Quy hoạch thành phố Thủ Đức và những thông tin đáng chú ý

Quy hoạch thành phố Thủ Đức trở thành chủ đề rất được quan tâm ngay khi có thông tin về việc thành lập thành phố Thủ Đức, đặc biệt với những ai đang có dự định an cư, đầu tư tại thành phố phía Đông.

Với việc UBTVQH ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM), thành phố Thủ Đức đã chính thức được thành lập từ ngày 01/01/2021 trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.


Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức cho lãnh đạo TPHCM.
Ảnh: Tự Trung

Về cơ bản, việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức đáp ứng được các tiêu chuẩn đô thị loại I của thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, thực hiện nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, dân số 171.311 người của quận 2; 113,97km2 diện tích tự nhiên, dân số 310.107 người của quận 9 và 47,80km2 diện tích tự nhiên, dân số 532.377 người của quận Thủ Đức. Như vậy, thành phố Thủ Đức có quy mô 211,56km2 và dân số 1.013.795 người, gồm 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã.

Về địa giới hành chính, phía Bắc giáp thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương; phía Nam giáp quận 7, quận 4 và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai; phía Đông giáp thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp quận 12, quận 1, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tên thành phố Thủ Đức chỉ là tạm thời, trong tương lai có thể thay đổi. Tuy vậy, trước kia, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức được tách từ quận Thủ Đức cũ nên tên gọi thành phố Thủ Đức vừa mang tính kế thừa lịch sử địa danh, vừa phù hợp mới nguyện vọng của phần lớn người dân thành phố. Cùng với đó, thành phố Thủ Đức sẽ có HĐND thành phố riêng biệt, UBND thành phố được sáp nhập từ UBND của 3 quận cũ, góp phần giảm áp lực hành chính cho TPHCM. Đồng thời, với vị trí cửa ngõ phía Đông, Thủ Đức sẽ được phát triển thành trọng điểm liên vùng, liên tỉnh có nhiệm vụ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TPHCM cũng đang nghiên cứu lập quy hoạch thành phố Thủ Đức 21.000ha tỷ lệ 1/25.000-1/10.000 với các mục tiêu phát triển giao thông xanh, quản lý ngập lụt và khả năng chống chịu. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho biết, 10% diện tích thành phố Thủ Đức sẽ là công viên, trong đó 30% diện tích công viên (khoảng 630ha) sẽ trở thành hồ điều hòa.

Thành phố Thủ Đức được định hướng phát triển chính theo hướng Đông và Đông Đông Bắc. Trong đó, trên hướng Đông, các địa bàn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức bố trí Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm cấp Thành phố ở Tam Đa cùng các trung tâm chuyên ngành lớn như Khu công nghệ cao, Khu phức hợp Trường Thọ, Khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, Khu Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm tài chính quốc tế…

8 trung tâm của thành phố Thủ Đức

Về quy hoạch phát triển đô thị, theo ông Nhã, thành phố phía Đông sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính của khu vực

Trong nhiều năm qua, Thủ Thiêm với vị trí thuận lợi, nằm dọc sông Sài Gòn lại tiếp giáp với khu vực đô thị lõi trung tâm TPHCM nên được quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị hiện đại, trở thành trung tâm tài chính của TPHCM. Theo quy hoạch, Thủ Thiêm có diện tích 647ha, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố và của cả khu vực, có vị trí quốc tế, là trung tâm giải trí, nghỉ ngơi, văn hóa.

Khu Rạch Chiếc – Khu thể thao và sức khỏe

Khu Rạch Chiếc được quy hoạch định hướng thành nơi kinh doanh thể thao, chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á. Đây cũng là khu vực thể hiện tiềm năng của TPHCM như một điểm đến quốc tế về y học thể thao cũng như các ngành nghề về thể thao, từ đó thu hút người lao động có thu nhập cao đến sinh sống tại TPHCM.

Khu công nghệ cao (SHTP) – Trung tâm sản xuất tự động hóa và công viên khoa học

Với năng lực sản xuất sẵn có, khu công nghệ cao TPHCM có nhiệm vụ thúc đẩy tương lai sản xuất và thiết kế sáng tạo. Hiện khu công nghệ cao đã có công ty sản xuất sử dụng công nghệ cao và các đầu tư giáo dục quốc tế, trong khi đó công viên khoa học đang được đầu tư xây dựng và hình thành tại phường Long Phước, quận 9.

Đại học Quốc gia TPHCM – Khu trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục

Đại học Quốc gia TPHCM với quy mô hơn 643ha là nơi tập trung quần thể giáo dục đào tạo, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Đây cũng sẽ là một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hợp tác liên ngành và thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu với ứng dụng.

khu đại học quốc gia tphcm|
Khu Đại học quốc gia TPHCM sẽ tiếp tục được đầu tư lớn.

Khu Tam Đa - Trung tâm công nghệ sinh thái

Khu Tam Đa được định hướng phát triển thành trung tâm công nghệ sinh thái, có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ẩm thực, nông nghiệp công nghệ cao, những khu vườn mưa, khu trường đại học, khu vực ven biển ngập mặn và các trục chính phát triển. Theo quy hoạch, khu Tam Đa có quy mô 25ha, hiện trạng đang là quỹ đất an ninh quốc phòng quân sự, tiếp giáp kênh rạch, sông và đường Tam Đa.

Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai

Khu Trường Thọ với tầm nhìn trở thành đô thị công nghệ phía Đông của TPHCM với ý tưởng độc đáo, mang tính cách mạng nhất về công nghệ. Khu vực này sẽ thúc đẩy việc tái phát triển cảng Trường Thọ thành địa điểm lý tưởng để phát triển dự án thành phố thông minh.

Khu cảng quốc tế Cát Lái – Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ

Khu cảng quốc tế Cát Lái TPHCM sẽ phát huy thế mạnh là đầu mối giao thương, góp phần biến thành phố Thủ Đức thành trung tâm logistic.

Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

TPHCM sẽ quản lý linh hoạt trên các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông, tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng thấp nhất nhằm khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp.

Ông Nhã cho rằng, với 8 trung tâm trên, việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng nên thành phố Thủ Đức ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, tài chính, còn mở ra cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, từng bước thúc đẩy phát triển TPHCM về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Quy hoạch phân khu thành phố Thủ Đức

Về công nghiệp xây dựng

Trong những năm qua, Thủ Đức đã dần chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông – lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng ngành xây dựng – công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Đồng thời, xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn, từ đó nâng cao đời sống người dân. Cụ thể:

- Khu Đông đã hình thành, đầu tư xây dựng Khu chế xuất Linh Trung II với diện tích 62,5ha thuộc phường Linh Trung với tỷ lệ lấp đầy 100%, hiện đang rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch để xây dựng thí điểm nhà xưởng cao tầng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Khu công nghiệp Cát Lái – cụm II với diện tích 136,95ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi cũng đã được triển khai xây dựng với tỷ lệ lấp đầy 100%.

- Khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9 với diện tích khoảng 80ha được chuyển đổi thành khu dân cư.

- Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Long Sơn khoảng 30ha được điều chỉnh thành Cụm cảng trung chuyển ICD với quy mô khoảng 50ha.

Thành phố cũng triển khai chương trình di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch, cơ sở có nguy cơ cháy nổ, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục triển phát triển công nghiệp hỗ trợ các khu chế xuất tập trung, khu công nghiệp, sản xuất nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp… nhằm hạn chế sự phụ thuộc nguồn hàng từ nước ngoài.

Về thương mại – dịch vụ

Đề án thành lập thành phố Thủ Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành và xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp phát triển kinh tế dịch vụ như hội chợ triển lãm, dịch vụ logistic, phân phối.

Định hướng quy hoạch thành lập 5 vị trí trung tâm logistics tại các vị trí: Trung tâm logistics Trường Thọ ở quận Thủ Đức, Trung tâm logistics Long Bình ở quận 9, Trung tâm logistics Khu công nghệ cao ở quận 9,Trung tâm logistics Linh Trung ở quận 9, Trung tâm logistics ở quận 2 và quận 9.

Quy hoạch giao thông "khủng"

Công ty Sasaki – đơn vị đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch Thành phố Thủ Đức nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông quy mô lớn kết nối khu trung tâm hiện hữu với hướng liên kết vùng cho phù hợp với chiến lược phát triển thành phố trong tương lai. Vậy trong tương lai, hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức sẽ có những gì nhằm tạo được nền tảng đột phá về quy hoạch tổng thể, trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao?

hình vẽ hạ tầng giao thông thành phố thủ đức
Hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức.

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55,7km, bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) và có điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Tuyến đường có nhiệm vụ kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với Tây Nguyên và các vùng Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Phan Thiết từ 5 giờ xuống còn 3 giờ, từ TPHCM đi Vũng Tàu từ 2,5 giờ xuống còn 1,5 giờ. Sau khi đưa vào khai thác, cao tốc đã bị quá tải nên Bộ GTVT kiến nghị mở rộng đường cao tốc này với quy mô 8 làn xe vào năm 2025 với tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Tuyến đường huyết mạch ở khu đông Sài Gòn này đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản tại đây.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)

Tuyến metro số 1 được xem là động lực lớn xét cả về kinh tế và thị trường bất động sản mà thành phố Thủ Đức sở hữu. Được khởi công trong năm 2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng phải đến năm nay tuyến tàu điện ngầm này mới chính thức được đưa vào vận hành do đội vốn, chậm tiến độ. Dù chưa hoàn thành nhưng tuyến giao thông này đã có tác động đáng kể đến thị trường bất động sản lân cận.

Bến xe miền Đông mới

Với diện tích 16ha, lớn gấp gần 4 lần bến xe cũ, đây là bến xe có quy mô lớn nhất Việt Nam. Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động, trở thành cú hích cho sự phát triển của thành phố phía Đông và góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở các tuyến đường xung quanh bên xe cũ, làm giảm áp lực lưu thông đối với các tuyến đường giao thông nội thành.

Đại lộ Phạm Văn Đồng

Là một trong những tuyến đường huyết mạch chủ chốt của TPHCM, Đại lộ Phạm Văn Đồng với chiều dài 13,6km có nhiệm vụ kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TPHCM, đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Hầm chui Mỹ Thủy

Hầm chui Mỹ Thủy có tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng, là dự án giao thông trọng điểm của TPHCM. Khi hoàn thiện, dự án giao thông này sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, hầm chui Mỹ Thủy còn góp phần tăng cường an toàn giao thông trên tuyến, hoàn chỉnh quy hoạch tại khu vực và đồng bộ hạ tầng giao thông.

Hầm Thủ Thiêm

Hầm Thủ Thiêm có tác động lớn đối với sự phát triển khu Đông, được đánh giá là công trình quan trọng bậc nhất đại lộ Đông Tây. Hầm Thủ Thiêm cũng là cú hích cho sự phát triển khu đô thị Thủ Thiêm mà Thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục hưởng lợi từ công trình đặc biệt này trong tương lai.

Cùng với đó, khi cầu Thủ Thiêm 2 – kết nối trung tâm TPHCM với khu đô thị Thủ Thiêm hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện trục giao thông tại thành phố và giảm áp lực giao thông cho khu vực.

Hạ tầng giao thông khác

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong giai đoạn 2020-2022, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, bao gồm xây dựng đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m, xây dựng đường kết nối cảng Cát Lái với đường Vành đai 2. Tiến hành triển khai thí điểm 5 tuyến xe buýt điện theo mô hình vận tải công cộng sạch, không phát sinh khí thải.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng Chính phủ, việc thành lập thành phố Thủ Đức không đơn giản chỉ là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính mà cần phải quy hoạch thành phố Thủ Đức với quy mô xứng tầm, trở thành động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân theo đúng kỳ vọng. Mặt khác, cần xác định thành phố Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông, có vai trò kết nối toàn vùng kinh tế trọng điểm phái Nam nên phát triển Thủ Đức phải gắn liền với các đô thị lân cận như Biên Hòa, Dĩ An, Nhơn Trạch, Long Thành... 

>> Thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức và Phú Quốc
>> Giá căn hộ khu Đông liên tục nhảy múa vì thành phố Thủ Đức
>> Chuyên gia nhận định gì về bất động sản TP. Thủ Đức?