Huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp bất động sản chủ động hơn cho nguồn vốn vay với khối lượng lớn. Ảnh minh họa
Thông tin trên được đưa ra tại Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty chứng khoán SSI. Theo đó, các doanh nghiệp đã phát hành 188.000 tỉ đồng trái phiếu trong quý 3/2021, giảm 4,1% so với quý 2 và giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do dịch bệnh bùng phát, kế hoạch phát hành của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp, so với trung bình các năm trước thì lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 3 vẫn ở mức cao. Hai tổ chức phát hành trái phiếu nhiều nhất tiếp tục là bất động sản và ngân hàng, với tỷ trọng lên tới 80% tổng lượng phát hành.
Nếu tính cả 9 tháng năm 2021 thì các doanh nghiệp đã phát hành là 443.100 tỉ đồng trái phiếu, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu với lượng trái phiếu đạt 201.900 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 45,5% tổng lượng phát hành. Đứng thứ hai là khối ngân hàng với lượng trái phiếu phát hành đạt 136.400 tỉ đồng. Các ngành tiếp theo có tỷ trọng phát hành trái phiếu cao là năng lượng và khoáng sản; định chế tài chính phi ngân hàng; phát triển hạ tầng...
Theo đánh giá của SSI, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu có nguyên nhân chính từ mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Đây chính là động lực khiến các công ty phát hành trái phiếu để có thể huy động vốn nhanh chóng, giảm áp lực lên chi phí tài chính. SSI tính toán, lãi suất phát hành bình quân của các trái phiếu doanh nghiệp (không tính trái phiếu ngân hàng) trong quý 3/2021 là 9,3%, giảm 1,1% so với cuối năm 2020, trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 - 0,7% trong cùng giai đoạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn khi huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Hải Âu (TH)