Tháng 3/2019, UBND TP. Hải Phòng có Quyết định 08/2019/QĐUBND về việc điều chỉnh giá một số loại đất thuộc Bảng giá đất thành phố 5 năm (2015-2019) nhằm bảo đảm giá đất phù hợp với thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Giá đất quận Hồng Bàng đang được các nhà đầu tư bất động sản quan tâm
Theo quyết định mới, giá đất ở các quận trung tâm như: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền đều được điều chỉnh tăng, mức tăng vài trăm đến hơn 10 triệu đồng/m2 so với mức giá đất cũ. Cá biệt có khu vực được điều chỉnh tăng cao hơn 20 triệu đồng/m2, cụ thể là phố Tam Bạc hiện có giá 70 triệu đồng/m2, giá đất cũ là 49,9 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Trung Tuyên, Giám đốc Công ty CP đầu tư BĐS Hoa Phượng cho biết, hiện nay giá đất giao dịch tại các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ (quận Hồng Bàng) đang được giao dịch khoảng 80 triệu/m2, khu vực đẹp nhất giữa hồ có giá khoảng 85 triệu/m2.
Một số địa bàn, tuyến đường có nhiều dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật mới, giá trị nhà đất gia tăng, giao dịch mua bán sôi động, song mức điều chỉnh tăng khoảng 30% so với giá cũ.
Trên địa bàn quận Hồng Bàng hiện nay nhiều dự án mới đầu tư xây dựng, làm tăng giá trị đất, giao dịch mua bán sôi động như: Dự án cầu Hoàng Văn Thụ, Khu đô thị Vinhomes, dự án chỉnh trang sông Tam Bạc…
Theo bảng giá đất mới, đất ở của các huyện xa trung tâm thành phố, giá đất tăng ít hơn, mức tăng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng đến 2 triệu đồng/m2. Đơn cử, huyện An Dương, giá đất quốc lộ 17B thuộc xã An Hồng mức giá 7 triệu đồng/m2, tăng 750.000 đồng so với mức giá cũ. Đoạn Quốc lộ 5 mới thuộc xã Bắc Sơn 10,8 triệu đồng/m2, mức cũ là 8 triệu đồng/m2.
Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cho biết, bảng giá đất Hải Phòng được xây dựng trên cơ sở đánh giá rất kỹ tác động đối với doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận đất đai, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản của thành phố hiện tại; hạn chế tác động đến người dân, tổ chức khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
Được biết, theo quyết định giá đất năm 2015-2019, bảng giá đất lần này bổ sung, cập nhật cách tính giá đất mới, nhất là giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; giá thuê đất mặt nước. Theo quyết định mới, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tại đô thị, ngoại thành được áp giá theo vị trí 1, 2, 3.
Trước đó, tại bảng giá đất 2015-2019, được xác định tương ứng với thời hạn sử dụng đất 70 năm. Với việc phân loại để xác định giá đất bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng giữa các tổ chức, cá nhân trong tiếp cận nguồn lực đất đai; đồng thời, khai thác được lợi thế vị trí khu đất, nhất là khu đất “vàng”, nâng cao nguồn thu cho ngân sách.
Đây cũng là lần đầu Hải Phòng có quy định cụ thể giá đất mặt nước đối từng địa bàn và cách tính đất mặt nước thay đổi. Ở quyết định cũ, đất mặt nước chia 4 trường hợp, theo quyết định mới chỉ 2 trường hợp làm muối, nuôi trồng thủy sản được xác định như giá đất nông nghiệp; còn san lấp mặt bằng sử dụng xây dựng dự án, giá đất được tính vào mục đích sử dụng theo bảng giá đất mặt nước, giá đất ở là 1,5 triệu đồng/m2, thương mại dịch vụ là 900.000 đồng/m2; các huyện là 450.000 đồng/m2 nếu xây dựng đất ở…
Quy định cụ thể giá thuê đất mặt nước là căn cứ để quản lý, khai thác hiệu quả cao nguồn thu tiền thuê đất mặt nước. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng bổ sung thêm nhiều tuyến đường mới chưa đặt tên.
Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản Hải Phòng, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 phù hợp sát với tình hình thực tế của thị trường bất động sản. Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của tình hình Covid-19 nên giao dịch bất động sản toàn quốc nói chung và của Hải Phòng nói riêng đều ở trong tình trạng ảm đạm.
Việc thành phố đưa ra bảng giá đất sát với thực tế là tạo điều kiện để kích cầu thị trường bất động sản Hải Phòng trở lại sau khi ổn định tình hình dịch Covid-19 vào cuối quý 2.
Minh Huệ