Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Có Bắt Buộc Trích Lục Giấy Khai Sinh Không?

Một số địa phương hiện vẫn yêu cầu phải có trích lục giấy khai sinh khi tách sổ đỏ. Quy định này có đúng không? Có bắt buộc phải có trích lục giấy khai sinh mới được tách sổ đỏ? Nếu mất trích lục giấy khai sinh phải làm sao? Luật sư sẽ tư vấn chi tiết trong bài viết dưới đây.
Hỏi:
Tôi cần tách sổ đỏ ở quê chồng, huyện yêu cầu phải có trích lục giấy khai sinh, không chấp nhận bản photo công chứng. Tôi ra UBND quận chỗ tôi ở thì không còn lưu giấy tờ, không làm trích lục cho nữa và nói giấy khai sinh dùng photo công chứng là được. Xin hỏi, thủ tục tách sổ đỏ có bắt buộc phải có trích lục giấy khai sinh không ạ?
H.P (Thạch Thất, Hà Nội)
Trả lời:

1. Quy Định Về Việc Tách Thửa (Tách Sổ Đỏ)

Luật Đất đai 2013 hiện hành không quy định cụ thể về việc tách thửa. Tuy nhiên, theo Khoản 23 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.”

2. Hồ Sơ Và Thủ Tục Khi Thực Hiện Tách Thửa (Tách Sổ Đỏ)

Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
Thủ tục tách sổ đỏ có bắt buộc cần trích lục giấy khai sinh không? Ảnh: Luật sư X
Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc thực hiện tách thửa đồng thời thuộc một trong các trường hợp quy định sau tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì phải thực hiện thêm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;
e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Tùy vào mục đích tách thửa như đã nêu trên, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất có thể khác nhau. Cụ thể từng trường hợp đã được quy định tại Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT.

3. Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Có Bắt Buộc Phải Có Trích Lục Giấy Khai Sinh Không?

Tách sổ đỏ không bắt buộc phải có trích lục giấy khai sinh nhưng cơ quan nhà nước có thể yêu cầu. Ảnh: Luật Dương Gia
Trong trường hợp này, câu hỏi không nêu rõ việc cơ quan có thẩm quyền đang yêu cầu cung cấp trích lục giấy khai sinh của vợ hay chồng. Có khả năng trích lục giấy khai sinh được yêu cầu cung cấp là của chồng để chính quyền địa phương xác thực lại mối quan hệ của bố mẹ chồng và chồng nhằm lấy căn cứ cho phép tách sổ đỏ. Mặc dù các văn bản pháp luật không quy định về thành phần hồ sơ trong thủ tục tách thửa và đăng ký biến động đất đai phải có giấy khai sinh, nhưng thông tin giấy khai sinh cá nhân vẫn cần được ghi trên sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), do đó, trong trường hợp cá nhân được cấp sổ đỏ chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì vẫn cần có giấy khai sinh để xác thực các thông tin cá nhân cần thiết (căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
Thêm vào đó, như đã nêu tại Mục 1, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là bên quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất. Vì vậy, cơ quan nhà nước địa phương có thể yêu cầu thêm Giấy khai sinh vào thành phần hồ sơ tách thửa.
Trong trường hợp, cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận bản sao chứng thực giấy khai sinh và việc trích lục khai sinh không thực hiện được do dữ liệu bị thất lạc, có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh.
Hồ sơ đăng ký lại khai sinh theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau đây:
(1) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;
(2) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
Thủ tục đăng ký lại khai sinh được quy định theo Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP tại UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc UBND không phải nơi đã đăng ký khai sinh trước đây.
LS. Vũ Thị Thu Hà
Giám đốc Công ty Luật TNHH ATS
Hotline: 8424 3751 1888