Dân đầu tư chịu gánh nặng thanh toán
Lỡ ôm hàng nhiều, không thể xoay được tiền trả theo tiến độ của dự án trong khi sức mua của thị trường đang giảm sút, nhiều nhà đầu tư buộc phải rao bán nhà giá gốc không lời hoặc chấp nhận trả nhà và chịu phạt. Anh Đ.T. Tuấn một nhà đầu tư tại Thủ Đức cho biết đang rất khốn khổ vì lỡ gom hàng quá nhiều mà không lường trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Được biết, thời điểm tháng 2/2020 khi một dự án trung cấp trên địa bàn Bình Dương chào bán, thấy giá và vị trí tốt, khả năng sinh lời cao nên anh Tuấn liều lĩnh gom hơn 6 căn hộ định vừa lướt sóng vừa đầu tư dài hạn. Theo tính toán của anh thì trước khi ký HĐMB sẽ ra được 3 căn ăn chênh lệch, sau đó sẽ ra tiếp các căn còn lại.
Tuy nhiên khi đến hạn phải thanh toán 30% giá trị căn hộ để ra hợp đồng, anh Tuấn điêu đứng vì không thể nào bán ra như dự kiến. “Trầy trật mãi mới bán ra được 1 căn giá gốc, còn 5 căn nữa bán không lời mà mãi không tìm được người mua. CĐT thông cảm đã cho tôi trễ hẹn 1 tuần, nếu không thể thanh toán theo tiến độ từ trước tôi sẽ phải chấp nhận mức phạt theo quy định của hợp đồng, còn nếu lấy lại tiền phải mất 30% tổng số tiền đã thanh toán để bù tiền hoa hồng và các chi phí khác", anh Tuấn chia sẻ.
Tác động từ Covid 19 khiến nhiều nhà đầu tư đang chịu áp lực từ khoản thanh toán cho chủ đầu tư. Ảnh minh họa
Theo tìm hiểu của TinNhaDatVN.Com, thực trạng nhà đầu tư mua dự án thanh toán theo tiến độ lâm vào cảnh khó khăn như anh Tuấn hiện nay không hề hiếm. Rất nhiều nhà đầu tư đang khổ sở vì không xoay kịp tiền để thanh toán theo kỳ hạn hay trả góp gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng. Lúc này, việc ôm hi vọng bán lời là không thể, nhiều nhà đầu tư chọn cách rao bán căn hộ ngang bằng giá khi mua từ chủ đầu tư nhưng cũng rất khó kiếm người mua. “Trễ hạn thanh toán 1 kỳ chủ đầu tư vẫn châm chước được, nếu thêm 1 kỳ nữa thì chắc chắn sẽ bị thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác. Điều này khiến không ít nhà đầu tư bất an, tìm mọi đường ra căn hộ dù phải bán lỗ ở mức chấp nhận được”, anh Nguyễn Văn Bình, một môi giới căn hộ tại khu Đông chia sẻ.
Anh Bình cho biết thêm, làn sóng bán cắt lỗ diễn ra với các sản phẩm thuộc loại hình cao cấp, giá bán từ 3 tỷ trở lên là khá nhiều. Áp lực tài chính thanh toán cho sản phẩm cao cấp lớn nên nếu nhà đầu tư nào ôm hàng nhiều thì bán ra nhanh là cứu cánh duy nhất. Nếu đã chọn bán nhanh thì không thể kỳ vọng thu lời gì từ khoản đầu tư này, chỉ có thể hi vọng không lỗ hay lỗ càng ít càng tốt. quan trọng nhất vẫn là tìm được người mua vì hiện nay xu hướng bắt đáy thị trường vẫn là tập trung ở các sản phẩm thuộc dòng căn hộ giá bình dân là chính.
Người mua ở thực đợi bắt đáy thị trường
Ở hướng ngược lại, nhiều người mua ở thực đang có cơ hội tiếp cận nhiều dự án tốt với mức giá phải chăng. Anh Trần Anh Tuấn, chuyên viên tuyển dụng tại một công ty BĐS quận 1 cho biết, anh vừa mua lại được 1 căn hộ trung cấp tại quận 9 với giá gốc do nhà đầu tư đuối vốn bán ra. Dự án này triển khai từ giữa năm 2019 hiện đã xây dựng đến tầng 11, nếu bán theo giá thị trường thì ít nhiều cũng phải chênh từ 10-15%. Tuy nhiên do nhà đầu tư chịu không nổi áp lực thanh toán một lúc nhiều căn nên phải bán ra giá gốc nên anh Tuấn quyết định mua lại.
Nhiều cơ hội đang mở ra cho người mua nhà ở thực khi giao dịch BĐS trên thị trường đang quay trở về giá trị thực. Ảnh minh họa.
Ở loại hình đất nền, lựa chọn cho khách hàng ngày càng đa dạng khi nhiều dự án quy mô nhỏ chào bán với mức giá khá mềm, thấp hơn so với thời điểm nóng sốt trước đó để tiếp cận khách. Tình trạng hét giá, làm giá ảo hay “chim mồi” giảm đáng kể, quan trọng nhất trong giai đoạn này là chỉ những dự án có pháp lý hoàn thiện mới dám mạnh tay ra hàng. Điều này giúp người mua ở thực tiếp cận được sản phẩm pháp lý sạch có giá bám sát thị trường.
Anh Phan Thành Vinh, một môi giới đất nền tại Đồng Nai chia sẻ, giai đoạn thị trường trầm lắng luôn là thời điểm tốt để người mua ở thực tìm được sản phẩm nhà ở phù hợp. Bên cạnh giá bán không bị đẩy lên cao, người mua còn dễ tiếp cận những sản phẩm nhà đất có chất lượng, vị trí tốt chào bán trên thị trường sơ cấp, những sản phẩm mà trước đây người mua thực rất khó sở hữu với giá gốc do phải cạnh tranh với dân đầu tư.
Ngoài tâm lý thận trọng khi "xuống tiền" thì hiện tượng đang bao trùm thị trường lúc này là người mua chờ BĐS xuống giá để mua vào, kể cả những người mua ở thực. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, BĐS sẽ khó giảm sâu dù là ở thị trường thứ cấp. Người mua nên nắm bắt thời điểm hiện nay, nếu tìm thấy sản phẩm phù hợp hãy xuống tiền thay vì tiếp tục chờ thời điểm bắt đáy.
Phương Uyên
>> Covid-19 tái phát, giới đầu tư vào cuộc “bắt đáy” thị trường?
>> Giá BĐS chỉ giảm ở giao dịch thứ cấp, khó giảm ở thị trường sơ cấp
>> Nhu cầu đầu tư bất động sản chỉ sụt giảm trong ngắn hạn hay sẽ kéo dài?