Theo báo cáo mới đây của Knight Frank, khoảng 80% trong số 150 thành phố trên toàn cầu được hãng nghiên cứu này khảo sát đã ghi nhận giá bất động sản tăng trong 12 tháng qua, tính đến hết quý 2 năm nay. Trong đó, các thị trường mới nổi chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn là 5,9%, trong khi giá nhà tại các thị trường đã phát triển chỉ nhích thêm khoảng 2%.
Cụ thể, thành phố Tây An (Trung Quốc) là nơi chứng kiến mức tăng trưởng giá bất động sản cao nhất toàn cầu, đạt 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là Budapest (Hungary) tăng 24,2%; Hyderabad (Ấn Độ) tăng 18,3%; Ahmedabad (Ấn Độ) tăng 15,3%; Vũ Hán (Trung Quốc) và St Petersburg (Nga) tăng 14,6%; Porto (Bồ Đào Nha) tăng 13,6%.
Thành phố Tây An (Trung Quốc) ghi nhận mức tăng trưởng giá bất động sản cao nhất thế giới trong quý 2/2019. Ảnh: Propertywire |
Trong khi đó, một số thị trường lại ghi nhận xu hướng giảm giá đáng kể so với năm 2018. Cụ thể, giá nhà đất ở Sydney (Australia) giảm 9,6%; Dubai (UAE) giảm 9,4%; Melbourne (Australia) giảm 9,3%; Dehli (Ấn Độ) giảm 7,1%.
Nhìn chung, báo cáo của Knight Frank cho thấy mặc dù xu hướng tăng vẫn tiếp diễn nhưng tốc độ tăng trưởng giá bất động sản trung bình trên toàn cầu đã giảm tốc so với mức 6,7% ghi nhận vào cuối năm 2016. Các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là tình hình bất ổn kinh tế gia tăng, khủng hoảng chính trị và những lo ngại về khả năng chi trả khiến tâm lý thị trường nhà ở suy yếu đáng kể.
Knight Frank cũng lưu ý khoảng cách ngày càng lớn giữa các thị trường nhà đất trong cùng một quốc gia. Diễn biến thị trường của mỗi thành phố có sự khác biệt rõ rệt. Đơn cử, tại New Zealand, giá nhà tại thành phố Wellington khởi sắc với mức tăng 9,1% trong khi giá ở Auckland sụt giảm 2,9%. Ở Canada, thành phố Ottawa ghi nhận giá nhà tăng 6,3% trong khi giá ở Vancouver giảm 4,9%. Tại Pháp, giá nhà ở Lyon tăng 9,2% trong khi giá ở Marseille chỉ nhích lên 0,3%. Tương tự, ở Mỹ, thành phố Phoenix chứng kiến mức tăng 5,8%, còn giá ở Seattle lại giảm 1,3% trong cùng kỳ.
Bà Kate Everett-Allen, Giám đốc Nghiên cứu thị trường nhà ở toàn cầu của Knight Frank, nhận đinh: “Những khởi sắc tích cực trong nền kinh tế địa phương đã chống lại chu kỳ sụt giảm của thị trường. Trong một số trường hợp, các quy định siết chặt thị trường bất động sản khiến tốc độ tăng trưởng tại một số thành phố hàng đầu như London, New York, Auckland, Rome, Dubai và Sydney xếp sau các thành phố nhỏ hơn.”
Liên Hương