Hơn một năm trở lại đây, khu vực bán lẻ Hồng Kông liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt nhiều tháng, ngay sau đó là đại dịch Covid-19. Quý đầu năm nay, nền kinh tế thành phố đã chứng kiến đợt suy giảm tồi tệ nhất trong lịch sử, với mức giảm tới 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước thực trạng kinh doanh ế ẩm, chủ sở hữu nhiều khu bán lẻ đang tìm cách sang nhượng để cắt lỗ. Đơn cử, mới đây, một tòa nhà 6 tầng trên đường Hennessy, vịnh Causeway đã được rao bán với giá 1 tỷ đô la Hồng Kông (HKD), tương đương 130 triệu USD. Được biết, tòa nhà có tổng diện tích sàn là 10.000m2, có thể cải tạo thành một tòa nhà thương mại mới với tổng diện tích sàn tăng gấp 3 lần. Đây là lần đầu tiên có người rao bán cả tòa nhà thương mại trên đường Hennessy kể từ năm 2009. Do vị trí cực kỳ đắc địa, rất ít bất động sản trên con đường này đổi chủ trong nhiều năm qua.
Tình hình kinh doanh ế ẩm kéo dài khiến chủ sở hữu các khu bán lẻ ở Hồng Kông vội vàng rao bán cắt lỗ. Ảnh: Handout |
Vào tháng 3, toàn bộ diện tích sàn trong tòa nhà thương mại Shun Pont ở Wan Chai - chỉ cách đường Hennessy một dãy nhà - cũng được rao bán với giá 35 triệu HKD. Mức giá này đã được giảm 15% so với giá mong muốn ban đầu, sau khi chủ sở hữu nhận thấy không dễ tìm được người mua.
Số lượng giao dịch bất động sản thương mại cũng giảm đáng kể. Theo CBRE Hồng Kông, trong quý đầu năm nay, toàn thị trường chỉ ghi nhận 20 giao dịch, đạt tổng trị giá 7,5 tỷ HKD – mức thấp thứ hai kể từ năm 2009.
Ông Simon Smith, Giám đốc cấp cao của Savills Hồng Kông, nhận định: “Hoạt động đầu tư bất động sản bán lẻ bị tạm dừng không chỉ vì tình hình khó khăn hiện tại mà còn bởi thị trường bán lẻ có thể sắp trải qua một sự thay đổi cơ cấu rất khác sau nhiều năm gặt hái thành công từ hoạt động chi tiêu, mua sắm của khách hàng Trung Quốc đại lục.”
Ông Smith cho biết thêm: “Gần đây, thị trường khá trầm lắng, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ chỉ tham gia thị trường nếu cảm thấy lợi tức cho thuê đạt kỳ vọng. Giá thuê mặt bằng bán lẻ đang giảm mạnh nên người bán bất động sản thương mại cũng phải giảm giá bán.”
Theo dự báo của Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông, khoảng 10.400 lao động ngành bán lẻ sẽ mất việc và ít nhất 5.200 cửa hàng sẽ phải đóng cửa vào cuối tháng 5. Đến cuối năm, sẽ còn nhiều cửa hàng phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Trước tình hình này, các chủ sở hữu bất động sản thương mại cảm thấy không chắc chắn về tương lai đã có động thái cắt lỗ ngay từ bây giờ để hạn chế rủi ro.
Liên Hương