Vốn chỉ ưa chuộng mua nhà đất tại TP.HCM, không hứng thú với thị trường tỉnh nên gần 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Hoài, một nhà đầu tư lâu năm tại quận 10, TP.HCM hầu như không tham gia vào thị trường. Tuy nhiên gần đây nhà đầu tư này buộc phải chọn cách đánh bắt xa bờ do không tìm được nguồn hàng tốt tại thị trường truyền thống. Theo bà Hoài chia sẻ, thời điểm đầu năm bà đã nhắm đến việc mua đất nền khu Đông do thấy có nhiều thông tin rao bán cắt lỗ đất đai. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế bà mới biết hầu hết sản phẩm cắt lỗ đều là nguồn hàng “dạt”, hàng trôi nổi với giá trị thương mại không cao. Bà Hoài muốn nhắm đất nền, nhà phố chính quy từ các doanh nghiệp BĐS uy tín triển khai nhưng đến hiện tại, TP.HCM gần như không có sản phẩm chính quy từ dự án tử tế nào rao bán, thậm chí sản phẩm thứ cấp dân đầu tư bán lại với mức chênh không thấp cũng vướng nhiều yếu tố pháp lý.
Dù biết muốn đầu tư đất nền thì buộc phải dạt về tỉnh nhưng bà Hoài chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thanh khoản ở thị trường này. Thêm vào đó, giá đất tại nhiều tỉnh thành thời gian gần đây tăng cao không thua kém gì TP.HCM làm nhà đầu tư này cũng phải suy xét lại. “Tôi đánh giá sai về thị trường tỉnh khi nghĩ rằng giá đất nơi đây còn mềm. Một lô đất có giá gần chục tỷ, không thua gì TP.HCM trong khi tiềm năng phát triển không bằng, lại phải chấp nhận đầu tư dài hạn do đón đầu hạ tầng tương lai. Dù nhiều khu vực được nhận định là rất hứa hẹn nhưng chôn vốn 5-6 năm mà không chắc lợi nhuận có thể đạt được như kỳ vọng không khiến tôi chưa dám mạo hiểm”, bà Hoài cho hay.
Nhiều người mua nhà đất buộc phải dịch chuyển về vùng ven vì không thể tìm được sản phẩm đầu tư phù hợp tại TP.HCM. Ảnh Phương Uyên
Không chỉ thiếu dự án mới, cung và cầu không gặp được nhau cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư dù rất hứng thú với thị trường cũng chưa muốn xuống tiền mua nhà đất. Anh Đinh Văn Tú, một nhà đầu tư tại quận 2 cho biết đã xác định sẽ không mua BĐS trong năm 2020 vì không có sản phẩm phù hợp. Được biết thời điểm quý 2/2020 anh từng có ý định đầu tư ở một dự án chung cư cao cấp tại quận 9 nhưng khi dự án này chính thức chào bán với bảng giá mới, anh quyết định rút lui. “Giá bán quá cao, cao vượt dự kiến ban đầu làm tôi không còn hứng thú đầu tư. Tuy đây là một khu đô thị nhiều tiềm năng nhưng lại triển khai ở khu vực vùng ven, khá xa trung tâm và hạ tầng vẫn chưa có biến chuyển lớn. Mức giá bán lên đến 45 triệu/m2 là quá cao và không còn nhiều hấp dẫn”, anh Tú cho hay.
Trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung mới, nhiều nhà đầu tư thừa nhận họ chưa biết phân bổ dòng tiền nhàn rỗi vào đâu khi suốt một năm qua, thị trường TP.HCM không có nhiều dự án mới. Lượng dự án mới triển khai lại chủ yếu nghiêng về loại hình cao cấp với giá bán trung bình từ 40-50 triệu/m2, vượt qua dự kiến tài chính của nhiều người, nhất là khi dịch bệnh ảnh hưởng tới thu nhập chung của hầu hết các đối tượng. Nguồn cung khan hiếm cũng khiến nhiều dự án có mức giá bán tăng quá cao, thậm chí vượt giá trị thật của sản phẩm. Vậy nên không chỉ người mua thực khó tiếp cận mà nhiều dân đầu tư vì lo sợ khó khăn khi sang nhượng lại sau này cũng chưa muốn đổ tiền vào nhà đất.
Đối với dòng sản phẩm đất nền, do chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu tư, lướt sóng nên dù số sản phẩm chào bán khá đa dạng vẫn không nhận được sự quan tâm của người mua. Bên cạnh việc giá đất nền đang neo ở mức cao, chi phí bỏ ra lớn cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ rủi ro chôn vốn trong khi chưa biết thời điểm nào thị trường hồi phục. Ngoài ra, dù là phân khúc có nguồn cung dồi dào nhưng dự án đất nền mới lại không nhiều, chủ yếu vẫn là giao dịch sản phẩm thứ cấp với mức chênh khá cao dù thị trường giảm nhiệt.
BĐS TP.HCM luôn là thị trường có sức nóng dẫn đầu cả nước trong nhiều năm trở lại đây, nhưng năm 2020 thị trường này buộc phải nhường sân chơi cho các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... Không những thế, nhu cầu tìm kiếm BĐS tại TP.HCM còn giảm nhiệt hơn so với Hà Nội. Mọi hi vọng đang được dồn vào quý 4/2020 khi loạt dự án lỗi hẹn quý 3 rục rịch ra hàng vào cuối năm nay. Dù giải được bài toán nguồn cung, nhưng việc giá nhà leo thang, dòng tiền trong dân có xu hướng đổ sang vàng, chứng khoán khiến thị trường BĐS cuối năm sẽ không ít thách thức.
Phương Uyên