Ông P. mua căn hộ tại một dự án chung cư ở quận 12 cho biết ông đã đóng toàn bộ tiền mua nhà. Chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ nhưng vẫn chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng như chưa hoàn thành nhiều hạng mục chung, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập ban quản trị. Tuy nhiên, ông P. cho biết chủ đầu tư đã gửi thông báo đến cư dân về việc thanh lý hợp đồng. Việc này được chủ đầu tư lý giải là nhằm khẳng định khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với chủ đầu tư và để bổ sung hồ sơ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Nếu khách hàng không ký sẽ phải tự đi làm sổ hồng.
Nhiều cư dân lo ngại nếu ký thì chủ đầu tư sẽ rũ bỏ trách nhiệm, sau này gặp vấn đề thì không biết kêu ai. Biên bản thanh lý xác định người mua đã thanh toán đủ số tiền và nghĩa vụ còn lại của chủ đầu tư chỉ gồm làm thủ tục cấp sổ hồng và bảo hành căn nhà. Do không tìm hiểu kỹ nên sau khi nghe thông tin từ cư dân khác thì ông P. mới biết mình bị hớ.
Việc thanh lý hợp đồng chỉ thực hiện khi tất cả đã hoàn thành xong nghĩa vụ, hoặc khi hợp đồng đã hoàn thành hoặc các bên tự nguyện thanh lý theo thỏa thuận. Ảnh minh họa |
Về trường hợp này, luật sư Võ Xuân Trung cho biết, khách hàng không nên ký biên bản thanh lý để ràng buộc nghĩa vụ với chủ đầu tư. Nếu hợp đồng quy định chủ đầu tư phải làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân mà chủ đầu tư chậm chễ và người mua đã ký biên bản thanh lý thì người mua không thể khởi kiện chủ đầu tư.
“Đây là giao dịch dân sự, hợp đồng đã quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư phải xin cấp sổ hồng cho cư dân. Bao giờ người dân có sổ hồng trên tay, lúc đó hai bên ký thanh lý hợp đồng mới đúng quy định”, luật sư Trung nói.
Cũng theo luật sư Trung, hồ sơ xin cấp sổ hồng không gồm biên bản thanh lý hợp đồng mà gồm hợp đồng mua bán, bản vẽ hoàn công, biên bản bàn giao căn hộ… Trừ khi chủ đầu tư có “vấn đề” gì đó và muốn “chối bỏ” trách nhiệm mới yêu cầu cư dân ký biên bản thanh lý trước.
Việc thanh lý hợp đồng chỉ thực hiện khi tất cả đã hoàn thành xong nghĩa vụ, hoặc khi hợp đồng đã hoàn thành hoặc các bên tự nguyện thanh lý theo thỏa thuận.
Người mua muốn thanh lý hợp đồng trước khi trả toàn bộ tiền
Người mua có thể làm biên bản thanh lý hợp đồng khi chưa trả toàn bộ tiền cho chủ đầu tư. Chẳng hạn, chị G. mua căn hộ ở Bình Dương và đã thanh toán được 7 đợt nhưng sau đó đổi ý không muốn mua nữa vì không muốn đi làm xa và kinh tế ngày càng eo hẹp. Trong trường hợp này, chị G. chưa nhận bàn giao nhà nhưng muốn thanh lý hợp đồng thì vẫn được chuyển nhượng hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư. Tuy nhiên, chị G. sẽ không được nhận lại số tiền mà chị đã đóng từ chủ đầu tư mà nhận lại từ người sẽ nhận chuyển nhượng hợp đồng mua căn hộ. Trong trường hợp chủ đầu tư đồng ý nhận lại căn hộ và trả lại số tiền thì chị G. được nhận lại số tiền đó từ chủ đầu tư. Các bên cần liên hệ với chủ đầu tư để ghi nhận việc chuyển nhượng.
Người bán muốn thanh lý khi đã nhận tiền đặt cọc
Trường hợp bên bán đã nhận tiền đặt cọc, hai bên đang làm hợp đồng chuyển nhượng thì bên bán không muốn bán nữa thì hai bên làm biên bản thanh lý hợp đồng, ghi nhận những trách nhiệm của bên bán. Bên bán có chịu trách nhiệm bồi thường phá vỡ hợp đồng.
Điểm b, khoản 6 Điều 18 Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 của Bộ xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 quy định: Hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản mà bán lại nhà ở đã mua cho tổ chức, cá nhân khác thì phải tuân thủ các quy định sau đây: Nếu đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự (bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp, các bên phải lập hợp đồng mua bán nhà ở và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định); Nếu chưa nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì được phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Thông tư này mà không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. |
Khánh Trang