HoREA kiến nghị tạm thời không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
HoREA cho rằng, nghị định 163 đã tạo sự phát triển mạnh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 và dự báo năm 2020 sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Nghị định này tạo hành lang pháp lý để thị trường minh bạch, lành mạnh hơn, trở thành nguồn cung ứng vốn đầu tư trung và dài hạn cho doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tồn tại những vướng mắc như: Thị trường vốn chưa phát triển đầy đủ; Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng vào bất động sản; chưa có nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường; nhiều doanh nghiệp bị đọng vốn do vướng mắc ở thủ tục đầu tư xây dựng; nguồn cung sụt giảm...
Do đó, Horea đề nghị thời điểm hiện tại chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật thay vì siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Theo Hiệp hội, chưa cần thiết quy định về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bởi tính trong 11 tháng đầu năm 2019, trong 177 doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ có 28 doanh nghiệp (chiếm 15,8%) có giá trị phát hành trái phiếu trên 3 lần vốn chủ sở hữu; có đến 149 doanh nghiệp (chiếm 84,2%) có giá trị phát hành trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Horea cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt 1 năm và không cần quy định 2 đợt phát hành trong năm phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Bởi doanh nghiệp lớn thường có nhiều dự án cần huy động vốn trái phiếu.
Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện nay là hơn 210 doanh nghiệp với tổng giá trị gần 297.000 tỷ đồng. Trong dó, doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 38% với tổng giá trị 106.500 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 10,3%/năm, kỳ hạn bình quân 3,7 năm. Một số doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất 12-14%/năm.
Khánh Trang