Báo cáo chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu do UBS thực hiện hàng năm đã phân tích thị trường nhà ở tại 24 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu và chỉ ra 7 thành phố đang có giá nhà tăng cao đến mức không bền vững.
Theo đó, các thành phố thuộc các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Canada đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra bong bóng nhà đất cao nhất. Trong khi đó, các thành phố của Mỹ có nguy cơ thấp hơn, không có thành phố nào rơi vào nhóm “cầm đèn đỏ”.
Thành phố Munich hiện xếp hạng 1 trong nhóm thị trường nhà ở được định giá cao quá mức. Các yếu tố đẩy giá nhà đất Munich tăng cao gồm có tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số và thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Ngân hàng UBS cảnh báo Munich là thị trường bất động sản ẩn chứa nguy cơ bong bóng cao nhất. Ảnh: Getty Images |
Xếp ngay sau Munich là các thành phố Toronto (Canada), Hồng Kông (Trung Quốc) và Amsterdam (Hà Lan). Frankfurt (Đức), Vancouver (Canada) và Paris (Pháp) cũng nằm trong nhóm có nguy cơ bong bóng cao. Các nhà phân tích của UBS cho rằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính đẩy giá nhà lên cao ở các thành phố châu Âu nói riêng.
Ông Mark Haefele, Giám đốc Đầu tư của UBS Global Wealth Management, nhận định: “Trên phạm vi toàn cầu, tình trạng không chắc chắn về kinh tế đang vượt lên ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất đối với nhu cầu nhà ở đô thị. Tuy nhiên, tại các thành phố trong Eurozone, lãi suất thấp vẫn thúc đẩy giá bất động sản lên mức chịu rủi ro bong bóng.”
Cả 5 thành phố của Mỹ được khảo sát đều đứng ngoài nhóm có nguy cơ cao. Cụ thể, báo cáo của UBS cho biết dù sự tăng trưởng mạnh về việc làm góp phần đẩy giá ở bang California tăng lên nhưng khả năng chi trả và nhu cầu quốc tế giảm đã phần nào kìm hãm tốc độ tăng giá ở 2 thành phố trọng điểm là San Francisco và Los Angeles.
Thị trường nhà ở Boston cũng được hưởng lợi từ khả năng chi trả tốt và sức hấp dẫn của nền kinh tế đối với các doanh nghiệp và người có thu nhập cao. Tuy nhiên, tăng trưởng giá nhà ở đây vẫn nằm trong mức kiểm soát. Còn tại New York, các vấn đề về khả năng chi trả và bất lợi về thuế đã dẫn đến giá nhà sụt giảm.
Chicago là thành phố duy nhất trong báo cáo được nhận định là giá nhà thấp hơn giá trị thực tế. Sự tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế địa phương khiến giá nhà ở đây chỉ tăng chưa tới 20% kể từ năm 2000.
Liên Hương
(Theo TC Thanh niên)