Đào móng làm sập nhà bên cạnh, ai phải bồi thường?

Mới đây, một ngôi nhà phố 3 tầng ở Lào Cai bất ngờ sập đổ hoàn toàn chỉ trong tích tắc. Theo nhận định ban đầu, ngôi nhà sập là do ảnh hưởng của việc hàng xóm thi công móng nhà. Vậy trong những trường hợp như thế thì việc bồi thường cho chủ nhà bị sập được xác định như thế nào, ai có trách nhiệm bồi thường và bồi thường những gì?

Hiện nay, các công trình nhà ở được xây dựng ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Luật Xây dựng quy định: Việc thi công nhà ở riêng lẻ ở đô thị phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo tính an toàn hạ tầng – kỹ thuật và đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị. Tuy vậy, trên thực tế đã xảy ra không ít sự cố trong quá trình thi công nhà ở, thậm chí làm sập các công trình lân cận gây nguy hiểm đến tính mạng con người và thiệt hại lớn về tài sản. Nếu có căn cứ cho rằng việc xây nhà là nguyên nhân khiến nhà hàng xóm bị sập thì chủ nhà đang xây có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà hàng xóm hay không và việc bồi thường sẽ được xác định như thế nào?


Hiện trường ngôi nhà phố ở Lào Cai bị sập hôm 14/12 (ảnh: Phạm Ngọc Triển).

Trước tiên, cần xác định nguyên nhân khiến nhà hàng xóm bị sập là do nhà cũ tự sụp đổ hay lỗi thuộc bên xây nhà mới. Nếu như có lỗi của người xây nhà mới thì cần xác định thêm là có lỗi của bên thi công hay không, chẳng hạn đơn vị thi công không khảo sát công trình lân cận và không cắt cử người giám sát, quan trắc trong quá trình thi công dẫn đến sự cố đáng tiếc xảy ra.

Việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra được quy định cụ thể tại Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Theo đó, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định nguyên nhân đổ sập của ngôi nhà nói trên do nhà bên cạnh thi công móng thì việc bồi thường sẽ do chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý công trình xây dựng bên cạnh thực hiện. Nếu có lỗi của đơn vị thi công thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm liên đới.

Việc bồi thường thiệt hại như thế nào?

Khoản 1, Điều 3, Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định:

1. Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Như vậy, hai bên sẽ tự thỏa thuận về các thiệt hại. Trong trường hợp không tự thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết hoặc không đồng ý với mức bồi thường thì có thể khởi kiện ra Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Ở đây, các thiệt hại sẽ bao gồm các khoản thiệt hại về người (nếu có) và về tài sản:

  • Nếu có thiệt hại về người thì phải chịu chi phí bồi thường cho thiệt hại sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm.
  • Thiệt hại về tài sản gồm một số khoản như tài sản bị hư hỏng, bị mất, bị hủy hoại, thậm chí cả chi phí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là thiệt hại phải được bồi thường kịp thời, toàn bộ. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Làm sập nhà hàng xóm khi thi công công trình là điều không ai mong muốn. Do vậy, khi thi công bất cứ công trình nào cũng cần tuân thủ các quy định liên quan để đảm bảo về mặt an toàn. Liên quan đến xây dựng nhà ở, một số chuyên gia xây dựng cho rằng, cần tổ chức khảo sát địa chất công trình trước khi thi công nhằm thu thập tài liệu về các lớp đất, kết cấu đất, từ đó tính toán cấu tạo móng nhà cho phù hợp và đưa ra phương án thi công an toàn. Đặc biệt, với công trình nhà ống xây chen giữa 2 căn nhà khác thì còn phải thu thập thông tin từ 2 nhà lân cận, khảo sát hồ sơ thiết kế móng nhà của họ để xem đó là loại móng gì.

Về phần chủ nhà, trước khi tiến hành thi công, cần làm một số công tác với hàng xóm, dân cư trong khu vực. Chủ nhà nên sang trao đổi, xin phép hàng xóm về việc khởi công sắp tới, nhờ họ thông cảm, giúp đỡ trong quá trình xây dựng. Mặt khác, chủ nhà nên thẳng thắn đề nghị kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực để có cơ sở thương lượng bồi thường trong trường hợp gây rạn nứt kết cấu, sụt lún các nhà lân cận.

Khánh An (tổng hợp)