Cụ thể, phiên bản mới nhất của báo cáo Global Living 2020 do CBRE công bố gần đây cho biết Hồng Kông đã vượt qua 38 thành phố lớn khác để giữ vững vị thế thị trường nhà ở đắt nhất toàn cầu, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc biểu tình kéo dài suốt năm 2019. Trong năm qua, giá nhà trung bình tại đặc khu kinh tế này đạt 1,25 triệu USD, tăng 4,7%. Xếp sau Hồng Kông là Munich với mức giá trung bình khoảng 1 triệu USD, tăng 11%.
Singapore - đối thủ cạnh tranh trực tiếp danh hiệu trung tâm tài chính châu Á với Hồng Kông - xếp hạng 3 với mức giá 915.601 USD, tăng 2,7%. Hai vị trí còn lại trong top 5 lần lượt thuộc về Thượng Hải và Thâm Quyến - những đại diện nổi bật của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Dù thị trường chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình trạng bất ổn chính trị, giá nhà ở Hồng Kông vẫn đắt nhất thế giới. Ảnh: Roy Issa |
Bà Jennet Siebrits, Giám đốc Nghiên cứu thị trường nhà ở của CBRE Anh, nhận định: “Một lần nữa, Hồng Kông lại là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới. Giá nhà trung bình tại đây hầu như không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế dù tình trạng bất ổn chính trị, các cuộc biểu tình thường xuyên làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.”
CBRE dự báo trong thời gian tới, giá nhà ở Hồng Kông vẫn sẽ thuộc nhóm đắt đỏ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng từ những cuộc biểu tình và đại dịch Covid-19 vẫn tiềm tàng nguy cơ bùng phát trở lại, thị trường này có thể sẽ suy yếu phần nào.
Trong khi đó, ông Simon Smith, Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn của Savills, cho rằng lãi suất thấp và khoảng cách lớn giữa cung và cầu có khả năng giữ cho giá nhà tại Hồng Kông không bị giảm mạnh.
Không chỉ ghi nhận giá bán nhà ở mức cực kỳ đắt đỏ, Hồng Kông cũng xếp thứ 3 trong số các thị trường có giá thuê nhà đắt nhất, chỉ sau New York và Abu Dhabi.
Hương Liên