Những điều cần biết khi thiết kế, lắp đặt thang máy gia đình

Trước kia, thang máy chỉ được sử dụng ở những công trình lớn như văn phòng, nhà hàng, khách sạn thì giờ đây sự phổ biến của thang máy gia đình trong các công trình nhà ở dân dụng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức đi lại của các thành viên trong gia đình.

Nhờ có thang máy gia đình, quá trình di chuyển của mỗi người trở nên thuận tiện, đơn giản hơn rất nhiều, hạn chế việc phải sử dụng thang bộ. Việc vận chuyển đồ đạc cũng dễ dàng hơn mà không tiêu tốn sức người. Những thắc mắc về đầu tư, lắp đặt thang máy gia đình sẽ được các kỹ sư giải đáp ngay dưới đây.

Nhà 3, 4 tầng có nên thiết kế, lắp đặt thang máy?

Như chúng ta đã biết, việc di chuyển lên xuống cầu thang giữa các tầng trong nhà đôi khi gây mất thời gian và mất sức, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật. Những căn nhà có 3, 4 tầng thì việc di chuyển lên các phòng ở tầng 3 hay tầng 4 khi di chuyển xuống dưới rất bất tiện. Điều này khiến nhiều gia đình gặp khó khăn khi sắp xếp, phân chia phòng ngủ cho các thành viên ở các tầng phía trên. Không ít hộ gia đình có nhà 3, 4 tầng đã lắp đặt thang máy để thuận tiện cho việc đi lại, mang lại hiệu quả rất lớn. Vì thế, nhà từ 3, 4 tầng hoàn toàn có thể lắp đặt thang máy.

thang máy gia đình cạnh cầu thang
Thang máy gia đình phù hợp với những công trình nhà ở dân dụng cao tầng.

Tuy nhiên, thang máy đòi hỏi diện tích sàn khá lớn, tối thiểu 60m2/sàn. Bề ngang nhà từ 4m trở lên sẽ dễ dàng hơn cho việc lắp đặt. Mặt khác, thang máy cũng cần hệ thống, kết cấu dầm, sàn chịu lực riêng.

Nếu diện tích nhà quá nhỏ, bạn có thể chọn thang máy kích thước 1.300x1.100mm. Đây là thang máy có cabin với tải trọng 1-2 người/lần. Loại thang máy mini kích thước 0,8m2 cũng phù hợp để lắp đặt trong các công trình nhà ở tư nhân.

Nên bố trí thang máy gia đình ở đâu trong nhà?

Có thể bố trí thang máy ở bất cứ vị trí nào, trong nhà, giếng trời, góc nhà, vị trí cạnh hoặc giữa cầu thang bộ. Bạn cũng có thể bố trí thang máy ở ngoài trời nơi có một mặt giáp tường nhà. Vị trí lắp đặt thang máy gia đình sẽ được kiến trúc sư và chủ nhà cùng nhau bàn bạc, đảm bảo các tiêu chí:

  • Tiện dụng, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng.
  • Đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa kiến trúc tổng thể của ngôi nhà.
  • Không làm hỏng kết cấu của công trình hiện có.

mặt bằng nhà thể hiện vị trí lắp đặt thang máy gia đình
Vị trí lắp đặt thang máy gia đình cần đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa với kiến trúc của ngôi nhà.

Hố PIT thang máy có cần thiết?

Trước hết, cần hiểu hố PIT thang máy là phần hố nằm dưới cùng của giếng thang, tính từ mặt sàn tầng dừng thấp nhất trở xuống. Thông thường, hố PIT được thiết kế âm so với mặt sàn. Thang máy nào cũng cần có hố PIT để đáy sàn cabin có thể chui vừa khi thang chạy xuống tầng thấp nhất. Bên cạnh đó, hố PIT cũng là nơi đặt các thiết bị khác như buffer giảm chấn cabin, buffer giảm chấn đối trọng, đối trọng governor, công tắc hành trình.

Hiện nay thang máy gia đình nông nhất trên thị trường yêu cầu độ sâu hố PIT tối thiểu là 550mm. Tại Việt Nam, loại thang máy sử dụng cáp kéo có hố PIT nông nhất hiện là thang máy gia đình Mitsubishi nhập khẩu nguyên chiếc, loại thang này chỉ cần hố PIT sâu 450mm.

Có loại thang máy gia đình nào?

Có 2 dòng thang máy gia đình là thang có phòng máy (CPM - MR) hay thang không phòng máy (KPM - MRL). Về độ an toàn thì thang CPM và KPM đều an toàn. Giá tiền là như nhau nếu máy kéo đều dùng công nghệ không hộp số. Giá thang chỉ khác nhau khi lựa chọn thang dùng động cơ có hộp số (CHS) hay không hộp số (KHS).

Thang CPM MR sử dụng máy kéo có hộp số

  • Ưu điểm: Có phòng máy riêng, chuyên viên bảo trì sẽ dễ dàng thao tác hơn khi kiểm tra tủ điện, máy kéo. Hố thang có kích thước nhỏ hơn thang không phòng máy nếu cùng tốc độ và tải trọng.
  • Nhược điểm: Tiếng ồn lớn, tốn điện, tốn chi phí thay dầu định kỳ cho hộp số, có thể tốn thêm chi phí sửa chữa động cơ. Chi phí cho phần xây dựng phòng máy lớn hơn (thông thường chiều cao phòng máy là 2.100 - 2.600mm). 
  • Phù hợp: Nơi không bị khống chế chiều cao tầng xây dựng.

Thang CPM MR dùng máy kéo không hộp số

  • Ưu điểm: Dễ bảo trì, êm ái, bền, tiếng ồn cực thấp, tiết kiệm điện năng, động cơ vận hành êm, bền không tốn tiền thay dầu mỡ, sửa chữa.
  • Nhược điểm: Giá cao hơn (tương đương thang KPM) do máy kéo đều dùng công nghệ KHS .
  • Phù hợp: Nơi bị khống chế chiều cao tầng xây dựng.

Thang không phòng máy MRL

  • Ưu điểm: Giống thang có phòng máy.
  • Nhược điểm: Giá cao hơn (chỉ dùng máy kéo không hộp số), khó bảo trì sửa chữa hơn so với thang CPM một chút.
  • Phù hợp: Những nơi bị khống chế chiều cao tầng như ở Hà Nội hay TP.HCM.

Nguồn điện sử dụng cho thang máy gia đình?

Hầu hết các thang máy gia đình đều cần điện 3 pha. Nên sử dụng nguồn điện 3 pha 4 dây có dây trung tính nối đất để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hiện nay, các hộ gia đình đều có thể đăng ký lắp điện 3 pha để phục vụ cho sinh hoạt, tuy nhiên để được điện lực phục vụ thì cần phải hội đủ 2 yếu tố sau:

  • Nhà nằm trong khu vực có hạ tầng điện lưới 3 pha.
  • Chứng minh được gia đình có sử dụng thiết bị công suất lớn, yêu cầu phải dùng điện 3 pha. Chứng minh bằng cách nào? Chủ nhà chỉ cần gửi cho bên điện lực một bản photocopy hợp đồng mua thang máy, trong đó thể hiện rõ yêu cầu nguồn điện cấp cho thang máy là điện 3 pha.

 

Chi phí lắp điện 3 pha cho thang máy

  • Chi phí thiết bị vật tư như dây dẫn điện 3 pha. Lưu ý, công tơ điện, CB, hộp công tơ, thiết bị treo công tơ... sẽ do điện lực cung cấp và khách hàng không phải thanh toán. Dây điện 3 pha dùng cho thang máy là cáp điện 3x10 1x6 hiện có giá khoảng 100.000 đồng/m.
  • Chi phí nhân công lắp đặt sau công tơ (chi phí kéo dây điện từ công tơ vào nhà).
  • Các khoản thuế phí theo quy định của Nhà nước.

Tổng chi phí lắp đặt điện pha cho hộ gia đình khoảng từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào từng khu vực, vào vị trí lắp đặt, khoảng cách từ công tơ tới công trình.

Chi phí lắp đặt thang máy gia đình?

Giá thang máy gia đình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Số điểm dừng, tải trọng, tốc độ, xuất xứ, thương hiệu, động cơ có hộp số hay không hộp số, thang mới hay cũ, tủ điện công nghệ PLC hay vi xử lý, tủ điều khiển nhập nguyên chiếc hay đấu nối trong nước, mẫu hoa văn, chất liệu thang…

Trên cơ sở lựa chọn loại thang, cấu hình thiết bị, mẫu mã, thang máy gia đình sẽ có giá dao động trong khoảng rẻ nhất từ 250 triệu đến 950 triệu đồng tùy theo yêu cầu thực tế của chủ nhà.

Tư vấn nội dung: Kiến trúc xây dựng Song Phát