Chung cư nhà ở xã hội vẫn chưa có sự phát triển bứt tốc mạnh mẽ dù được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều thách thức đang khiến phân khúc này gặp khó trong quá trình phát triển hướng tới đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra.
Chung Cư Nhà Ở Xã Hội Vẫn Đối Mặt Nhiều Thách Thức Trong Phát Triển
Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến hiện tại, nhiều chung cư nhà ở xã hội đã được khởi công trên cả nước. Nhưng con số đạt được vẫn vô cùng nhỏ so với đề án 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra. Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn, đạt 4,6% so với mục tiêu đề ra; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Với những con số đã đạt được, trao đổi với TinNhaDatVN.Com, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Mội giới Bất động sản Việt Nam cho biết, ngay cả khi tất cả các dự án đang triển khai hoàn thành vào giai đoạn 1, để đạt được kế hoạch hoàn thành 428.000 căn trước năm 2026, thì từ nay đến năm 2025, cần phê duyệt và hoàn thành thêm 119,985 căn.
Trong khi đó, trên thực tế, thủ tục phê duyệt dự án chung cư nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Gói 120 nghìn tỷ vẫn chưa phát huy tác dụng mạnh, phần lớn các dự án thuộc đối tượng được vay vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Một số dự án còn lại đang trong giai đoạn được các địa phương tổng hợp, chờ công bố. Chính bởi vậy, ông Đính cho rằng, nếu không có các cơ chế mới để phát triển phân khúc này, rất khó để đạt được kế hoạch đề ra.
Nhìn nhận về những thách thức mà nhà ở xã hội đang phải đối mặt, tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ ra một số khó khăn.
Thứ nhất, là những khó khăn do chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận. Nhà ở xã hội hiện chủ yếu dành cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Thứ hai là những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi. Hiện chưa có một cơ chế, chính sách rõ ràng, bài bản, dài hơi trong phát triển nhà ở xã hội. Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể liên quan chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, nên mỗi địa phương tiến hành một kiểu. Việc làm nhà ở xã hội liên quan đến nhiều luật và nhiều nghị định, thông tư khiến quy trình, thủ tục phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại. Việc hoànthành dự án nhà ở xã hội phải mất đến 3-5 năm.
Thứ ba là các vướng mắc liên quan đến quỹ đất. Tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triến chung cư nhà ở xã hội còn xảy ra tạinhiều tỉnh, thành (chủ yếu do quy hoạch, thực thi). Bên cạnh đó, khâu đền bù, giải phóng mặt bằng luôn khó khăn, thậm chí bế tắc.
Thứ tư, nhà ở xã hội thiếu nguồn vốn tài trợ bền vững. Đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Nguồn vốn vay ngân sách được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội là rất ít, trong khi điều kiện – thủ tục phức tạp.
Giải Pháp Thúc Đẩy Chung Cư Nhà Ở Xã Hội
Để đề án 1 triệu nhà ở xã hội phát triển mạnh, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần nhanh chóng thể chế hoá và đảm bảo hiệu lực thực thi bằng văn bản quy phạm pháp luật những định hướng, điều kiện thuận lợi, ưu đãi đã được xác định trong đề án về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ hai, trên cơ sở Đề án, trong từng giai đoạn, các địa phương cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp dựa trên điều chỉnh quy hoạch, vị trí đất đai và phân bổ nguồn lực phù hợp. Cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển bền vững thị trường bất động sản và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Thứ ba, chính quyền địa phương cần kiểm soát về giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và mức phí dịch vụ khu nhà ở xã hội.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, dự báo tình hình, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, sinh viên mới ra trường. Trong đó, cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội để điều hành chính sách tài chính, tiền tệ cho phù hợp, nhất là lãi suất và cơ chế cho vay mua nhà ở xã hội.
Thứ năm, các doanh nghiệp cần tập trung điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc định hướng hoạt động, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và đề xuất điều chỉnh một số dự án sang nhà ở xã hội; có kế hoạch và chương trình phát triển nhà ở phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ, nội dung của Đề án về phát triển nhà ở xã hội.
Thứ sáu, cần rút ngắn thủ tục và thời gian giải quyết đối với phân khúc chung cư nhà ở xã hội xuống còn 10 – 12 tháng. Sau đó thời gian đầu tư xây dựng, chính quyền thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.Từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình, cấp giấy chứng nhận… đồng thời chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng bên ngoài để kết nối hạ tầng bên trong.
Về nguồn vốn, cần bố trí đầy đủ và quy định giải ngân đặc thù. Chính quyền địa phương lập danh sách công khai dự án vay vốn. Một số doanh nghiệp kiến nghị tăng giới hạn mức lợi nhuận hơn 10% như hiện nay, lãi suất vay dưới 6,5% /năm.
Ngoài ra, cần điều chỉnh tiêu chí, trình tự và thời gian xét duyệt cho người được mua, thuê. Đồng thời có quy định để các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp vào diện được thuê, mua, giải quyết cho người công nhân khu, cụm công nghiệp. Lãi suất vay mua nhà ở xã hội nên ở mức dưới 5% /năm, thì phù hợp với thu nhập hiện nay.
Nguyễn Nam
TỪ KHÓA: Bất động sản Hà Nộinhà ở xã hội