Các đô thị tại Việt Nam được phân cấp gồm 6 loại là đô thị loại đặc biệt và đô thị từ loại 1 đến loại 5. Tính đến năm 2023, Việt Nam có 22 đô thị loại 1, gồm các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố trực thuộc tỉnh. Vậy đô thị loại 1 là gì? Các đô thị loại 1 ở Việt Nam gồm những thành phố nào?
Cùng tìm hiểu đô thị loại 1 là gì, danh sách các đô thị loại 1 của Việt Nam hiện nay và các tiêu chí phân loại đô thị ở nước ta trong bài viết dưới đây nhé!
Đô Thị Loại 1 Là Gì?
Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, đô thị loại 1 là đô thị đạt các tiêu chí như sau:
Vị Trí, Vai Trò, Chức Năng
Đô thị loại 1 là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước.
Quy Mô Dân Số
Về quy mô dân số, tùy theo đô thị loại 1 là thành phố trực thuộc Trung ương hay là thành phố thuộc tỉnh/ thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có quy định riêng. Cụ thể:
- Đô thị loại 1 là thành phố trực thuộc Trung ương: dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên; tính riêng khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên.
- Đô thị loại 1 là thành phố thuộc tỉnh/ thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên; tính riêng khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.
Mật Độ Dân Số
Đô thị loại 1 cần có mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên; riêng khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.
Tỷ Lệ Lao Động Phi Nông Nghiệp
Đô thị loại 1 cần có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; riêng khu vực nội thành, tỷ lệ này cần đạt từ 85% trở lên.
Cơ Cấu, Trình Độ Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội, Trình Độ Phát Triển Cơ Sở Hạ Tầng Và Kiến Trúc, Cảnh Quan Đô Thị
Đô thị loại 1 cần đạt các tiêu chí về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị được quy định Phụ lục 1 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, được sửa đổi bởi Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Danh Sách 22 Đô Thị Loại 1 Ở Việt Nam Tính Đến Năm 2023
Tính đến năm 2023, tại Việt Nam có 22 đô thị loại 1, trong đó có 3 đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương và 19 đô thị loại 1 thuộc tỉnh. Dưới đây là danh sách cụ thể:
Tên đô thị | Trực thuộc |
TP. Hải Phòng | Trung ương |
TP. Đà Nẵng | Trung ương |
TP. Cần Thơ | Trung ương |
TP. Thái Nguyên | Tỉnh Thái Nguyên |
TP. Nam Định | Tỉnh Nam Định |
TP. Việt Trì | Tỉnh Phú Thọ |
TP. Hạ Long | Tỉnh Quảng Ninh |
TP. Bắc Ninh | Tỉnh Bắc Ninh |
TP. Hải Dương | Tỉnh Hải Dương |
TP. Thanh Hóa | Tỉnh Thanh Hóa |
TP. Vinh | Tỉnh Nghệ An |
TP. Huế | Tỉnh Thừa Thiên-Huế |
TP. Nha Trang | Tỉnh Khánh Hòa |
TP. Quy Nhơn | Tỉnh Bình Đinh |
TP. Buôn Ma Thuột | Tỉnh Đăk Lăk |
TP. Pleiku | Tỉnh Gia Lai |
TP. Đà Lạt | Tỉnh Lâm Đồng |
TP. Vũng Tàu | Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu |
TP. Biên Hòa | Tỉnh Đồng Nai |
TP. Thủ Dầu Một | Tỉnh Bình Dương |
TP. Mỹ Tho | Tỉnh Tiền Giang |
TP. Long Xuyên | Tỉnh An Giang |
Đúng như tiêu chí về vị trí, vai trò, chức năng, các đô thị loại 1 ở nước ta đều là những trung tâm về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một vùng liên tỉnh cũng như cả nước. Đơn cử:
- Hải Phòng là trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ
- Đà Nẵng là trung tâm miền Trung
- Cần Thơ là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Hạ Long là thành phố dịch vụ, du lịch biển quan trọng của miền Bắc
- Quy Nhơn và Nha Trang là 2 trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghiệp vùng Nam Trung Bộ
- Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu là 3trung tâm công nghiệp, dịch vụ vùng Đông Nam Bộ
Các đô thị loại 1 cũng là những đầu mối giao thông huyết mạch với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo đà cho các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế. Đồng thời, các đô thị này chính là những thị trường bất động sản sôi động, giàu tiềm năng nhất cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Đơn cử, thị trường mua bán nhà đất Hải Phòng – thành phố được công nhận là đô thị loại 1 từ năm 2003 – những năm qua luôn được coi là một trong những lựa chọn đầu tư sáng giá tại phía Bắc.
Phân Loại Đô Thị Ở Việt Nam
Ở phần trước, bạn đọc đã cùng tìm hiểu đô thị loại 1 là gì và các đô thị loại 1 ở Việt Nam. Vậy nước ta còn những loại đô thị nào nữa? Các đô thị tại Việt Nam được phân loại ra sao?
Đô thị tại Việt Nam được phân cấp gồm 6 loại: đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I, II, III, IV, V. Mặc dù trong các văn bản chính thức, chữ số La Ma được sử dụng để đánh số loại đô thị như đô thị, tuy nhiên, trong nhiều tài liệu khác và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cách viết loại đô thị kèm theo số Ả Rập – đô thị loại 1, 2, 3, 4, 5 phổ biến hơn.
Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có tổng cộng 898 đô thị các loại, bao gồm:
- 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM)
- 22 đô thị loại 1
- 35 đô thị loại 2
- 45 đô thị loại 3
- 95 đô thị loại 4
- 697 đô thị loại 5
Mục đích của việc phân loại đô thị là nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; tổ chức, sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị, các khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập quận, phường; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa; làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị tại Việt Nam.
Các đô thị ở nước ta được phân loại theo nguyên tắc và tiêu chí được quy định cụ thể tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, sửa đổi bởi Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15. Cụ thể:
Nguyên Tắc Phân Loại Đô Thị
Việc phân loại đô thị ở Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
– Phân loại đô thị Việt Nam trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị các cấp để quản lý phát triển đô thị, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.
– Đô thị hoặc khu vực dự kiến hình thành đô thị, khu vực dự kiến thành lập quận, phường được quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị nào thì được phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định của loại đô thị tương ứng với nó.
– Phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị, đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường được xem là một trong những cơ sở để xem xét thành lập, sáp nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị.
– Phạm vi phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính đô thị.
– Phân loại đô thị được áp dụng theo vùng miền, theo yếu tố đặc thù và thực hiện bằng phương pháp tính điểm. Điểm phân loại đô thị là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí phân loại đô thị.
Tiêu Chí Phân Loại Đô Thị
Các tiêu chí phân loại đô thị tại Việt Nam hiện nay được xác định bằng các tiêu chuẩn cụ thể và được tính điểm theo khung điểm phân loại đô thị quy định tại Phụ lục 1 của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15. Điểm của mỗi tiêu chí là tổng số điểm của các tiêu chuẩn của tiêu chí đó. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 100 điểm. Một đô thị được công nhận loại đô thị khi có các tiêu chí đạt điểm tối thiểu và tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên.
Điểm của các tiêu chí được tính cụ thể như sau:
– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội: gồm 8 tiêu chuẩn. Mức điểm đánh giá tối thiểu là 13,5 điểm, tối đa là 18 điểm.
– Quy mô dân số: gồm 2 tiêu chuẩn là quy mô dân số toàn đô thị và quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị. Mức điểm tối thiểu là 6 điểm, tối đa là 8 điểm.
– Mật độ dân số: gồm 2 tiêu chuẩn là mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn. Mức điểm đánh giá tối thiểu là 6 điểm, tối đa là 8 điểm.
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: gồm 2 tiêu chuẩn là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị. Mức điểm đánh giá tối thiểu là 4,5 điểm, tối đa là 6 điểm.
– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị: gồm 49 tiêu chuẩn. Mức điểm đánh giá tối thiểu là 45 điểm, tối đa là 60 điểm.
Phụ lục 1, 2 và 3 của Nghị quyết này cũng quy định rõ định mức, phân bổ và phương pháp tính điểm; các phương pháp thu thập, tính toán số liệu cho từng tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Bài viết này đã giải đáp câu hỏi đô thị loại 1 là gì, danh sách các đô thị loại 1 của Việt Nam và các quy định về phân loại đô thị ở nước ta. Hi vọng rằng những thông tin trong bài viết hữu ích với bạn đọc.
Lan Chi
TỪ KHÓA: Quy hoạch sử dụng đất