Hoa hồng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu mỗi hợp đồng thành công khiến môi giới bất động sản trở thành ngành nghề hấp dẫn. Nhưng cũng chính bởi khoản lợi nhuận “kếch xù” mà nhiều môi giới bất chấp, sẵn sàng bóp méo thông tin, thị trường, thậm chí lừa đảo nhằm đạt được giao dịch. Bởi vậy mà môi giới bất động sản chịu nhiều định kiến và bị kì thị gọi là “cò đất”.
Những năm gần đây, thị trường phát triển mạnh mẽ, tính chuyên nghiệp của nghề môi giới bất động sản được nâng cao, ngành nghề này cũng đón nhận sự cởi mở hơn trong việc nhìn nhận và đánh giá. Nhưng thực tế này dường như mới chỉ phổ biến ở những thị trường lớn - nơi bất động sản đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Còn tại nhiều thị trường tỉnh, trong cuộc tiến quân của lực lượng môi giới, ngành nghề này vẫn phải chịu nhiều kì thị, định kiến.
Bốn năm trước, sau thời gian làm môi giới bất động sản tại Hà Nội, do mẹ ốm nên anh Vũ Văn Chinh về quê Thái Bình lập nghiệp. Khi đó, hoạt động mua bán bất động sản ở quê chủ yếu diễn ra theo phương thức truyền miệng, treo biển hoặc số ít ngoài nghề chính thì kiêm thêm nghề môi giới đất. Thị trường không có văn phòng nhà đất nào. Khi đó, anh Chinh nhận thấy cả người bán và người mua đều mất nhiều thời gian hơn thông thường nếu muốn bán hoặc mua thành công một bất động sản ưng ý. Chưa kể, rất nhiều người bán hoặc người mua bị “hớ” do không nắm được mặt bằng thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cũng loạn giá do cò đất kê giá sản phẩm cao hơn giá trị thực khá nhiều để nhận hoa hồng là phần chênh. Do đó, nghề môi giới bất động sản ở quê anh chịu nhiều định kiến và bị kì thị.
Hành trình khẳng định vị thế của môi giới tại thị trường tỉnh là một hành trình đầy thách thức và kiên trì. Ảnh minh họa |
Với kinh nghiệm và kiến thức có được khi làm ở Hà Nội, anh Chinh mong muốn tạo nên sự chuyên nghiệp của nghề, góp phần vào sự minh bạch của thị trường. Thế nhưng thời gian đầu, anh chịu sự kì thị của người dân. Khi anh gọi điện hoặc gặp trực tiếp chủ nhà và khách hàng đề nghị bán giúp hoặc giới thiệu sản phẩm phù hợp thì đều bị xua tay, lắc đầu với câu trả lời không làm việc qua môi giới, miễn trung gian. Họ đều có tâm lý lo sợ bị lừa, bị mất thêm tiền hoặc mua phải giá cao nếu thông qua môi giới. Giai đoạn đó khó khăn đến mức anh Chinh muốn bỏ nghề. Thế nhưng bằng kinh nghiệm, sự chân thành và kiên trì, đến nay, sau 4 năm anh Chinh đã tạo được vị thế nhất định, được tin tưởng và thực hiện thành công cả trăm giao dịch ở quê.
Để trở thành một môi giới chuyên nghiệp, theo anh Chinh, ngoài am hiểu về sản phẩm môi giới cần đến các kiến thức liên ngành như luật pháp, phong thủy và kiến trúc. Kiến thức thuộc các lĩnh vực này sẽ bổ trợ cho môi giới trong quá trình tư vấn, gợi mở cho khách hàng những lựa chọn tốt nhất. Và một người môi giới chân chính là người luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trước tiên. Từ một môi giới hoạt động nhỏ, lẻ, đến nay, anh Chinh đã mở được văn phòng bất động sản riêng.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Tấn cũng cho biết nhiều năm trước khi về Bắc Giang anh cũng gặp những câu chuyện tương tự. Nếu tại khu vực thành phố, thị trường bất động sản phát triển khá rầm rộ thì tại các thị trường huyện, người dân vẫn còn định kiến, cảnh giác với người làm nghề môi giới bất động sản. Khi về Yên Dũng, có gia đình treo biển bán nhà, anh Tấn gặp trực tiếp đề nghị bán giúp nhưng chủ nhà cương quyết từ chối vì sợ lừa đảo. Hơn 1 năm sau quay lại đó, căn nhà vẫn chưa bán được. Một lần nữa, anh đề nghị chủ nhà và được đồng ý.
Anh Tấn cho biết nguyên nhân khiến ngôi nhà khó bán dù vị trí và thiết kế đẹp là do chủ nhà định giá quá cao so với mặt bằng thị trường. Sau khi anh Tấn phân tích, chủ nhà thấy hợp lý nên giảm giá bán. Với kinh nghiệm và kĩ năng trong nghề, chỉ chưa đầy 2 tháng, anh Tấn đã rao bán thành công. Bền bỉ tại các thị trường huyện, đến nay anh Tấn trở thành một thương hiệu mà chủ nhà và khách mua chủ động tìm đến khi cần bán, cần mua một bất động sản phù hợp.
Anh Tấn cũng đã mở văn phòng môi giới với mong muốn đào tạo một thế hệ môi giới mới chuyên nghiệp làm việc có tâm và có tầm. Hai năm nay, các thị trường bất động sản huyện ở Bắc Giang cũng phát triển mạnh do sự đổ về đông đảo của các khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu nhà ở, nghề môi giới của anh được nhìn nhận đúng và trân trọng hơn trước.
Duy Bách
>> Làm môi giới nhà đất, chỉ cần khéo ăn nói là có thể "hái ra tiền"?
>> Nhiều bất cập trong nghề môi giới bất động sản