Địa chính là gì? Cơ quan nào quản lý và có trách nhiệm lập, cập nhật hồ sơ địa chính? Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những thắc mắc cần giải đáp liên quan tới lĩnh vực này.
1. Địa Chính Là Gì?
Xét về khía cạnh hành chính nhà nước, địa chính là tên gọi của cơ quan làm nhiệm vụ đo đạc, thống kê, kiểm kê nguồn tài nguyên đất đai trên toàn quốc. Để việc kiểm kê, thống kê và quản lý được thuận lợi, các cơ quan này sẽ lập hồ sơ, bản đồ địa chính.
Xét từ trung ương đến địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về địa chính trong cả nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiếp đến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khảo sát và đo đạc ở địa phương. Bản đồ địa chính cấp tỉnh, huyện, xã sẽ được lưu trữ tại các cơ quan quản lí đất đai các cấp.
2. Các Thành Phần Của Hồ Sơ Địa Chính Gồm Những Gì?
Sau khi trả lời câu hỏi địa chính là gì, có thể nói để việc quản lý đất đai của các cấp được chặt chẽ, thuận lợi, phải lập hồ sơ địa chính. Đây là tập hợp các tài liệu có chứa các thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý của đất đai, tài sản gắn liền với đất. Hồ sơ địa chính là loại tài liệu rất quan trọng trong việc phục vụ công tác quản lý của nhà nước.
Tại Điều 4, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT đã quy định một cách cụ thể các thành phần tạo nên hồ sơ địa chính, đó là:
“Điều 4. Thành phần hồ sơ địa chính
1. Địa phương xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính được lập dưới dạng số và lưu trong cơ sở dữ liệu đất đai, gồm có các tài liệu sau đây:
a) Tài liệu điều tra đo đạc địa chính gồm bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai;
b) Sổ địa chính;
c) Bản lưu Giấy chứng nhận.
2. Địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính gồm có:
a) Các tài liệu quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều này lập dưới dạng giấy và dạng số (nếu có);
b) Tài liệu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được lập dưới dạng giấy hoặc dạng số;
c) Sổ theo dõi biến động đất đai lập dưới dạng giấy.”
Sổ Địa Chính Là Gì?
Là tài liệu rất quan trọng trong hồ sơ địa chính bởi chúng có thể phản ánh một cách cụ thể hiện trạng đất đai, bao gồm: tình trạng pháp lý, thông tin người sử dụng mảnh đất, thửa đất, tài sản trên đất.
Theo Luật Đất đai 2013, sổ được lập cho từng xã, phường, thị trấn và được dùng làm cơ sở để nhà nước có thể giám sát, bảo hộ quyền cũng như nghĩa vụ của người sở hữu, sử dụng đất.
Hồ Sơ Địa Chính Được Lập, Cập Nhật, Chỉnh Lý Theo Nguyên Tắc Nào?
Hồ sơ địa chính không có tính cố định, bất biến mà cần được cập nhật và chỉnh lý theo hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai cũng như các tài sản trên đất. Tuy nhiên, việc cập nhật, chỉnh lý phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật. Đồng thời, thông tin của hồ sơ cần có sự thống nhất với hiện trạng, quản lý, sử dụng đất thực tế.
Bản Đồ Địa Chính Là Gì? Xem Bản Đồ Địa Chính Ở Đâu?
Đối với những người đang có nhu cầu, mong muốn mua, bán đất, làm nhà riêng, có thể quan tâm tới bản đồ địa chính. Đây là loại bản đồ với nội dung chính là thể hiện các thông tin về các thửa đất và một số yếu tố thuộc về địa lí liên quan. Bản đồ địa chính có thể có nhiều tỷ lệ khác nhau, chẳng hạn như: 1:200, 1:500, 1:2000, 1:5000,…
Bản đồ này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, xác nhận. Ngoài mốc địa giới, mốc giới quy hoạch,… đối với người dân, nhà đầu tư bất động sản, nội dung được quan tâm nhất ở bản đồ này chắc hẳn là ranh giới các thửa đất, loại, diện tích đất cũng như nhà ở, các công trình xây dựng khác và đường giao thông, công trình đê điều.
Khi có nhu cầu được xem bản đồ địa chính, người dân có thể nộp phiếu yêu cầu tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc ủy ban nhân đân cấp phường/xã
3. Một Số Câu Hỏi Thường Gặp
Cùng với băn khoăn địa chính là gì, xung quanh nội dung này, có rất nhiều những câu hỏi nhận được sự quan tâm của không ít người.
Cán Bộ Địa Chính Là Gì?
Đây là những người làm công tác liên quan tới đất đai, bao gồm: quản lý, lập hồ sơ địa chính, phục vụ, giải quyết các yêu cầu của nhà nước, nhân dân liên quan tới đất đai,…
Họ có thể làm công chức, viên chức, cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương về quản lý đất đai. Chẳng hạn như ở cấp xã có công chức địa chính xã, cấp huyện, tỉnh có cán bộ phòng, sở Tài nguyên môi trường hoặc cũng có thể là cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất,…
Những người làm nghề này đòi hỏi phải có kiến thức quản lý nhà nước về đất đai, nắm vững các quy định của nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, nâng cao năng lực để có thể giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình làm việc.
Làm Địa Chính Học Ngành Gì? Ở Đâu?
Với những người quan tâm tới nội dung địa chính là gì và muốn làm về địa chính, có thể học ngành Quản lý đất đai tại một số cơ sở giáo dục như: Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đại học Mỏ – Địa chất, đại học Nông lâm, Học viện Nông nghiệp,…
Mua Đất Có Cần Địa Chính Đo Lại Không?
Thực tế cuộc sống, trong quá trình mua bán nhà đất, có thể xảy ra một số trường hợp diện tích thực tế lại nhiều hơn so với diện tích đã được công nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp này, nên yêu cầu địa chính đo lại để có phương án giải quyết theo những quy định cụ thể của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên, người bán và người mua. Trường hợp diện tích thực tế và diện tích trên giấy chứng nhận như nhau, có thể không cần thiết phải đo lại.
Đất Chưa Được Cấp Sổ Đỏ Nhưng Có Trích Lục Bản Đồ Địa Chính Thì Có Nên Mua Không?
Trích lục bản đồ địa chính là loại giấy tờ có thể cung cấp cho chúng ta thong tin về một thửa đất hoặc khu vực đất nhất định. Đây là căn cứ quan trọng đối với các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý đất đai hoặc trường hợp có xảy ra sự tranh chấp trên các mảnh đất hoặc thửa đất.
Tuy nhiên, đây không phải là văn bản minh chứng và thể hiện quyền sử dụng đất. Bởi vậy, nếu mua mảnh đất này, sẽ có thể gặp phải rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý.
Như vậy, những chia sẻ về nội dung địa chính là gì trên đây hy vọng đã cung cấp cho bạn một số thông tin và giải đáp các thắc mắc liên quan tới lĩnh vực này.
Phương Nga