Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, để cùng nhau chèo lái vượt qua cơn bão đại dịch CoViD-19.
Nhưng, nếu tại thời điểm này vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì rất khó cho cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020, như sau:
Đề nghị xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); giảm phí hoạt động ngân hàng.
Đề nghị tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.
Đề nghị xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.
Đề nghị tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
Đề nghị chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định "phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản nắm giữ do việc xử lý nợ vay trong thời hạn 03 năm" theo Khoản 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng, để vừa sớm xử lý nợ xấu, vừa thu hồi vốn, vừa đưa nguồn lực bất động sản vào lại nền kinh tế.
Đề nghị chỉ đạo và có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện "hoạt động cho vay hợp vốn" (Khoản (2.a) Thông tư 39/2016/TT-NHNN), để vừa tăng thêm nguồn vốn tín dụng, vừa nâng cao chất lượng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng (thẩm định chéo), cũng vừa hỗ trợ lẫn nhau khi đã chạm trần giới hạn cấp tín dụng.
Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới rộng thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng, đối với một khách hàng không được vượt quá 20%; đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020.