Dưới đây là câu chuyện mắc lừa vì ham đất nông nghiệp giá rẻ của anh Đ.V.B (Bà Rịa – Vũng Tàu):
Tôi sống ở một thị xã thuộc thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên địa bàn, mấy năm nay rất nhiều người trúng mánh nhờ buôn bán đất, nên những người dân thường như tôi cũng rất ham, có tiền là dồn vào săn lùng đất giá rẻ chờ bán lại kiếm lời.
Năm 2018 là thời điểm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp đổ về Bà Rịa – Vũng Tàu làm dự án mới, chủ yếu là dự án phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Đây cũng là năm có nhiều dự án đất nền của Công ty địa ốc Alibaba quảng cáo, rao bán rầm rộ.
Người quen của tôi bỏ ra cả tỷ đồng gom rất nhiều nền đất cùng lúc, sau đó bán sang tay, mỗi nền kiếm vài chục triệu. Người này rủ tôi mua một nền, số tiền bỏ ra ban đầu không nhiều, mua xong bán lại ngay là có thể kiếm được tiền dễ dàng. Thấy “ngon ăn”, đầu năm 2019 tôi cũng dùng số tiền gom góp được để mua một nền đất diện tích 130m2, với giá 470 triệu đồng do công ty H.L làm chủ đầu tư. Số tiền đặt cọc trước là 50 triệu đồng.
Công ty này có tới mấy dự án ở thị xã Phú Mỹ nên tôi cũng an tâm, và hi vọng trong thời gian ngắn có thể sang tay nhanh chóng để kiếm tiền chênh. Hơn nữa, thời điểm đó, không chỉ tôi, rất nhiều người xuống tiền mua đất tại các dự án tương tự của Alibaba.
Dự án tôi mua được chủ đầu tư làm đường nội bộ, trồng cây hai bên... tương đối khang trang. (Sau này tôi mới biết đây chỉ là thủ đoạn của chủ dự án để tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư nhưng đều là xây dựng lén lút, không được chính quyền địa phương cấp phép. Phần xây dựng sai phép này cũng bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ.)
Sau khi ký hợp đồng cọc, tôi thấy đất ở đây còn có cơ hội tăng giá cao hơn nữa vì rất nhiều người đang muốn mua vào, nên tôi chưa vội bán ngay mà muốn chờ thêm để giá lên cao hơn. Do đó, tôi tiếp tục ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư và đóng vào tổng số tiền 200 triệu đồng, chờ nhận nền đóng nốt số tiền còn lại.
Một dự án trên đất nông nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị cưỡng chế phá
dỡ do vi phạm xây dựng. Ảnh: NLD
Trong thời gian chờ đợi, vào tháng 6/2019, một dự án ở Phú Mỹ của Alibaba bị cưỡng chế tháo dỡ. Sau đó, thủ lĩnh công ty bị bắt... khiến những khách hàng như chúng tôi cũng đứng ngồi không yên. Lúc này, tôi có muốn bán lại lô đất cũng khó, vì ai cũng sợ rủi ro, không dám mua vào.
Lo lắng, tôi cùng nhiều người đốc thúc thì được giám đốc công ty viết xác nhận và trực tiếp ký vào hợp đồng hẹn sẽ trả nền và sổ đỏ vào tháng 2/2020. Có chữ ký làm tin, chúng tôi tiếp tục chờ đợi. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không được nhận nền, gọi cho ông này thì không liên lạc được. Hiện các khách hàng cũng đã gửi đơn thư tố cáo. Giữa tháng 3 vừa qua, một số cơ quan báo chí cũng về địa phương điều tra thông tin và tìm cách liên lạc với giám đốc công ty, nhưng tất cả các số điện thoại trên hợp đồng ký với khách đều đã tạm khóa. Công ty cũng đã gỡ hết biển hiệu, văn phòng đóng cửa.
Tôi tự tìm hiểu được biết, hàng trăm khách hàng cũng mua đất của công ty này giống tôi, có người mua cùng lúc nhiều nền đất, nộp cho chủ đầu tư cả tỷ đồng. Nhiều người ký hợp đồng cọc, đã đóng cho chủ đầu tư ít nhất một vài trăm triệu. Như vậy, tính sơ sơ, chủ đầu tư đã giữ của khách hàng vài chục tỷ đồng.
Đến giờ, tôi gần như đã mất hết hi vọng lấy lại số tiền bỏ ra khi chủ công ty bỏ trốn, địa phương xác nhận dự án mà tôi đầu tư chỉ là “bánh vẽ”. Số tiền 200 triệu đồng là khoản tích lũy suốt mấy năm trời của hai vợ chồng nên chúng tôi rất xót. Mất tiền, chúng tôi còn ôm thêm cục tức vì đã mất nhiều thời gian chờ đợi, lại còn phải đi đốc thúc và khiếu kiện chủ đầu tư tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Thế mới thấy, bất động sản không phải lĩnh vực đầu tư hoàn toàn ngon ăn như nhiều người nghĩ, người được nhiều nhưng người mất cũng không ít. Qua câu chuyện của tôi, mong rằng mọi người phải tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi mua bán. Nên cảnh giác với đất nền giá rẻ, nhất là những dự án triển khai trên đất nông nghiệp. Tốt nhất nên có xác minh của chính quyền địa phương để biết chắc suất đầu tư của mình an toàn.
Hải Âu (ghi)