Kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tăng trưởng kinh tế suy giảm tại nhiều nền kinh tế trong quý 1/2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Giá dầu giảm do việc không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga cùng ảnh hưởng từ đại dịch lan rộng trên toàn cầu. IMF gần đây cũng cảnh báo kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020 trước khi phục hồi vào năm 2021. Cấu trúc kinh tế thế giới dự kiến sẽ thay đổi sau đại dịch. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục di chuyển khỏi Trung Quốc, tìm kiếm các địa điểm thay thế mới, bao gồm cả việc trở lại Mỹ và các nước láng giềng. Hiện các quốc gia trên thế giới đều có chính sách riêng để hỗ trợ nền kinh tế, cố gắng chống lại ảnh hưởng từ dịch bệnh Coronavirus.
Kinh tế Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tốc độ tăng trường GDP quý 1/2020 chỉ đạt 3,82%. Đại dịch đã gây ảnh hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11%). Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%. Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu khiến sản lượng ngành nông nghiệp giảm sút. Xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch Covid-19. Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12% trong quý 1. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,18%. Do đó, thị trường BĐS chịu ảnh hưởng tiêu cực ở cả nguồn cung và nguồn cầu và có xu hướng thu hẹp. Giá có khuynh hướng giảm chung trên các phân khúc.
Đại dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS chịu ảnh hưởng tiêu cực ở cả
nguồn cung và nguồn cầu và có xu hướng thu hẹp.
Nhà giá rẻ vẫn có chỗ đứng trong và sau đại dịch Covid-19
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản 2020 đang kế thừa những thách thức của năm 2019 là nguồn cung thấp, tín dụng, cấp phép dự án vẫn bị siết chặt. Riêng trong năm 2019, lực cầu của thị trường rất mạnh. Tỉ lệ hấp thụ mỗi lần mở bán của các dự án vào năm ngoái đều đạt trên 70%. Năm 2020, thị trường thêm chồng chất khó khăn do đại dịch Covid khiến sức mua sụt giảm.
Đơn cử, trong quý 1/2020, nguồn cung của thị trường là 52.000 sản phẩm, trong đó có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%, thấp nhất trong những năm gần đây.
Theo ông Đính, các đô thị lớn luôn ghi nhận sự tăng trưởng của dân số (khoảng nửa triệu dân số mỗi năm) nên nhu cầu nhà ở tại các thành phố rất lớn. Do đó, dòng sản phẩm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc có chỗ đứng trên thị trường trong và sau đại dịch bởi nguồn cầu của phân khúc này luôn hiện hữu dù thị trường khủng hoảng. Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, sau đại dịch, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Hải Đăng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Huấn luyện và Phát triển chiến lược Meyland cho rằng trong bối cảnh đại dịch phức tạp, những sản phẩm có pháp lý chắc chắn và được mua với đúng giá trị thực sẽ đảm bảo tiềm năng tăng giá khi dịch bệnh kết thúc và trong tương lai lâu dài. Đó là lí do doanh nghiệp này tung ra thị trường sản phẩm đô thị biển hướng tới các giá trị khác biệt, thiết thực tại một thị trường đang phát triển mạnh như Phú Quốc.
Nhìn nhận về tiềm năng thị trường trong hiện tại và tương lai, ông Nguyễn Quốc Anh, phó Tổng giám đốc TinNhaDatVN.Com cho biết từ những quan sát hiện tại, ông cho rằng các sản phẩm bất động sản sẽ giữ giá và không có làn sóng cắt lỗ, bán tháo như cuộc khủng hoảng bất động sản trước đó. Nguyên nhân là các chủ đầu tư đã mất rất nhiều chi phí để đưa sản phẩm ra thị trường nên giá sẽ không giảm. Sau đại dịch, thị trường sẽ phục hồi dần và giá sẽ tăng nhẹ.
Duy Bách
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS