâu “sập bẫy” lừa?
Trao đổi với TinNhaDatVN.Com, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Trường hợp một sổ đỏ lừa bán cho nhiều người như trên thường xảy ra khi người bán có những khoản nợ vượt ngoài khả năng trả nên muốn rao bán nhà đất nhưng chỉ muốn người mua đặt cọc trước một khoản tiền (thường thì người bán yêu cầu đặt cọc một số tiền lớn). Mặt khác, người mua có thể do nhận thức pháp luật hạn chế, tâm lý hám rẻ, vì lợi ích trước mắt nên bỏ qua quy trình, thủ tục chuyển nhượng đất đai”.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Luật TGS).
Đó là chưa kể có không ít trường hợp ngay từ đầu người mua đã biết mảnh đất chưa đầy đủ giấy tờ pháp lý nhưng vẫn nhẹ dạ cả tin, không muốn bỏ lỡ cơ hội mua nhà, đất giá rẻ nên liều lĩnh "xuống tiền", tạo sơ hở cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bàn về thực trạng trên, thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy (Phó Chánh án TAND huyện Đức Hòa, Long An) từng khẳng định: "Việc công an có khởi tố hình sự phía người bán hay không chỉ là xử lý phần ngọn, khi hậu quả đã xảy ra rồi. Cái gốc để giải quyết tình trạng này phải bắt đầu từ ý thức của người đi mua đất. Nếu họ cẩn thận, làm đúng quy định thì khó có ai mà lừa được".
Vì vậy, để tránh rơi vào tình huống này, người mua cần tỉnh táo vào yêu cầu người bán xuất trình trước bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi đặt cọc. “Do các bên chỉ tiến hành đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên khi xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Người mua nên đặt cọc số tiền không quá 10% giá trị chuyển nhượng nhà đất và thời gian từ khi đặt cọc đến khi các bên tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng tối đa không quá 1 tháng. Khi phát hiện bị lừa bán một sổ đỏ cho nhiều người để chiếm đoạt tiền cọc, người mua nên tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này đến cơ quan công an, đề nghị điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự bên bán khi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết.
Linh Phương (TH)