Dưới đây là chia sẻ của Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1991) quê ở Hà Tĩnh về bí quyết mua nhà của mình:
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh lẻ, bố mẹ ngoài làm ruộng còn phải chăn nuôi, làm thuê để kiếm đủ tiền nuôi 3 anh em tôi học đại học. Biết hoàn cảnh gia đình không dư giả gì, thế nên, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính và đi làm với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng, tôi đã lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm thông minh và tìm cách gia tăng thu nhập để có thể sở hữu một căn hộ tại Thủ đô trước khi lập gia đình. Và sau 5 năm tôi đã hoàn thành được mục tiêu. Hiện giờ tôi đang chuẩn bị dọn vào căn nhà mới tại một dự án ở khu Thành Công (Quận Hoàng Mai, Hà Nội). Căn hộ có diện tích 74,6m2, giá bán 1,85 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền tiết kiệm của tôi có 1,6 tỷ đồng. Còn lại 250 triệu tôi vay hai anh trai.
Để có thể đạt được mục tiêu mua nhà trước khi lấy vợ, tôi đã áp dụng những bí quyết sau:
Kế hoạch ở trọ không mất tiền
Sau khi ra trường, tôi thuê một phòng trong căn nhà 5 tầng với giá gần 2 triệu đồng/tháng. Ở được một thời gian, tôi phát hiện ra chủ nhà cho thuê không phải chủ nhà gốc, mà là người thuê lại (kiểu kinh doanh nhà trọ). Tôi bỗng nảy ra ý tưởng hay là mình cũng làm cách tương tự như vậy, đi thuê cả căn nhà rồi cho thuê lại, tiền chênh lệch thu được bù đắp vào chi phí sinh hoạt hàng tháng, nhờ đó có thể tiết kiệm thêm được một khoản. Sau khoảng 1 tuần khảo sát nhà và giá nhà, tôi chọn thuê một căn nhà 4 tầng 1 tum, gồm 6 phòng ở Dịch Vọng, Cầu Giấy với giá 8 triệu đồng/tháng. Mức giá này tôi thấy khá ổn dù căn nhà ở trong ngõ nhỏ và ô tô không vào được. Để thuê toàn bộ căn nhà, tôi phải ký hợp đồng đặt cọc 1 tháng tiền nhà, nộp tiền thuê nhà 6 tháng một lần vào đầu kỳ. Hợp đồng thuê nhà xong xuôi, tôi dọn vào ở 1 phòng trên tầng 2, 5 phòng còn lại tôi rao cho thuê với giá 1,7 triệu đồng/phòng nhỏ, 2,2 triệu đồng/phòng lớn. Điện tính 4.000 đồng/kwh, nước 70.000 đồng/người. Tôi ưu tiên người đã đi làm và mỗi phòng cho ở tối đa 2 người.
Mất 1 tháng đầu tiên khách chưa vào ở kín, tôi phải bù tiền thuê nhà, sang tháng thứ 2 khách thuê hết 5 phòng, tôi bắt đầu có lãi từ khoản nhà trọ này. Hàng tháng, sau khi thu hết tiền trọ, tiền điện, tiền nước và trừ đi khoản phải chi ra, tôi dư ra tầm 3 triệu đồng (lời từ tiền nhà trọ, tiền chênh giá điện và nước). Như vậy coi như tôi vừa không mất tiền thuê nhà, lại vừa có thêm một khoản dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Thành công với kế hoạch ở trọ không mất tiền nên phần lớn tiền lương, thưởng tôi đều gửi tiết kiệm.
Từ hai bàn tay trắng, tôi đã tự mình mua được căn hộ chung cư tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Gia tăng thu nhập từ kinh doanh online
Năm 2018, nhận thấy kinh doanh online phát triển tốt nên tôi quyết định tìm kiếm mặt hàng trên thị trường để buôn bán nhằm gia tăng thu nhập. Biết tôi có ý định kinh doanh, một cậu bạn học cùng lớp giới thiệu tôi gia nhập nhóm bán hàng trên một trang thương mại điện tử mà cậu ta đang tham gia. Nhờ sự giúp đỡ của cậu bạn, tôi đã mạnh dạn kinh doanh sản phẩm giày thời trang, dây lưng, ví da và mở shop bán online. Ban đầu, tôi tìm hàng từ các xưởng rồi nhập về bán kiếm lời. Sau đó, tôi ưu tiên tìm những mẫu giày, ví độc rồi sau đó đặt hàng ở các xưởng để gia công theo đúng yêu cầu. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm được chi phí lại vẫn đảm bảo được độ độc đáo, sáng tạo của sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.
Ngoài bán trên trang thương mại điện tử, tôi còn kết hợp bán trên facebook và instagram cá nhân vì thực ra việc bán hàng online này mình có thể tranh thủ được mọi thời gian. Thậm chí, tôi có thể vừa ngồi ăn trưa ở công ty, vừa tư vấn bán hàng cho khách trên facebook. Sau một thời gian, công việc kinh doanh online càng ngày càng tốt, lượng khách đặt hàng tăng lên, từ 2-3 đơn/ngày tăng lên 5-6 đơn rồi 10-20 đơn hàng/ngày. Nhờ vậy, mỗi tháng tôi cũng kiếm được trung bình 12-15 triệu đồng.
Lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm
Song song với việc tăng thu nhập hàng tháng, tôi còn lên kế hoạch chi tiêu sao cho khoa học và tiết kiệm nhất. Tôi hạn chế tối đa các cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt không cần thiết. Các đồ dùng của tôi từ điện thoại, quần áo đến giày dép đều là hàng bình dân. Tôi không có thói quen xài hàng hiệu vì cảm thấy chúng rất lãng phí và không cần thiết. Nhờ vậy, các chi phí sinh hoạt dành cho bản thân của tôi chỉ hết khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, lương của tôi cũng được tăng dần lên 20 rồi 25 triệu/tháng. Các khoản thưởng cuối năm, lễ tết,… tôi đều dồn vào gửi tiết kiệm. Nhờ kiên trì thực hiện kế hoạch này, sau 5 năm tôi đã có một khoản tiết kiệm gần 1,6 tỷ đồng.
Giờ đây, khi đã mua được nhà và chuẩn bị cưới vợ trong năm nay, tôi lại có thêm một mục tiêu mới đó là tích cóp tiền mua một mảnh đất để khi nào có điều kiện sẽ xây nhà ở chứ về lâu dài tôi không thích ở chung cư. Mặc dù đó là kế hoạch trong tương lai nhưng tôi tin với sự quyết tâm cùng đôi bàn tay và trí óc không ngừng nghỉ của mình, tôi sẽ sớm đạt được mục tiêu. Qua đây tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng bất cứ ai cũng có thể tích lũy được một con số ấn tượng, sở hữu nhà, xe… nếu có chiến lược kiếm tiền và chi tiêu một cách rõ ràng, cụ thể.
Hà Nhung (ghi)
>>Vợ chồng tỉnh lẻ và bí quyết mua nhà Hà Nội từ hai bàn tay trắng