Từ ngôi nhà toàn đường cong của chàng giám đốc sáng tạo đến kinh nghiệm thực tiễn cho người sắp xây nhà

Nằm trong một con hẻm ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình (TP.HCM), ngôi nhà 92m2, quy mô 1 trệt, 3 lầu gây ấn tượng với những đường nét cong cong lấy cảm hứng từ Diên Hy Công Lược, bộ phim cung đấu mà chủ nhà rất yêu thích.

Sau gần 2 năm thiết kế và xây dựng với đủ mọi vấn đề phát sinh, gia chủ Sài Gòn cũng có được một chốn thơ thơ, nhẹ nhàng để “tránh dịch”.


Toàn cảnh ngôi nhà trước và sau hoàn thiện

Chia sẻ về ngôi nhà của mình, anh Châu Chấn Quyền (sinh năm 1990) cho biết, mảnh đất xây nhà do cha mẹ anh để lại. Ngôi nhà cũ trước đó ngót nghét 40 năm tuổi và đã xuống cấp theo thời gian. Gia đình anh từng xây một ngôi nhà theo phong cách công nghiệp ở Quận 6 và chuyển qua ở từ năm 2016. Nhưng sau khoảng 3 năm, mẹ anh vẫn nhớ nơi ở cũ bà từng gắn bó mấy mươi năm, đồng thời muốn trở lại với cộng đồng người Hoa nơi này. Trong anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng xây lại căn nhà tổ mà cha để lại từ đó.

Là giám đốc sáng tạo và co-founder một công ty quảng cáo truyền thông, anh Chấn Quyền thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh chỉn chu, tỉ mỉ nên anh đặc biệt khó tính về mặt thẩm mỹ. May mắn là anh đã từng làm việc với KTS Ngô Việt Khánh Duy và Võ Thanh Linh (23o5 Studio) qua 2 dự án thiết kế nên tương đối hiểu nhau. Chủ nhà gốc Hoa, mê phim Diên Hy Công Lược, muốn đưa lối kiến trúc Trung Hoa đương đại nhưng lược bỏ những chi tiết điêu khắc tỉ mỉ và kết quả sau những nỗ lực từ cả 2 phía - KTS và chủ nhà là một bản thiết kế nhà không theo một phong cách nhất định nào, tất cả đều chiều theo "cái tôi" của chính chủ nhà.

Anh Quyền chia sẻ: “Cá nhân mình không muốn bó buộc vào một phong cách hay lối thiết kế nhất định nào. Nhà là nơi mình sẽ gắn bó trong một thời gian dài và mình sẽ không chạy theo xu hướng vì biết đâu nhiều năm nữa mình lại thay đổi và không thích phong cách đó nữa. Thay vào đó, ngôi nhà cần chiều theo “cái tôi” của gia chủ cả về công năng và gu thẩm mỹ, như vậy dù 10 năm sau mình không thích nữa thì nó cũng là dấu ấn tuổi trẻ của mình”.

Quả thực, ngôi nhà là sự pha trộn của nhiều trường phái khác nhau, ở đó có những mái vòm trắng cong cong lên xuống, uốn lượn, giao thoa nhau rất đặc trưng của kiến trúc Santorini. Những mẫu nội thất gỗ sáng màu mang chút hơi thở Trung Hoa đương đại. Hay những khoảng không “thở” để phối hợp các chi tiết lại một cách hài hòa.


Những đường cong, vòm xuất hiện ở khắp mọi nơi

Điểm nhấn của ngôi nhà là chiếc cầu thang ngoài trắng trong vàng, tựa như xương sống kết nối các tầng lại với nhau. Nó vừa có tác dụng lấy sáng, vừa cản một phần ánh sáng từ giếng trời phía trên. Khoảng không gian vừa đủ ở giữa nhà mang theo gió, ánh sáng luân chuyển khắp mọi nơi giúp kết nối mọi không gian trong nhà với nhau một cách hài hòa.


Không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật, chiếc cầu thang ngoài trắng trong vàng còn có vai trò kết nối các không gian và các thành viên trong gia đình


Cầu thang cong có chi phí cao gấp 4 lần so với cầu thang thẳng nhưng chủ nhà chấp nhận "trả giá" cho cái đẹp


Giếng trời phía trên

Sau khi đúc rút nhiều kinh nghiệm xương máu từ quá trình xây ngôi nhà đầu tiên thì với ngôi nhà này, anh Chấn Quyền chú trọng hơn vào không gian riêng tư, lược bớt không gian mở và ưu tiên yếu tố thoải mái hơn là thuần để đẹp mắt. Không gian phòng bếp và phòng ăn thông từ tầng trệt lên đến tầng 1 với độ cao 5m được thiết kế vòm trắng điểm thêm đèn sao. Đây chính là nơi gia đình sum vầy và là nơi để bạn bè qua tụ tập, ăn uống. Với chủ nhà thì “đứng bếp hay ăn uống trong một không gian ‘indoor’ nhưng lại có một khoảng không lớn bao quanh như vậy mang lại cảm giác rất phê”.


Không gian nấu nướng - ăn uống thoáng đãng nhờ khoảng thông tầng cao 5m


Những chi tiết mang hơi hướng Trung Hoa được lồng ghép khéo léo nhằm mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc


Phòng ngủ sử dụng gam màu trắng chủ đạo kết hợp hài hòa với nội thất gỗ sáng màu


Kiến trúc "nhà hang" gợi nhớ Santorini


Cửa kính hình tròn gắn kết không gian trong và ngoài


Ngôi nhà khi đêm về

Đã kinh qua 2 lần xây nhà, anh Chấn Quyền nhận thấy một vấn đề mà nhiều người gặp phải là các căn nhà thực tế không được lung linh như bản vẽ thiết kế. Nguyên nhân là do để được như bản vẽ thì chi phí và thời gian thực hiện bị đội lên rất nhiều. Anh nhấn mạnh: “Một ngôi nhà muốn đẹp xuất sắc thì chi phí và thời gian thi công cần gấp đôi, thậm chí gấp ba so với một ngôi nhà thông thường”. Chẳng hạn, cầu thang sắt khi làm cong có chi phí cao gấp 4 lần so với làm thẳng, chưa kể thời gian thi công lâu hơn và phát sinh nhiều chi tiết nhỏ cần chỉnh sửa. Lúc đó nếu như vì vấn đề chi phí mà thay đổi thiết kế thì cuối cùng căn nhà hoàn thiện sẽ “mất hồn” và tạo cảm giác chắp vá. Đây là vấn đề khá nhức nhối và bản thân anh cũng phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều mới quyết định tiếp tục “bám” theo thiết kế ban đầu và chấp nhận trả mức giá gấp 4 lần cho cái đẹp.

Trên thực tế, ở Việt Nam, việc chủ nhà và nhà thầu tự ý thay đổi thiết kế mà không thông qua kiến trúc sư không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng vì thiếu cái nhìn tổng quan, không có hình dung về bản vẽ 3D trong đầu khi quyết định thay đổi nên nhiều khi kết quả không đẹp như họ tưởng tượng. Lời khuyên của anh Chấn Quyền là khi xây nhà, gia chủ phải có một kế hoạch cho cả phong cách thiết kế cũng như ngân sách dự kiến trước khi đưa ra yêu cầu cho kiến trúc sư, đồng thời đảm bảo rằng phần thiết kế này nằm trong ngân sách của mình. Nếu muốn tiết kiệm thì không nên tham lam nhiều chi tiết khó mà hãy đầu tư vào một điểm nhấn cốt lõi của toàn bộ công trình, đồng thời đơn giản hóa các chi tiết khác ngay từ giai đoạn thiết kế để mọi thứ luôn trong tầm kiểm soát.

Ngôi nhà của anh Chấn Quyền được thực hiện trong khoảng thời gian khá dài (gần 2 năm), một phần vì dịch bệnh, một phần vì trong quá trình thi công thực tế, bên thi công phát hiện ra những điểm không hợp lý trên bản vẽ nên đã dừng lại để lấy ý kiến từ chủ nhà và KTS. Sau khi 3 bên gặp nhau bàn bạc, thống nhất hướng xử lý lại phải đợi KTS cập nhật bản vẽ để bên nhà thầu bám theo bản vẽ mà triển khai. Việc này dẫn đến một số giai đoạn thi công bị dừng lại do các bên phải chờ đợi nhau. Do vậy, theo anh Chấn Quyền, 3 bên - kiến trúc sư, chủ nhà, đơn vị thi công nên ngồi lại với nhau, cùng thảo luận các chi tiết trong bản vẽ kỹ thuật và chỉnh sửa cho hoàn thiện bản vẽ trước khi thi công.

Ảnh: NVCC

Khánh An

>> 3 giải pháp giúp nhà Sài Gòn 40 năm tuổi thoáng sáng, mát mẻ hơn sau cải tạo