Nhiều năm trước, chỉ cần khoảng 900 triệu đồng-1 tỷ đồng, người mua nhà đã có thể sở hữu 1 căn 2 ngủ cách trung tâm thủ đô 15km thì đến nay, cùng khoảng cách, cùng tiêu chí 2 ngủ, số tiền đã lên tới 1,3-1,8 tỷ đồng/căn. Việc sở hữu một chốn an cư tại thành phố lớn ngày càng trở nên xa vời với đại bộ phận dân chúng vốn chỉ có khả năng chi trả nhà ở giá rẻ. Nhiều người trẻ mưu sinh tại các thành phố lớn đã chọn đầu tư bất động sản như một nỗ lực rút ngắn khoảng cách sở hữu nhà tại các đô thị.
Năm 2016, anh Vũ Văn Huân bắt đầu tìm mua chung cư Hà Nội với số tiền tích lũy 680 triệu đồng. Khi đó anh “ngắm” được một căn chung cư 2 ngủ có giá bán 1,05 tỷ đồng ở Hà Đông, cách chỗ anh làm 13km. Anh đã dự định xuống tiền nhưng sau một lần xuống dự án đúng giờ tan tầm, thấy đường tắc và xa quá, anh gác lại ý định mua nhà lại và quyết cày cuốc tích lũy thêm để có cơ hội chọn một căn gần trung tâm hơn.
Nhiều người trẻ mưu sinh tại các thành phố lớn đã chọn đầu tư bất động sản như một nỗ lực rút ngắn khoảng cách sở hữu nhà tại các đô thị (ảnh minh họa). |
Anh Huân cũng nhận ra nếu chỉ trông chờ vào mỗi việc tiết kiệm tiền từ thu nhập hiện tại thì ước mơ mua nhà gần trung tâm vẫn rất xa xôi. Anh bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư và chọn đầu tư bất động sản. Với số vốn khoảng 700 triệu đồng, anh nhờ một người bạn làm địa chính ở quê giới thiệu đất để đầu tư. Tháng 10/2016, bạn anh báo có đất đấu giá vị trí mặt tiền đường chính phù hợp với tích lũy của anh. Mảnh đất đấu giá nằm gần bệnh viện và trường học, tọa lạc ngay mặt tiền đường chính được anh mua với giá 750 triệu đồng. Quá trình đô thị hóa ở quê khiến mảnh đất tăng giá mạnh. Đến cuối năm 2019 đã có người trả anh 1,5 tỷ đồng lô đất đó nhưng anh không bán. Tháng 2/2020, anh quyết định bán lô đất đó với giá 1,7 tỷ đồng. Số tiền vợ chồng anh tiết kiệm được trong hơn 3 năm qua cộng với tiền bán đất và vay thêm ngân hàng 1 khoản không đáng kể đủ để mua một căn chung cư 3 tỷ ở Cầu Giấy.
Cũng như anh Huân, chị Hứa Thu Hồng và chồng dự định mua nhà vào năm 2015 khi sinh thêm bé thứ 2. Lúc đó, anh chị có 1 sổ tiết kiệm 400 triệu đồng tại ngân hàng nhưng với khoản tích lũy 400 triệu đồng khi đó, hai vợ chồng mệt mỏi khi phải nghĩ đến việc vay và trả nợ đến 70% giá trị ngôi nhà. Do đó, hai vợ chồng quyết định vẫn tiếp tục thuê nhà ở. Thay vì đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, cả hai tính đầu tư vàng hoặc chơi chứng khoán. Thế nhưng sau khi nhận ra vàng hay chứng khoán thiên nhiều về kĩ thuật, hai vợ chồng lại quay sang đầu tư đất.
Chị Hồng và chồng chọn mua một mảnh đất ở quê nội Bắc Ninh có giá gần 500 triệu đồng vào cuối năm 2015. Điều anh chị không ngờ tới là những năm kế tiếp thị trường bất động sản Bắc Ninh vô cùng sôi động do sự bùng nổ của nguồn vốn FDI với rất nhiều ông lớn đổ bộ về đây. Mảnh đất của chị tăng giá chóng mặt. Đến năm 2018, khi thị trường Bắc Ninh vẫn đang sốt nóng, mảnh đất 500 triệu được bán ra với giá 1,55 tỷ đồng. Sau khi bán xong mảnh đất này, vợ chồng chị còn đầu tư một mảnh đất khác cũng ở Bắc Ninh. Thế nhưng khi đó thị trường Bắc Ninh đã chững giá, hơn 1 năm sau khi bán ra để gom tiền mua nhà, anh chị chỉ thu được tiền lời hơn 100 triệu đồng. Theo chị Hồng, nếu so với gửi ngân hàng thì phi vụ đầu tư thứ 2 là lỗ. Cuối năm 2019, anh chị đã mua một căn hộ 2,2 tỷ đồng ở Hà Đông.
Theo nhà đầu tư Ngọc Minh (Đông Anh, Hà Nội), đầu tư bất động sản để gia tăng tích lũy là cách mà nhiều người trẻ chọn trước khi quyết định mua nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đầu tư thắng lợi. Bên cạnh những trường hợp thành công, ông Minh cũng đã gặp rất nhiều người trẻ vốn ít, kinh nghiệm ít, kiến thức yếu… vì ham làm giàu hay khát khao gia tăng thu nhập mà đổ tiền vào những lô đất không có tiềm năng hoặc vướng pháp lý, quy hoạch… khiến bản thân rơi vào tình cảnh đọng vốn hoặc mất trắng khoản đầu tư. Vì thế, theo ông Minh, đầu tư bất cứ lĩnh vực nào thì điều kiện tiên quyết không chỉ là vốn mà còn là kiến thức.
Duy Bách
Đầu tư đất có sổ đỏ, nhà đầu tư vẫn điêu đứng
Chung cư cao cấp “đua nhau” cắt lỗ sâu