Mỗi quốc gia đều có những tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng riêng để đảm bảo an toàn, tính tiện dụng cho mỗi công trình. Do vậy, hãy xem xét kỹ lưỡng các hướng dẫn về quy chuẩn thiết kế, xây dựng trước khi thiết kế, thi công một ngôi nhà.
Lối đi và hành lang
Dù ngôi nhà có diện tích lớn hay nhỏ thì việc chăm chút cho lối vào, lối giao thông cũng đều cần được chú ý. Theo nguyên tắc cơ bản, lưu thông từ ngoài đường vào đến trong nhà phải trôi chảy, không bị gián đoạn. Không đặt chướng ngại vật chắn ngang lối đi hoặc gây cản trở quá trình lưu thông. Vì lý do nào đó mà không thể loại bỏ chướng ngại vật thì cần bố trí các cảnh báo đơn giản, dễ hiểu về vị trí của chúng.
Lối đi trong nhà, hành lang cần có diện tích tương đối rộng rãi, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại, di chuyển hay kê xếp nội thất, đồ đạc. Chiều rộng lối đi, hành lang trong nhà lý tưởng nhất là 150cm, trung bình khoảng 110-120cm là đủ không gian cho việc di chuyển. Lối đi, hành lang càng rộng, thoáng bao nhiêu thì việc lưu thông không khí trong nhà cũng trở nên dễ dàng, thoải mái hơn. Còn với những ngôi nhà phố có diện tích nhỏ hơn, chiều rộng lối đi, hành lang có thể hẹp hơn - khoảng 90cm, tuy nhiên, với khả năng sáng tạo vô biên, con người hoàn toàn có thể khắc phục điều đó, chẳng hạn như kết hợp hành lang cùng nội thất linh hoạt hoặc các khu vực đa chức năng.
Lý tưởng nhất, lối đi, hành lang nên có bề rộng 150cm để đảm bảo an toàn, thoải mái khi di chuyển.
Theo các chuyên gia, lối đi, hành lang là con đường lưu thông chủ yếu trong nhà nên tường ở đây cần bằng phẳng, trơn láng. Bề mặt nền nên sử dụng vật liệu chống trơn trượt, kết hợp cùng màu sắc, kết cấu bề mặt có độ cảm ứng cao để xác định các tuyến đường. Thảm hay các vật liệu lát sàn khác phải được cố định chắc chắn vào nền nhà.
Cầu thang
Ngày nay, đa phần các ngôi nhà đều được xây chồng tầng nhằm gia tăng diện tích sử dụng, làm phát sinh nhu cầu lưu thông theo chiều dọc để tiếp cận các tầng thấp hơn hoặc cao hơn. Khi đó, người ta sẽ cần tới sự hỗ trợ của thang máy, thang nâng hay cầu thang truyền thống. Tuy nhiên, thang máy thường được lắp đặt trong các tòa nhà thương mại, các tổ chức, trường học, bệnh viện mà hiếm khi được sử dụng trong các công trình dân dụng bởi quá tốn kém và lãng phí. Cầu thang truyền thống lúc này sẽ phổ biến hơn. Khi thiết kế, cần chú ý đến kích thước cầu thang để đảm bảo an toàn, tiện lợi cho quá trình sinh hoạt hàng ngày. Với những gia đình có thành viên mắc chứng giảm khả năng vận động thì điều này càng trở nên quan trọng hơn.
Các thông số tiêu chuẩn trong thiết kế cầu thang.
Chiều cao cầu thang phụ thuộc vào chiều cao thông thủy của ngôi nhà. Với nhà dân ở dân dụng, chiều cao cầu thang thường là 3,6m và số bậc là 24. Để một người có thể bước đi lại thoải mái, độ rộng một vế của cầu thang không được nhỏ hơn 60m. Lý tưởng nhất, một vế của cầu thang nên rộng 90cm để bất cứ thành viên nào cũng có thể di chuyển dễ dàng và cũng tiện lợi hơn trong trường hợp bạn muốn mua sắm nội thất.
Chiều rộng mặt bậc cầu thang (diện tích tiếp xúc của bàn chân với cầu thang) tối thiểu là 25cm, lý tưởng nhất là 28cm nhưng không nên vượt quá 30cm vì sẽ ảnh hưởng đến chiều dài và độ dốc cầu thang. Chiều cao cổ bậc thường nằm trong khoảng 15-18cm và không nên vượt quá 18cm bạn không bị mệt mỏi khi leo thang, thậm chí là có thể trượt ngã. Chiều cao tay vịn an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em là 110cm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì 85-90cm vẫn là những con số có thể chấp nhận được.
Để tránh bị mất sức khi di chuyển lên cao, cầu thang quá dài sẽ cần có thêm chiếu nghỉ. Thông thường, cứ 11 bậc thì lại bố trí một chiếu nghỉ với độ rộng tối thiểu 90cm. Độ dốc cầu thang phụ thuộc vào tỷ lệ chiều cao và chiều rộng của bậc thang, con số này dao động từ 33-36 độ là hợp lý.
Vật liệu đề xuất: Cả mặt bậc và đối bậc đều phải sử dụng vật liệu có bề mặt chống trơn trượt, có đánh dấu điểm bắt đầu và điểm kết thúc.
Thiết kế đường dốc
Bố trí quá nhiều cầu thang trong nhà khiến con người khó có thể di chuyển trôi chảy. Đường dốc là lựa chọn tự nhiên thay thế cho cầu thang và cần được kết hợp hợp lý để có thể hoạt động hiệu quả.
Đường dốc có bề rộng 150cm là lý tưởng nhất.
Đường dốc nên có bề rộng tối thiểu 90cm, lý tưởng nhất là 150cm và độ dốc không vượt quá 8%. Đường dốc cũng cần được lắp tay vịn xuyên suốt với chiều cao tay vịn khoảng 70-95cm. Nếu đường dốc quá dài, nên chia thành nhiều đoạn khoảng 9m, ngăn cách bởi chiếu nghỉ. Các chiếu nghỉ và khoảng trống nơi bắt đầu và kết thúc đoạn dốc phải bằng phẳng và có diện tích tối thiểu 150x150cm.
Vật liệu đề xuất: Bề mặt không trơn trượt, có kết cấu bề mặt đánh dấu điểm bắt đầu và kết thúc.
Hệ thống cửa ra vào
Nhìn chung, cửa ra vào nên có bề rộng 90-100cm để có thể đóng/mở dễ dàng. Núm cửa hay tay nắm cửa cần lắp ở độ cao 95cm cho phù hợp với đặc điểm nhân trắc học của con người. Không đặt bất cứ đồ dùng nào cản trở lối ra vào, nhất là khi cửa bố trí gần khu vực đường dốc.
Tay nắm cửa nên lắp ở độ cao 95cm cho phù hợp với phần lớn thông số nhân trắc học của con người.
Cửa sổ
Cửa sổ mở quay hoặc mở trượt là những lựa chọn phù hợp cho nhà ở dân dụng. Trong quá trình thiết kế cửa sổ, cần có sự quan sát, thấu hiểu người dùng sâu sắc, từ đó đưa ra phương án xử lý ánh sáng, thông gió tự nhiên một cách hiệu quả. Ngoài ra, đừng xem nhẹ tầm nhìn ra bên ngoài bởi đây chính là cửa ngõ đóng vai trò kết nối con người với thế giới bên ngoài.
Vật liệu đề xuất: Nên sử dụng tay nắm chịu lực hoặc cơ chế đòn bẩy cho cửa ra vào và cửa sổ mở xoay, ray trượt hoặc tay nắm cho cửa ra vào và cửa sổ mở trượt. Các chốt hoặc khóa phải dễ vận hành và cho phép mở từ bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Phòng tắm
Kích thước và độ mở phòng tắm phải cho phép xe lăn dễ dàng truy cập và di chuyển vào bên trong với đường kính tối thiểu 150cm, cao tối thiểu 70cm. Nên sử dụng cửa trượt hoặc cửa mở xoay ra ngoài. Thanh vịn và các phụ kiện cũng là nơi để treo nạng hoặc gậy chống (hỗ trợ cho người già hay những người gặp khó khăn về thể chất). Bề mặt sàn phòng tắm phải bằng phẳng, không trơn trượt.
Tiêu chuẩn về kích thước khi thiết kế phòng vệ sinh.
Khuyến nghị với các vật dụng chính:
- Toilet: Toilet nên được lắp đặt ở độ cao không quá 50cm và phải có ít nhất một lối vào rộng 80cm. Cơ chế xả nước cần dễ sử dụng.
- Bồn rửa: Nên lắp đặt bồn rửa ở độ cao 80cm, tránh đặt bồn rửa lên đồ nội thất hay bệ, đồng thời phải giải phóng không gian xung quanh để xe lăn có thể tiếp cận (tối thiểu 70cm).
- Buồng tắm vòi sen: Buồng tắm vòi sen nên có cùng cao độ với sàn phòng tắm độ dốc 2% về phía cống thoát nước, diện tích tối thiểu 90x120cm, được trang bị ghế gấp gắn tường. Các thanh vịn nên lắp ở độ cao 85cm, sử dụng vòi nước gật gù và trong tầm tay với khi ngồi từ vị trí ghế tắm. Vòi tắm sen với thiết kế linh hoạt tạo sự thuận tiện cho hoạt động của người dùng.
Phòng bếp
Phải thật cẩn thận khi phân bổ không gian làm việc trong bếp, thúc đẩy sự di chuyển trơn tru từ bếp nấu, bồn rửa và tủ lạnh. Bàn bếp cần cao khoảng 80cm và được giải phóng không gian trống bên dưới để người ngồi xe lăn có thể tiếp cận dễ dàng với trường hợp gia đình có thành viên gặp khó khăn về thể chất. Tất cả các đồ dùng, dụng cụ sơ chế phải được đặt trong tầm với. Nhiều căn bếp hiện đại được trang bị giá bát nâng hạ rất thuận tiện cho người sử dụng.
Các thông số tiêu chuẩn khi thiết kế bếp.
Vật liệu đề xuất: Nhìn chung, trong bếp nên sử dụng vật liệu lát sàn với bề mặt chống trơn trượt, vòi nước kiểu gật gù cùng các hệ thống, công nghệ hay thiết bị hỗ trợ quá trình nấu nướng được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Phòng ngủ
Phòng ngủ là nơi để con người nghỉ ngơi, thư giãn nên phải mang lại cảm giác dễ chịu, thư thái. Khi thiết kế phòng ngủ, cần tuân theo những tiêu chí mấu chốt tương tự như các không gian trên, tính đến cả các kích thước tối thiểu để con người có thể di chuyển dễ dàng: khoảng cách lưu thông 90cm và khu vực để xoay xe lăn 150cm, giường cao không quá 50cm... Các công tắc, ổ cắm điện phải lắp đặt ở trong tầm với.
Khuyến nghị cơ bản về khoảng cách và kích thước trong phòng ngủ.
Phòng khách
Ngoài đáp ứng các kích thước tối thiểu như trên, phòng khách cũng là phải một không gian linh hoạt, cho phép chúng ta thoải mái thiết kế, bài trí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết cấu hay màu sắc cùng các điều kiện nhiệt, âm thanh, ánh sáng có thể tạo ra sự khác biệt cho thói quen sinh hoạt cũng như cách con người cảm nhận về không gian phòng khách - nơi họ thường nán lại lâu nhất trong nhà, cũng là nơi để hàn gắn tâm hồn thông qua việc kích thích các giác quan. Ngày nay, chi phí cho tự động hóa nhà ở và nhà thông minh ngày càng phải chăng, việc tích hợp cũng dễ dàng hơn sẽ giúp cải thiện không gian sinh hoạt chung này thông qua cảm biến chuyển động, bảng điều khiển hay lệnh thoại.
Minh Châu
>> Nguyên tắc bố trí công tắc, ổ cắm điện – ai sắp xây nhà đều nên biết