Mua bán bất động sản: Tưởng chắc ăn vẫn bị lừa!

Mua bán đất đai là những giao dịch có giá trị lớn. Vì vậy để chắc chắc, nhiều người mua đã cẩn thận kiểm tra thông tin ngôi nhà, mảnh đất sắp mua tại Văn phòng quản lý đất đai và tiến hành giao dịch tại Văn phòng công chứng,… thế nhưng chỉ vì một chút bất cẩn nên cuối cùng vẫn bị ăn cú lừa!

Sau nhiều năm tích cóp, đầu năm 2019, anh T. (Mê Linh, Hà Nội) quyết định tìm mua nhà. Sau một thời gian tìm kiếm khắp các trang mạng về mua bán nhà đất, cuối cùng anh cũng tìm được căn nhà ưng ý. Đặc biệt là anh có thể giao dịch trực tiếp với chủ nhà mà không cần qua trung gian. Căn nhà rộng 35m2, ở phố Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai (Hà Nội), gần nơi anh làm việc, có giá bán 1,87 tỷ đồng. Chủ căn nhà anh định mua nói sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng nên đang không giữ sổ gốc, chỉ có bản photo. Để chắc chắn, anh T. còn cầm bản photo sổ đỏ đến phòng Tài nguyên Môi trường quận kiểm tra xem căn nhà có bị vướng quy hoạch hoặc giải thể gì không. Khi cán bộ khẳng định ngôi nhà không vướng dự án nào, anh T. hoàn toàn yên tâm và ra phòng công chứng giao dịch mua bán. Vì tin tưởng bản photo sổ đỏ lần trước là chính xác nên anh chỉ nhìn lướt qua sổ gốc một lượt rồi ký hợp đồng mua bán. Đến khi nhận giấy tờ nhà, anh nhìn thấy tên mình ở bìa thứ nhất là yên tâm nên cũng không chú ý đến thông tin bên trong.

Ở căn nhà đó được khoảng 1 năm thì gia đình anh có ý định đập đi và xây mới lại. Tới khi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng anh mới ngã ngửa vì mặt tiền ngôi nhà nằm trong quy hoạch lộ giới hẻm tới 12m. Như vậy phần nhà không dính lộ giới chỉ còn 23m2. Lúc này anh T. mới nhận ra thông tin trên bản photo sổ đỏ anh xem và ngôi nhà anh mua là hoàn toàn khác nhau. 

“Cứ đinh ninh đem bản photo sổ đỏ lên phòng Tài nguyên Môi trường kiểm tra là đã chắc ăn, ai ngờ người bán đã cố tình xóa hết phần lộ giới đất, đổi địa chỉ cũng như tọa độ mảnh đất để lừa đảo”, anh T. rầu rĩ nói.


Thực tế, rất nhiều thửa đất, căn nhà bị chỉnh sửa, giả mạo giấy tờ hòng qua mắt
công chứng viên khiến người mua nhà điêu đứng

Một trường hợp khác, ông M. (TP.HCM) mua một thửa đất trên đường Phan Văn Hớn (Q.12) với giá 1,6 tỉ đồng thông qua 1 “cò” đất. Trước khi mua, “cò” đất này đưa ông đến tận nơi xem đất, sau đó chở đi gặp chủ đất để thương lượng giá cả. Sau đó, thủ tục mua bán diễn ra tại một phòng công chứng tại Q.Bình Tân. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, ông M. trả hết tiền mua đất cho người bán. Khoảng 1 tháng sau, ông M. đi đóng thuế và đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.12 đăng ký sang tên thì được công chứng viên thông báo thửa đất đã được chuyển nhượng cho người khác. Hiện người mua đã cập nhật tên trong sổ đỏ. Còn toàn bộ giấy tờ nhà đất mà người bán đất đưa cho ông M. là giả. Ông lập tức gọi điện cho người đã bán đất cho mình nhưng không được.

Trường hợp bị lừa như anh T. và ông M. không phải hiếm. Thực tế, rất nhiều thửa đất, căn nhà bị chỉnh sửa, giả mạo giấy tờ hòng qua mắt công chứng viên khiến người mua nhà điêu đứng. 

Nếu như giấy tờ làm giả hoàn toàn có thể dễ dàng bị phát hiện thì những sổ đỏ làm giả trên phôi thật tức "vừa giả vừa thật" thì càng khó nhận biết hơn. Để tránh rơi vào những tình huống như trên, người mua nên kiểm tra thật kỹ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu chủ nhà nói sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng, người mua có thể đề nghị được xem ảnh chụp bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó kiểm tra lại thông tin chính xác từ văn phòng quản lý đất đai. Thậm chí để chắc chắn, cần tìm hiểu thêm thông tin về nhân thân của chủ đất.

Bên cạnh đó, để hạn chế “nạn” sổ đỏ giả, các chủ sở hữu đất cũng cần lưu ý: Khi bị mất sổ đỏ, phải lên cơ quan Công an xã, thị trấn để trình ngay, đồng thời làm thủ tục xin cấp mới. Hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng làm giả. 

Hà Nhung

>>Mua nhà đất qua giấy ủy quyền: Dễ mất trắng như chơi!
>>Tưởng mua được nhà giá hời, không ngờ lại gặp "siêu lừa"
>>Làm thế nào để tránh sập bẫy đánh tráo sổ đỏ?