Cửa chống cháy là gì?
Cửa chống cháy là loại cửa đáp ứng tiêu chuẩn chịu lửa, có thể ngăn lửa, khói lan sang giữa các tầng hay giữa các khu vực khác nhau trong một tòa nhà, cho phép mọi người sơ tán an toàn khỏi đám cháy.
Vật liệu làm cửa chống cháy
Cửa chống cháy có thể gồm một hoặc hai cánh, cấu thành từ nhiều vật liệu khác nhau như thủy tinh gốm sứ và thép. Phụ kiện đi kèm gồm các ổ khóa, bản lề, tay co thủy lực, thanh thoát hiểm. Nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ, tất cả các bộ phận (bao gồm cả khóa và bản lề) đều phải tuân thủ quy định về kỹ thuật phòng cháy của mỗi quốc gia.
Vị trí lắp đặt cửa chống cháy
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc sử dụng cửa chống cháy là bắt buộc đối với những tòa nhà cao hơn bốn tầng. Cửa chống cháy thường được lắp đặt ở khu vực cầu thang, bao gồm hai lớp cửa chống cháy và khoảng không gian ở giữa đủ rộng rãi đủ cho xe lăn, đảm bảo an toàn cho mọi người bên trong cho tới khi cứu hộ đến.
Cửa chống cháy bảo vệ cầu thang từ các hành lang mở ra cho người thoát hiểm.
Theo quy định, cửa chống cháy cũng phải được trang bị cho những nơi đông người như rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, sân bay, bệnh viện, trường học và chung cư (nhất là tầng hầm). Vị trí lắp đặt cửa thường là nơi hạn chế tiếp cận, lối thoát hiểm, lối đi, lối vào văn phòng, khu vực lánh nạn, không gian ngăn cách giữa các khu vực công nghiệp nguy hiểm, trong các phòng đo lường, bảo vệ hoặc chuyển đổi năng lượng điện.
Cần lắp đặt thêm các biển cảnh báo, nhắc nhở mọi người luôn phải đóng chặt cửa trong toàn bộ thời gian xảy ra hỏa hoạn cho tới khi báo động cháy được tắt. Mọi chướng ngại vật ngăn gây cản trở quá trình đóng cửa đều bị ngăn cấm.
Một số loại cửa chống cháy cao cấp còn có cảm biến điện từ được kết nối với hệ thống báo cháy và wifi, có thể tự động đóng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Mọi cửa chống cháy đều giống nhau?
Miễn là cửa chống cháy được sản xuất, lắp đặt theo đúng quy định, trong một số trường hợp, nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình, người ta có thể ngụy trang cửa chống cháy và tích hợp nó vào thiết kế kiến trúc mà không làm ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ của cửa.
Quy định về cửa chống cháy
Tất cả các loại cửa chống cháy đều phải được thử nghiệm và kiểm tra dưới nhiều cấu hình để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng mà không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào. Kết quả đánh giá là căn cứ để xác định thời gian chống cháy khi tiếp xúc trực tiếp với lửa: 30 phút (ngày càng có ít chuyên gia khuyên dùng loại cửa này), 45 phút, 60 phút, 90 phút, 120 phút và thậm chí cả 180 phút hay 240 phút. Ở nhiều nơi trên thế giới, các chỉ số này được ký hiệu là R30, R60, R90 và R120.
Theo mục 5.2 TCVN 6160:1996, giới hạn chịu lửa nhỏ nhất của các bộ phận có tính năng ngăn cháy được quy định như sau:
- Cửa đi, cửa sổ và cổng ở tường ngăn phải làm từ vật liệu không cháy, có giới hạn chịu lửa từ 45 phút trở nên.
- Vách ngăn phải làm từ vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa từ 45 phút trở lên.
- Cửa đi, cửa sổ ở vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy vào các tầng hầm, mái, cửa lên mái phải làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa từ 40 phút trở lên.
- Cửa tại các buồng thang bộ, cửa phòng kỹ thuật, các phòng dưới tầng hầm phải là cửa chống cháy, có cơ chế tự động đóng, giới hạn chịu lửa từ 45 phút trở lên.
Theo quy định tại QCVN 06:2010/BXD, cửa chống cháy muốn đạt giới hạn chịu lửa 60 phút thì kết cấu cửa không bị phá hủy khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ khoảng 1.000 độ C (nhiệt độ tăng dần đến tối đa khoảng 1.000 độ C) trong thời gian 60 phút và mặt không tiếp xúc với lửa không được vượt quá 220 độ C.
Ngoài cửa chống cháy, cần cân nhắc những yếu tố nào?
Cửa chống cháy rất quan trọng nhưng cần kết hợp thêm một bộ các biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo hiệu quả trọn vẹn của hệ thống phòng cháy chữa cháy trong trường hợp xảy ra nguy hiểm:
- Lan can: Phải có độ cao chính xác theo quy chuẩn, được bo tròn và gắn chắc chắn vào tường.
- Đèn chỉ dẫn: Rất cần thiết để mọi người có thể đi theo lối thoát hiểm.
- Biển báo phát quang: Đây là những nhãn dán phát sáng trong bóng tối, chỉ dẫn lối thoát hiểm, số tầng, lối ra và lối vào tầng trệt.
- Chất chữa cháy các loại:
- Nước: Thích hợp để dập tắt đám cháy trên gỗ, nhựa, cao su và vải.
- Bột hóa học: Chủ yếu được sử dụng để dập tắt đám cháy gây ra bởi chất lỏng dễ cháy như xăng, cồn, dầu hỏa, dầu diesel.
- CO2: Áp dụng để chữa cháy cho phòng chứa thiết bị điện như máy bơm, động cơ, máy phát điện, pin tích điện, kho chứa chất lỏng dễ cháy, kho hóa chất…
Minh Châu