Anh Nguyễn Hữu Dũng – một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, gần đây theo dõi trên thị trường bất động sản, anh thấy xuất hiện những ứng dụng mua bán trực tuyến, cho phép nhiều nhà đầu tư có thể cùng mua chung một bất động sản tiền tỷ.
Cụ thể, anh Dũng cho biết, khi các bất động sản được chủ đất ký gửi sẽ có một đơn vị đứng ra đi tìm các nhà đầu tư để mua chung một bất động sản. Bất động sản đó có thể là căn nhà phố, đất nền... Chẳng hạn, nếu một bất động sản có giá trị 3 tỷ đồng sẽ được chia thành 1.000 phần, mỗi phần 3 triệu đồng. Khi doanh nghiệp đứng ra gọi vốn, nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư một hay nhiều phần.
Nhiều đánh giá mô hình chia nhỏ bất động sản thành nghìn phần, nhà đầu tư chỉ có từ vài triệu đồng cũng có thể tham gia đầu tư... sẽ rất rủi ro. (Ảnh minh họa) |
Qua tìm hiểu, anh Dũng thấy rằng, khi tham gia mô hình đầu tư đó, các nhà đầu tư sẽ phải đăng ký thành viên trên hệ thống sàn giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp, sau đó nạp tiền thông qua ví điện tử, từ đó quy đổi sang các dạng khác nhau như các token để mua bất động sản. Mỗi khách hàng được cấp tài khoản online theo mã số Blockchain để quản lý suất đầu tư.
Các thông tin về bất động sản, cũng như các ‘sổ đỏ’ của sản phẩm bất động sản cũng được doanh nghiệp niêm yết trực tuyến.
Theo anh Dũng, hình thức đầu tư này khá phù hợp với những nhà đầu tư có ít vốn như anh. Thay vì bỏ ra tiền tỷ để đầu tư một sản phẩm bất động sản thì mô hình chia nhỏ bất động sản thành nhiều phần đầu tư, nhà đầu tư có thể tham gia với số vốn từ vài triệu đồng đến vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đồng, tùy vào khả năng.
Tuy nhiên, anh Dũng khá băn khoăn về quy định pháp lý của mô hình đầu tư này, liệu có rủi ro nào với nhà đầu tư khi tham gia hay không?
Trao đổi với PV Infonet về mô hình "chia nhỏ bất động sản thành nhiều phần rồi bán bằng công nghệ Blockchain" đang được giới thiệu trên thị trường, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding đánh giá, đây chỉ là một mô hình huy động vốn, chỉ là Fintech chứ chưa phải Blockchain.
Theo ông Hậu, nếu như tệp khách hàng trước kia phải có từ 200-500 triệu đồng mới có thể đầu tư một sản phẩm bất động sản, nhưng bây giờ chỉ cần vài triệu có thể đầu tư một phần bất động sản đó.
“Mô hình Blockchain là tốt, nhưng ở Việt Nam để áp dụng thành công rất khó; hiện có vài mô hình áp dụng nhưng không phải là Blockchain mà là Fintech. Những nhà đầu tư khi đã đầu tư vào nền tảng nào đó thì phải sinh lời, để có sinh lời phải phụ thuộc vào quy luật cung – cầu. Khi đầu tư vào sản phẩm bất động sản, phải có người mua thì giá trị bất động sản đó mới tăng lên được.
Còn mô hình có một đơn vị đứng ở giữa người bán là chủ bất động sản và người mua là hàng trăm người, rồi phải bán được bất động sản đó đi thì mới chia lợi nhuận... đó không phải Blockchain”, ông Hậu phân tích.
“Blockchain mã hóa dữ liệu, rất minh bạch; tuy nhiên một vài mô hình ở Việt Nam thì nhà đầu tư cần cân nhắc rủi ro bởi khi bỏ tiền đầu tư vào đó mà không biết tiền đi đâu, ai là người rút ra, làm như thế nào...
Đặc biệt, hành lang pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cho các mô hình này nên khi đầu tư cũng rủi ro về pháp lý rất lớn.
Theo tôi, cơ quan chức năng cũng nên có văn bản hướng dẫn để quy định rõ Blockchain là như thế nào, cũng như phải có đơn vị thẩm định. Hiện giờ cứ hô hào trên thị trường nhưng ai là người thẩm định nó là Blockchain, hay đó chỉ là Fintech hay chỉ là mô hình huy động vốn, đa cấp?”, ông Hậu nhấn mạnh.
Do đó, ông Hậu cảnh báo nhà đầu tư khi đầu tư một mô hình nào thì cũng cần tìm hiểu kỹ người chủ doanh nghiệp, pháp nhân công ty đó là ở nước ngoài hay Việt Nam, họ có minh bạch, có năng lực hay không...
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cảnh báo, đây là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam nên chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào cho hình thức này. Vì vậy, nó ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Thậm chí có thể một số đơn vị lập lờ giữa mua chung bất động sản và cổ phiếu, cổ phần.
Theo ông Đính, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện nay đều chỉ bảo vệ người mua bất động sản hoàn chỉnh và đứng tên sở hữu, hay với cổ phiếu thì có Luật Chứng khoán bảo vệ. Trong khi đó người mua một phần bất động sản là dở hàng hóa, dở cổ phiếu thì không có quy định hay cơ quan nào bảo vệ nên rủi ro rất cao.