Tranh chấp chung cư là câu chuyện chưa thấy hồi kết. Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Viện phó Viện Nghiên cứu chính sách quản lý bất động sản và công trình dân dụng quốc tế là do hình thức bán nhà hình thành trong tương lai đang rất phổ biến trên thị trường. Việc phát triển một dự án chung cư có sự tham gia của nhiều bên như tư vấn thiết kế, giám sát, quản lý chất lượng công trình, mua bán trang thiết bị… Khi người mua ký hợp đồng mua bán căn hộ trong dự án chưa hình thành, chất lượng thực tế không như kỳ vọng khiến các tranh chấp nảy sinh. Không riêng căn hộ hình thành trong tương lai, tranh chấp khi mua căn hộ đã hoàn thiện vẫn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, mâu thuẫn chung cư là tổng hợp các lợi ích đan xen gồm lợi ích của cư dân, lợi ích của chủ đầu tư, vai trò của chính quyền, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành… Các hợp đồng mua bán căn hộ hiện nay phần lớn đều không đề cập cụ thể về thông tin nhà mẫu, dịch vụ chung, kết cấu vật liệu… Trong trường hợp có rủi ro phát sinh, thường người mua nhà sẽ phải gánh chịu.
Để hạn chế tranh chấp chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân, trước đó, ông Nguyễn Hoàng Thanh cho rằng, pháp luật cần có quy định chặt chẽ về việc có một bên thứ ba đứng ra đánh giá chất lượng dự án so với hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, trước khi bàn giao, dự án phải được các cơ quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng cháy chữa cháy nghiệm thu, đánh giá chất lượng… giống như các dự án khách sạn kinh doanh cho thuê hoặc văn phòng. Thậm chí cần đưa ra quy định dự án phải có sổ đỏ mới được bàn giao cho cư dân.
Khánh Trang