Chia sẻ trong chương trình Có hẹn với chuyên gia qua chủ đề “Nhận diện tiềm năng của thị trường BĐS Tây Nam Bộ”, ông Hồ Quảng Tây, Ủy viên thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhiều năm nay BĐS Tây Nam Bộ không sôi động và nhộn nhịp như các thị trường phía Nam khác chủ yếu là do hạ tầng phát triển chậm, tốc độ đô thị hóa thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông nghiệp sang các mô hình kinh doanh khác không nhanh như các tỉnh miền Đông khiến kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng kém hấp dẫn.
Tuy nhiên những năm gần đây, bộ mặt hạ tầng khu Tây Nam Bộ đang thay đổi kéo theo tiềm lực kinh tế tăng trưởng lớn mạnh, thu hút đầu tư ồ ạt từ trong và ngoài nước. Tây Nam Bộ đã trở thành một trong những thị trường được tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, cải tạo và mở rộng phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không, khắc phục những điểm yếu kìm hãm sự phát triển kinh tế và chuyển mình mạnh mẽ. Ví như trong năm 2021, riêng tỉnh Long An thu về ngân sách vốn đầu tư FDI gần 3,7 tỷ USD, Cần Thơ cũng thu hút hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư, cho thấy kinh tế các tỉnh Tây Nam Bộ đang lớn mạnh dần và sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.
Thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong các năm tới đây nhờ đầu tư về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa nhanh.
Bên cạnh lợi thế hạ tầng, thị trường Tây Nam Bộ còn đang sở hữu ưu điểm lớn về giá. Xét chung với các địa phương phía Nam, giá nhà đất các tỉnh miền Tây còn rất mềm, quỹ đất đa dạng, phù hợp phát triển nhiều loại hình BĐS từ nhà ở, thương mại, công nghiệp và logistic. Báo cáo từ Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, tính từ 2019 đến nay, giá BĐS tại nhiều tỉnh miền Tây đã tăng từ 30-35%, riêng khu vực Phú Quốc tăng 40-50%. Trong năm 2021, dưới ảnh hưởng từ dịch bệnh, dù giao dịch BĐS bị chững lại nhưng giá nhà vẫn tăng 20-25%. Riêng 2 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xu hướng tăng giá vẫn diễn ra tại nhiều phân khúc, nhất là đất nền, nhà phố mặt tiền.
Ông Lý Kim Long, Giám đốc kinh doanh TNR Holding Việt Nam cho biết, sự xuất hiện của hàng loạt loạt ông lớn BĐS như Vingroup, Sungroup, TNR Holding Việt Nam… đang mang đến nhiều tín hiệu tích cực, giúp thị trường xuất hiện những dự án BĐS chất lượng hơn, xây dựng hệ thống tiện ích dịch vụ, thương mại, mua sắm phát triển đa dạng và làm thay da đổi thịt sức sống cho nền kinh tế khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng quy mô quốc gia đang được phát triển như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, Hà Tiên – Rạch Giá, Cầu Đại Lãi, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cũng dự kiến triển khai và hoàn thành vào năm 2025 sẽ là trục cao tốc xương sống giao thương Bắc – Nam, góp phần tạo ra sự kết nối thuận lợi giữa các địa phương cùng trong khu vực ĐBSCL nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung, mang lại hàng loạt thay đổi tích cực cho kinh tế địa phương. Với lợi thế quỹ đất đa dạng và giàu tiềm năng phát triển nhà ở sinh thái, BĐS thương mại, dự báo Tây Nam Bộ sẽ sớm là thị trường BĐS tăng trưởng nóng trong các năm tới.
Trả lời cho câu hỏi, nên đầu tư gì và đầu tư ở đâu tại thị trường Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện này, các chuyên gia cho rằng, nếu tham gia đầu tư BĐS khu vực Tây Nam Bộ nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn. Với tầm tài chính vững mạnh, lựa chọn các sản phẩm nhà phố thương mại đang triển khai ở các khu đô thị đa năng quy mô lớn, được quy hoạch bài bản, chất lượng sẽ mang lại lợi nhuận bền vững. Với nhà đầu tư tài chính tầm trung, đất nền sẽ là lựa chọn an toàn nhờ tính thanh khoản tốt và biên độ tăng giá ổn định.
Bên cạnh các thị trường thân quen như Cần Thơ, Phú Quốc, các chuyên gia cũng cho rằng, BĐS Tây Nam bộ còn rất nhiều thị trường hấp dẫn giàu tiềm năng để khai phá như Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… Đây là những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao, giá bán hợp lý, là lựa chọn thích hợp cho những nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội trong dài hạn.
Phương Uyên