Vàng đang chiếm ưu thế
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam cho rằng, không ít nhà đầu tư BĐS hướng đến sinh lợi đang có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán. Việc khan hiếm nguồn hàng giao dịch trên thị trường BĐS hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu mệt mỏi và quyết định tìm hướng đi mới. Các kênh có thể chiếm sóng dòng tiền của BĐS hiện nay là vàng, ngoại tệ, chứng khoán, thậm chí là dòng vốn sẽ đổ về kinh doanh. Không ít doanh nghiệp BĐS nhỏ và nhà đầu tư rời bỏ thị trường trong thời gian gần đây. Trong tình huống BĐS chững lại, nguồn cung hạn chế, việc giá vàng tăng cao khiến dòng vốn trong dân đang đổ mạnh vào thị trường này.
Giá nhà đất tăng cao và xuất hiện yếu tố ảo
Trong năm 2019, giá căn hộ có xu hướng tăng từ 15-20% so với cùng kỳ. Tại TP.HCM phân khúc này còn ghi nhận mức biến động giá gần 30-40%. Theo bà Trang Bùi, Giám đốc JLL Việt Nam, việc giá bán bị dội lên quá cao một phần do sự khan hiếm nguồn cung khiến giá bán thứ cấp tăng mạnh. Bên cạnh đó cũng xuất hiện tình trạng nhiều CĐT lợi dụng thị trường khan hiếm, làm giá, tung ra giá bán cao. Điều này phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư khi lo ngại giá bạn hiện tại đã cao hơn giá trị thực. Những biến động kinh tế trong thời gian gần đây cũng khiến nhà đầu tư có xu hướng cầm chừng.
COVID-19 kéo giảm nhu cầu giao dịch
Dịch viêm phổi cấp khiến nhiều nhà đầu tư quyết định chờ đợi động thái tiếp theo của thị trường. Theo nhận định từ ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc TinNhaDatVN.Com, Chi nhánh Hồ Chí Minh, hiện nay sự kiện liên quan đến mở bán, khách hàng, nhà mẫu đã giảm rất nhiều, trong đó các dự án mở bán bất động sản gần như hủy hết trong tháng 2 và tháng 3. Đối với thị trường bất động sản, yếu tố quan trọng để chốt được giao dịch là khách hàng phải thực tế chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên dịch bệnh đang khiến tâm lý của cả người mua lẫn người bán đều bị ảnh hưởng.
Siết tín dụng vào bất động sản
Từ 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, việc cho vay đầu tư BĐS đang được kiểm soát chặt chẽ. Đối với những khách hàng vay mới hoặc có nhu cầu thế chấp sổ tiết kiệm để vay đầu tư BĐS, việc xét duyệt sẽ cẩn trọng và khó khăn hơn. Việc siết tín dụng vào BĐS chẳng những tác động rất mạnh đến dòng vốn của nhà đầu tư mà cả doanh nghiệp phát triển dự án cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phương Uyên