Cùng với một người bạn mua chung mảnh đất ở Đông Anh từ năm 2017, đến nay, chị T. đang rất lo lắng vì không biết sau này sẽ phân chia miếng đất ra sao và nơm nớp lo sợ bạn sẽ trở mặt. Chị T. bỏ ra số tiền gấp 3 lần người bạn của mình, hơn nữa chị còn mất công sức tìm hiểu chọn đất và tiến hành giao dịch. Đến cuối năm 2019, vì chuyện cá nhân mà hai người xảy ra mâu thuẫn. Khi mua chung đất, vì thân thiết và tin tưởng nhau nên cả hai không rạch ròi tỷ lệ góp vốn bằng giấy tờ mà chỉ thỏa thuận bằng miệng. Dù đến thời điểm hiện tại, giá mảnh đất đó chưa tăng nhiều nhưng nếu bán ngay để đôi bên không dây dưa lâu, chị T. lo lắng người bạn kia sẽ không chấp nhận chia cho chị phần lợi nhuận như đã thỏa thuận.
Khi góp tiền mua chung đất, các bên nếu nắm chắc quy định thì vẫn đảm bảo an toàn,
không xảy ra tranh chấp. Ảnh minh họa
Anh H. là một trong nhiều trường hợp khác đã bị bạn “lật bài” khi cùng nhau góp tiền mua chung đất để đầu tư. H. và L. là bạn học cùng đại học, sau khi ra trường năm 2012 thì cùng nhau ở lại Sài Gòn để làm việc. Năm 2014, L. rủ H. góp chung tiền mua một mảnh đất giá 600 triệu đồng ở Bình Dương để chờ giá tăng lên sẽ bán lại. Lúc đó, để có đủ 300 triệu, H. phải đi vay một nửa từ người thân, bạn bè. Vì không am hiểu quy trình mua bán, giấy tờ nên H. chỉ góp tiền còn mọi việc do L. thực hiện. Sau khi mua bán xong, L. đưa cho H. giữ sổ đỏ để cảm thấy yên tâm. Đến cuối năm 2016, sau khi bán mảnh đất với giá 1,2 tỷ đồng, mỗi người thu lãi được 300 triệu đồng.
Một thương vụ thành công, H. và L. lại có thêm động lực để thực hiện thêm thương vụ khác. Sau một thời gian tự tìm kiếm và dò hỏi người quen, H. và L. tiếp tục mua chung một mảnh đất giá 1,3 tỷ đồng ở Đồng Nai. Lần này, H. tiếp tục để L. đứng tên và cầm luôn sổ đỏ, cả hai dự định đến năm 2018 sẽ bán đi để thu tiền về. Sau đó một thời gian, vì cần tiền nên nhiều lần H. có nhắn tin bàn chuyện bán miếng đất nhưng L. cố tình lảng tránh. Cảm thấy nghi ngờ, H. tự mình đi hỏi thăm thì mới phát hiện L. đã bán mảnh đất cho người khác. Khi H. hỏi thì L. trở giọng như không hề có chuyện cả hai góp vốn mua chung. Dù tốn thời gian theo đuổi vụ kiện nhưng vì không có bằng chứng chứng minh việc mình đã gửi tiền cho L. để mua đất nên cuối cùng H. phải chấp nhận “trắng tay”.
Về hàng loạt câu chuyện rắc rối xoay quanh việc người thân, bạn bè mua chung đất, luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc này là hoàn toàn bình thường và an toàn nếu các bên nắm vững quy định. Nhiều người phần vì tin tưởng lẫn nhau, phần vì còn mơ hồ về mặt pháp lý nên cho rằng chỉ cần hai người góp vốn thì một người đứng tên sổ đỏ, một người giữ sổ và không cần lập văn bản về tỷ lệ góp vốn.
Tuy nhiên, theo luật sư Hữu, khi đó, nếu người đứng tên trên sổ đỏ có ý định xấu thì người còn lại có thể trắng tay. Bởi về mặt pháp lý, sổ đỏ đứng tên người nào thì đó là tài sản của họ. Dù không giữ sổ đỏ thì người đứng tên vẫn có thể báo mất sổ để được cấp lại. Nếu khởi kiện, việc chứng minh đồng sở hữu sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, chưa kể trường hợp người đứng tên đã xin cấp lại sổ và bán đất cho người khác.
Cũng đưa ra lời khuyên cho người mua, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Hà Nội cho biết, ngay cả khi sổ đỏ ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì để có căn cứ xác định tỷ lệ góp vốn, các đồng sở hữu cần lập biên bản thỏa thuận về tỷ lệ góp vốn có công chứng hoặc chứng thực. Văn bản này có thể được lập trước hoặc sau khi được cấp sổ đỏ. Đây là cơ sở để xác định tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ phân chia lợi nhuận (có thể không trùng với tỷ lệ góp vốn), điều kiện khi chuyển nhượng tài sản cho người khác... Nếu các bên không lập văn bản này hoặc văn bản này bị vô hiệu hoặc không chứng minh được tỷ lệ góp vốn thì mặc định hai bên có tỷ lệ góp vốn bằng nhau và có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung.
Khánh Trang