Tường chịu lực là gì? Hướng dẫn nhận biết tường chịu lực

Tường chịu lực ứng dụng kết cấu truyền tải trọng của tường, sàn, hướng các lực ngang và lực dọc thẳng đứng thông qua nó và truyền xuống móng.

Khi xét đến tính chịu lực, tường nhà được phân thành tường chịu lực và tường không chịu lực với chức năng, đặc điểm riêng. Ở đây, tường chịu lực là tường được làm bằng hệ thống kết cấu các vật liệu có tính chịu lực cao, thường sử dụng gạch đất sét nung hoặc các vật liệu có cùng tính chất hoặc tốt hơn. Tường chịu lực vừa có chức năng mang tải trọng bản thân, vừa truyền tải trọng cho các cấu kiện bên trên và hoạt tải của công trình. Tải trọng sẽ được truyền xuống tường và nền móng công trình thông qua hệ thống dầm sàn. Bên cạnh đó, tường chịu lực còn có nhiệm vụ tăng độ cứng tổng thể không gian công trình. Khái niệm về hệ tường xây chịu lực là khi toàn bộ tải trọng trước khi truyền xuống móng nhà phải thông qua kết cấu tường.

tường chịu lực
Hiểu đơn giản hơn, tường chịu lực là tường chịu thêm tải trọng của các bộ phận khác ngoài tài trọng của chính nó.

Phân loại tường chịu lực

Người ta dựa vào các đặc điểm và chức năng khác nhau để phân biệt cấu tạo tường chịu lực là tường chịu lực dọc và tường chịu lực ngang.

Tường ngang chịu lực

Đây là loại tường chịu lực được bố trí theo phương ngang, nó ngăn cách các phòng khác nhau, chịu toàn bộ tải trọng từ các bộ phận khác truyền vào, sau đó truyền xuống kết cấu móng. Hệ tường dọc trong trường hợp này chỉ có chức năng là bao che. Người ta ứng dụng tương ngang chịu lực cho các nhà có các phòng đồng đều nhau và chiều rộng B<4m.

Ưu điểm của tường chịu lực ngang:

  • Với nhà lớn, tường ngang thường có kết cấu đơn giản, sàn gác nhịp nhỏ, ít dầm.
  • Với nhà mái dốc, tường ngang đóng vai trò làm tường thu hồi trong kết cấu chịu lực chính.
  • Tường ngang chịu lực vừa ngăn cách các phòng, vừa tạo cách âm tốt.
  • Cho phép mở cửa lớn để tạo độ thông thoáng, làm logia, ban công.

Nhược điểm:

  • Khi sử dụng tường ngang chịu lực, không gian các phòng bị bằng nhau nên đơn điệu và kém linh hoạt.
  • Tường ngang chịu lực nhiều và dày gây tốn kém vật liệu xây dựng làm móng và tường.
  • Khó tận dụng được khả năng chịu lực của tường dọc.

Tường dọc chịu lực

Tường dọc chịu lực được bố trí theo phường dọc. Nhằm đảm bảo độ cứng ngang của nhà thì mỗi khoảng nhất định vẫn cần bố trí trụ hoặc lắp tường ngang dày làm tường ổn định.

Ưu điểm:

  • Mặt bằng kiến trúc được bố trí linh hoạt.
  • Cho phép tận dụng hết khả năng chịu lực của các tường ngoài.
  • Sử dụng tường dọc chịu lực giúp tiết kiệm diện tích xây dựng móng.

Nhược điểm:

  • Khả năng cách âm không tốt vì bề dày của tường mỏng.
  • Không mở được nhiều cửa sổ, gây bất tiện cho thông gió, chiếu sáng.
  • Không tận dụng được tường ngang làm tường thu hồi.

Tường ngang kết hợp dọc chịu lực

Việc bố trí chịu lực theo cả phương dọc và ngang cho kết cấu tường dọc kết hợp ngang chịu lực. Cách làm này cho phép chúng ta có các giải pháp bố trí phòng linh hoạt, đồng thời tăng độ cứng tổng thể cho ngôi nhà. Tuy vậy, tường ngang kết hợp dọc chịu lực gây lãng phí không gian và làm gia tăng chi phí vật liệu làm tường, móng.

Giải pháp được đưa ra là bố trí tường ngang chịu lực ở phía đầu gió và tường dọc chịu lực ở phía cuối gió.

Cách xác định vị trí tường chịu lực

Khi cần nâng cấp, sửa chữa nhà thì việc xác định tường chịu lực nằm ở vị trí nào rất quan trọng vì chỉ cần tác động đến một bức tường chịu lực cũng đủ làm thay đổi kết cấu nhà, thậm chí dẫn tới tình trạng sập, đổ. Tuy nhiên, phần đông các gia đình hiện nay, nhất là những người mua lại nhà đã xây từ lâu mà thất lạc bản vẽ kỹ thuật thì việc nhận biết tường chịu lực trong nhà không hề đơn giản. Khi đó, có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

Dựa vào vị trí

Cách xác định tường chịu phổ biến nhất là căn cứ vào vị trí của tường. Trong một ngôi nhà, nếu tường là kết cấu chịu lực duy nhất thì toàn bộ tường bao ngoài được coi là tường chịu lực. Những bức tường này cũng có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể xác định tường chịu lực dựa vào khoảng cách đến tường bao, theo hướng dầm, xà…

Tường chịu lực trong nhà cao tầng

Khi xác định tường chịu lực trong nhà cao tầng, cần kiểm tra từ tầng thấp đến tầng cao. Thông thường, độ dày của một số bức tường sẽ giảm dần khi lên cao, thậm chí là tiêu biến. Đây chính là những bức tường không chịu tải nên có thể giảm bớt, còn những bức tường mà chiều dày không hề giảm chính là tường chịu lực, đóng vai trò chịu tải cho toàn bộ công trình.

Độ dày của tường

Tường chịu lực phải có bề dày tối thiểu 200mm, có giằng để đảm bảo an toàn. Độ dày này lớn hơn so với tường tự mang thông thường. Chỉ cần gõ lên tường nghe thấy ấm thanh rất đặc thì đó là tường chịu lực. Ngược lại, âm thanh vang hơn thì không phải là tường chịu lực.

Chất liệu tường

Tường chịu lực có thể được làm từ các vật liệu như bê tông, cốt thép, gạch, đá. Với nhà ở dân dụng, tường chịu lực thường chỉ dùng gạch, đá.

Căn cứ vào hệ thống dầm đà, cột

Tường chịu lực thường có thể là những bức tường có dầm nối trực tiếp với móng bê tông hoặc vuông góc với dầm ngang.

Căn cứ vào sự thay đổi cấu trúc

Những ngôi nhà được xây dựng từ lâu thì đà ngang, dầm, cột sẽ xuống cấp khiến toàn bộ trọng lượng của công trình dồn vào những bức tường tự mang.

Lưu ý khi tháo dỡ, cải tạo

Không được tháo dỡ tường chịu lực khi cải tạo, sửa chữa nhà. Ngoài ra, cần tránh mở cửa sổ, cửa ra vào tại bức tường chịu lực vì nó sẽ phá hủy khả năng chịu tải của tường. Nếu không thể xác định được đâu là tường chịu lực thì cần nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia để đảm bảo an toàn tối đa. 

Khánh An (tổng hợp)