Để trả lời câu hỏi trên, TinNhaDatVN.Com tổng hợp những mẩu chuyện, kinh nghiệm thực tế dựa trên 2 quan điểm, góc nhìn trái chiều để giúp bạn đọc lựa chọn và đưa ra quyết định phù hợp trong giai đoạn hiện nay:
Quan điểm 1: Ở trọ, dùng tiền đầu tư chứ không thuê nhà
Là một nhà đầu tư, anh Trần Thanh tính toán, khi kinh tế đang khó khăn, thị trường bất động sản gần như đóng băng giao dịch, thị trường cho thuê trầm lắng, thuê nhà sẽ kinh tế hơn mua... Ngoài ra, tại Việt Nam, loại hình nhà cho thuê cũng khá đa dạng, giá phải chăng, kinh tế hơn nhiều so với việc mua nhà vì giá nhà đất rất đắt đỏ. Nếu đang có 4 tỷ đồng, anh Thanh khuyên nên gửi ngân hàng, một năm có thể thu về số tiền lãi khoảng hơn 200 triệu đồng, thoải mái để thuê nhà. Chẳng hạn tại Hà Nội, một ngôi nhà có giá trị 4 tỷ đồng sẽ có giá thuê khoảng 10-15 triệu đồng, tổng tiền thuê nhà 1 năm là 180 triệu đồng.
Với những người có khả năng kinh doanh thì số tiền vốn 4 tỷ còn có thể giúp tạo ra khoản sinh lời tốt hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Anh Thanh tự tin có thể đầu tư sinh lời được 400 triệu đồng/năm từ số vốn này. Trong khi đó, nếu như mua nhà, tiền sẽ bị chôn một chỗ và muốn làm ăn sẽ phải đem ngôi nhà đi thế chấp vay ngân hàng, chịu thêm tiền lãi. Một ưu điểm nữa khi ở nhà thuê là sự tiện lợi khi muốn chuyển chỗ ở phù hợp với công việc, nhu cầu khác nhau... Thuê nhà ở gần chỗ làm giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, trong khi rất khó tìm mua được một ngôi nhà đáp ứng được tiêu chí này, cũng không thể “di chuyển” được ngôi nhà khi có sự thay đổi về công việc...
Ở nhà thuê và dùng tiền tích lũy kinh doanh hoặc gửi ngân hàng là phương án được nhiều người trẻ lựa chọn. Ảnh minh họa
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Vân kể, năm 2006 chị giúp người bạn thuê một căn nhà 1,5 triệu ở Thủ Đức vừa ở vừa làm văn phòng kinh doanh Điện tự động công nghiệp. Năm 2007, việc kinh doanh tiến triển, thay vì mua nhà, người bạn này dùng số tiền có được mua một chiếc xe phục vụ công việc. Năm 2009, người bạn này vẫn chưa vội mua nhà mà tiếp tục thuê một ngôi nhà khác trong hẻm ở Thủ Đức để gia đình sinh sống. Nhưng đến năm 2014, với số tiền sinh lời từ việc kinh doanh, bạn của chị Vân đã có thể bỏ ra 14 tỷ mua và xây một căn biệt thự trên nền đất 500m2 cùng với nhiều tài sản có giá trị khác liên quan việc kinh doanh. Quan điểm chấp nhận ở nhà thuê, dùng tiền vốn kinh doanh thay vì vay thêm ngân hàng để mua nhà đã giúp người bạn của chị Vân vừa có nhiều bất động sản, vừa mở rộng được quy mô kinh doanh.
Quan điểm 2: Mua nhà để giữ tài sản và chờ tăng giá
“Phản pháo” lại quan điểm 1, anh Nguyễn Văn Bình cho rằng, kinh tế khủng hoảng, tiền trượt giá thì bất động sản vẫn là kênh giữ tiền an toàn nhất. Nhìn lại lịch sử phát triển của thị trường bất động sản, sau mỗi giai đoạn khủng hoảng giá nhà đất sẽ tăng rất nhanh... Cho dù ở giai đoạn ổn định thì giá nhà vẫn có xu hướng đi lên, chỉ giảm ở những nơi xảy ra sốt ảo trước đó. Nếu mua 1 căn nhà trị giá 4 tỷ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sau 3-5 năm mức tăng lên có thể đạt 6-7 tỷ đồng, thậm chí cao hơn mà lại không mất tiền thuê trọ. Không chỉ riêng Việt Nam, ở các thị trường khác trên thế giới, nhà đất không chỉ là nơi trú ẩn dòng tiền mà còn là kênh đầu tư sinh lời tốt.
Những người bảo thủ sẽ lựa chọn mua nhà thay vì đi thuê. Ngoài ra, giá nhà đất ngày càng tăng cũng khiến họ lo lắng sẽ ngày càng khó sở hữu nhà. Ảnh minh họa
Quan điểm của anh Bình cũng không phải không có lý. Anh Vũ Quốc Hưng đồng tình và cho biết, năm 2015 anh mua căn nhà ở Thủ Dầu Một giá 1,4 tỷ. Đến năm nay anh đã hoàn thành xong việc trả góp, tiền lãi mỗi tháng phải trả tương đương với tiền thuê trọ, nhưng ngôi nhà anh mua hiện được định giá khoảng 7 tỷ đồng. Anh Hưng tự nhủ, nếu anh không dám mạo hiểm vay ngân hàng để mua nhà mà mang ra kinh doanh có khi anh đã... cụt hết vốn!
Đưa ra so sánh cụ thể hơn, anh Minh Vương dẫn chứng, cách đây 6 năm, anh và một người bạn cùng có số vốn 1 tỷ đồng. Trong khi anh Vương mua đất quận 12 xây nhà ở thì người bạn của anh thuê nhà tại quận Gò Vấp, số tiền vốn gửi ngân hàng lấy lãi. Đến nay, bạn của anh Vương vẫn đang ở thuê căn nhà đó, tài khoản tiết kiệm vẫn là 1 tỷ, trong khi căn nhà anh Vương mua đã có giá gần 3,5 tỷ. Anh Vương cho rằng, mua nhà là quyết định sáng suốt, dù phải chấp nhận đi xa hơn nhưng tài sản vẫn tăng giá tốt. Hơn nữa, sở hữu ngôi nhà riêng sẽ được mua sắm, thiết kế theo ý mình, cuộc sống cũng có ý nghĩa hơn.
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Ngọc Sương